28/11/2024 15:30 GMT+7

Samsung nỗ lực trở thành doanh nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam

Câu chuyện về quá trình thay đổi của doanh nghiệp Việt cùng dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh của Samsung được đăng trên tờ báo kinh tế Hàn Quốc Maeil Business Newspaper.

Samsung nỗ lực trở thành doanh nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc Công ty Bình Minh TMC, trao đổi cùng nhân viên vận hành về máy gia công chính xác - Ảnh: TT

Nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt

"Hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương là một trong số các hoạt động trách nhiệm xã hội của Samsung đang triển khai trên hành trình nỗ lực trở thành một doanh nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam" - ông Kim Tea Hoon, phó tổng giám đốc phụ trách Trung tâm mua hàng Samsung Việt Nam, đã chia sẻ như vậy với tờ Maeil Business Newspaper khi được hỏi về dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh - một trong số những dự án tiêu biểu của Samsung nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Kim, để thực hiện dự án này, các chuyên gia từ Hàn Quốc đã được cử sang Việt Nam và trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp tham gia dự án trong vòng hơn 3 tháng, nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp này.

"Khi năng lực sản xuất của các doanh nghiệp này được cải thiện, về lâu dài cũng sẽ có tác động củng cố năng lực cạnh tranh trong sản xuất" - ông Kim khẳng định.

Trong 3 năm triển khai (từ năm 2022), công ty đã hỗ trợ tư vấn phát triển nhà máy thông minh cho khoảng 72 doanh nghiệp Việt Nam và hỗ trợ đào tạo 123 chuyên gia tư vấn. Dự kiến trong năm 2025, công ty sẽ tiếp tục hỗ trợ 20 doanh nghiệp nữa.

"Trái ngọt" sau quá trình tư vấn

Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long - một doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì đặt tại tỉnh Bắc Ninh và Công ty TNHH Bình Minh TMC, doanh nghiệp chuyên gia công cơ khí chính xác (CNC) là 2 trong số những doanh nghiệp đã có những thay đổi ấn tượng sau quá trình Samsung hỗ trợ tư vấn. Maeil Business Newspaper cũng đã trực tiếp tới thăm và có cuộc phỏng vấn với 2 doanh nghiệp này.

Bà Đỗ Thị Phương Liên, phó tổng giám đốc Công ty Thăng Long, chia sẻ với Maeil Business Newspaper: "Nhờ sự hỗ trợ của Samsung mà nhà máy của chúng tôi đã tái sinh thành một nhà máy thông minh hoàn toàn khác biệt so với trước đây, điều này chẳng khác gì như một lần khởi nghiệp thứ hai".

Samsung nỗ lực trở thành doanh nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam - Ảnh 2.

Bà Đỗ Thị Phương Liên, phó tổng giám đốc Công ty Thăng Long, chia sẻ cùng chuyên gia tư vấn của Samsung cạnh máy in trong xưởng sản xuất - Ảnh: TT

Dù đã phát triển thành một công ty sản xuất bao bì có doanh thu hằng năm trên 30 tỉ won (khoảng 550 tỉ đồng) nhưng Thăng Long vẫn luôn trăn trở về không ít vấn đề tồn đọng từ quá khứ cần phải giải quyết. 

Vì tất cả các quy trình, từ vận hành máy in, sản xuất in ấn, quản lý kho, bảo trì thiết bị đều phụ thuộc vào phương pháp thủ công. Toàn bộ các thông tin thu thập được từ các khâu sản xuất đều được ghi tay rồi nhập vào Excel để lưu trữ. Trong khi đó máy in thường hỏng đột ngột gây ra nhiều trở ngại.

Samsung đã vào cuộc hỗ trợ xây dựng hệ thống sản xuất thông minh cho Thăng Long. Một hệ thống thu thập, phân tích và quản lý dữ liệu về năng suất sản xuất, tình trạng thiết bị và dòng chảy sản phẩm theo thời gian thực đã được thiết lập. Mọi thiết bị tại các công đoạn đều được trang bị cảm biến hiện đại, qua đó tạo thuận lợi trong việc thu thập và phân tích dữ liệu theo thời gian thực.

Công nghệ tự động hóa cũng được áp dụng vào quản lý chất lượng máy in - tài sản cốt lõi của các công ty in ấn. Bên cạnh đó, một hệ thống giám sát trạng thái thiết bị theo thời gian thực, cảnh báo phát ra khi vượt quá giới hạn cho phép cũng đã được thiết lập, qua đó giúp kiểm tra và phòng ngừa hỏng hóc trước khi phát sinh.

Nhờ dự án hỗ trợ của công ty, Thăng Long đã cắt giảm lượng tiêu thụ năng lượng và tăng cường quản lý ESG (Môi trường, Trách nhiệm xã hội và Quản trị minh bạch). Các thiết bị sẽ tự động tắt nguồn khi không hoạt động, tối ưu hóa việc vận hành máy sấy in, giúp giảm đáng kể mức tiêu thụ điện năng. Quy trình sản xuất cũng được tái cấu trúc để phù hợp với luồng công việc, từ đó nâng cao hiệu suất tổng thể.

Cũng như Thăng Long, trước khi được công ty hỗ trợ, Bình Minh TMC cũng đã thử nhiều cách để giảm tỉ lệ lỗi và tăng năng suất.

"Thay đổi thực sự chỉ đến sau khi áp dụng giải pháp nhà máy thông minh của Samsung" - ông Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc Công ty Bình Minh TMC, chia sẻ.

Dự án nhà máy thông minh của công ty đã mang đến cho Bình Minh TMC những bước ngoặt quan trọng. Giờ đây, các quy trình ghi chép và quản lý thủ công lặp đi lặp lại hằng ngày đã được số hóa hoàn toàn. Toàn bộ thông tin sản xuất đều có thể kiểm tra theo thời gian thực, giúp giải quyết vấn đề ngay lập tức.

Nhờ sự hỗ trợ của công ty, tỉ lệ hoạt động của thiết bị đã tăng đáng kể. Công ty dự kiến doanh thu năm nay sẽ tăng hơn 30% so với năm trước. Hiện tại, công ty đang tiến hành thử nghiệm chuyển đổi một số dây chuyền sản xuất thành dây chuyền thông minh và có kế hoạch mở rộng áp dụng ra toàn nhà máy.

Ông Nguyễn Văn Tuấn kết luận: "Việc đổi mới quy trình sản xuất trong thời gian ngắn đã giúp chúng tôi tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí. Dự án này mở ra cơ hội để công ty vươn lên một tầm cao mới, trở thành doanh nghiệp sản xuất linh kiện chính xác chất lượng cao".

Theo Maeil Business Newspaper, Samsung dự kiến mở rộng hỗ tư vấn nhà máy thông minh trên phạm vi toàn cầu, với điểm khởi đầu từ Việt Nam.

Theo báo kinh tế Hàn Quốc Maeil Business Newspaper https://www.mk.co.kr/news/business/11172618

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên