Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến.
Bà Lưu Thị Thanh An (nguyên bí thư Thị ủy Bảo Lộc):
Lãnh đạo địa phương có tham gia việc này hay không?
Nhà nước thất thu rất nhiều khi để chuyện lợi dụng hiến đất mở đường rồi phân lô tách thửa xảy ra. Việc mở đường xương cá to lớn trong một khu đất rồi tách thửa nhỏ chào bán với giá cao có dấu hiệu trục lợi chính sách.
Việc này không có chuyện lãnh đạo từ cấp xã đến cấp thành phố, cấp huyện không hay biết hoặc không thấy.
Chuyện nó to rành ra đó, dân thường cũng thấy bất thường chứ đừng nói cán bộ nắm chắc các quy định trong tay.
Tôi muốn đặt dấu hỏi không chỉ về trách nhiệm của lãnh đạo địa phương mà còn muốn biết lãnh đạo địa phương có tham gia việc này hay không.
Ông Huỳnh Minh Xuyến (nguyên phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng):
Thanh tra vào cuộc sẽ lòi ra hết
Có lỗ hổng trong việc chuyển đổi đất từ nông nghiệp sang đất ở. Làm gì có chuyện doanh nghiệp, vài cá nhân nhiều tiền mua gom diện tích đất lớn rồi điều chỉnh từ đất nông nghiệp thành đất ở nông thôn hoặc đô thị.
Coi lại vai trò của hội đồng nhân dân và các đơn vị có liên quan đến việc tham mưu điều chỉnh quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất liên quan đến kinh tế - xã hội rất lớn.
Chuyển đổi không sai nhưng nó phải đúng với quy mô phát triển dân cư. Thanh tra tỉnh Lâm Đồng làm thẳng vào trách nhiệm và quy trình chuyển đổi đất là ra hết.
Làm dự án bất động sản không có gì sai, nhưng nó phải đúng luật. Anh mua gom đất vài đồng để tránh đấu giá rồi chuyển đổi đất bán gấp trăm gấp nghìn lần như thế là sai, trục lợi, làm thất thu tiền của Nhà nước. Làm vậy cũng sẽ bất công với những đơn vị làm đúng luật, có dự án, có quy hoạch đúng chuẩn.
Lo vùng trồng cà phê, vùng nông nghiệp dần biến mất
Ông Lê Văn Tuế, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm), cho biết sau khi xã tiếp nhận đơn xin mở đường và đấu nối với các tuyến giao thông hiện hữu, địa phương đã trình huyện phê duyệt.
Tuy nhiên, do hầu hết người dân địa phương bán đất cho người khác nên xã không nắm được chủ mới là ai để quản lý trong các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự tại địa phương.
"Tại địa bàn huyện Bảo Lâm, dù chưa có thống kê cụ thể nhưng hiện có hàng chục khu vực được phân lô, bán nền và được quảng cáo là "dự án" bất động sản, khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Tình hình giá đất tại địa phương lên cao gấp nhiều lần trong thời gian gần đây nên người dân mua bán rất nhiều. Tuy nhiên, người mua mới không tiếp tục canh tác cà phê, không làm vườn mà xin hiến đất làm đường để phục vụ mục đích riêng. Và thực tế rất ít đường được mở ra phục vụ sản xuất đúng như quy định.
Mặc dù tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản điều chỉnh vấn đề này nhưng thực tế nó vẫn diễn ra và chúng tôi chỉ lo lắng về hệ lụy lâu dài, vùng trồng cà phê, vùng nông nghiệp trù phú sẽ dần biến mất" - ông Tuế nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận