Trường ĐH Đông Đô được kết luận có nhiều sai phạm trong cấp bằng tiếng Anh - Ảnh: NAM TRẦN
Theo đó, Bộ GD-ĐT khẳng định không buông lỏng quản lý để tạo kẽ hở cho sai phạm của Trường ĐH Đông Đô. Thế nhưng theo các chuyên gia, giải thích của Bộ GD-ĐT về vấn đề này cho thấy có những bất hợp lý trong quy định và hậu kiểm.
"Làm ngược"
Cụ thể, Bộ GD-ĐT cho biết từ năm 2017 trở về trước, việc rà soát và thông báo tổng chỉ tiêu năng lực tuyển sinh của trường được thực hiện trước khi trường công bố đề án tuyển sinh và độc lập với thủ tục mở ngành, chương trình đào tạo mới.
Theo một số chuyên gia, đây là "việc làm ngược" vì phải có đề án tuyển sinh (quy mô đào tạo, cơ sở vật chất, giảng viên và dự báo nhu cầu nhân lực của xã hội) mới đủ cơ sở xác định và đăng ký chỉ tiêu với Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT rà soát và thông báo xác nhận chỉ tiêu cũng phải dựa trên các dữ liệu này.
Tuy vậy, cũng có ý kiến khác cho rằng xác định tổng chỉ tiêu cho trường có thể độc lập với phân chỉ tiêu theo ngành đào tạo, trong đó có ngành mới mở. Vì các trường sau khi xác định tổng chỉ tiêu có thể cân đối trong khoảng chỉ tiêu được xác định, phù hợp kế hoạch phát triển của trường.
"Ấn định tổng chỉ tiêu trước dễ dẫn tới tùy tiện mở rộng quy mô tuyển sinh, gây khủng hoảng thừa nhân lực ở ngành dễ thu hút người học. Đó là chưa kể cơ quan quản lý không kiểm soát được phân bổ chỉ tiêu cho những ngành chưa được phép, tương tự trường hợp ĐH Đông Đô" - một chuyên gia chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Thực tế Vụ Kế hoạch - tài chính, Bộ GD-ĐT có nhiệm vụ rà soát, kiểm tra năng lực đào tạo và thông báo xác nhận tổng chỉ tiêu năng lực tuyển sinh của các trường theo khối ngành, hình thức đào tạo, đảm bảo các tiêu chí về đội ngũ, diện tích.
Việc rà soát và thông báo này không chi tiết đến từng ngành đào tạo. Nhiều trường sau khi được thông báo xác nhận tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới quyết định mở chương trình mới hoặc đăng ký đào tạo văn bằng 2 cho một ngành cụ thể.
ĐH Đông Đô từ năm 2015 đến 2019 đều đăng ký chỉ tiêu văn bằng 2 trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh nhưng không thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh theo quy định, mặc dù trường đã được đào tạo chính quy văn bằng 1 ngành này từ năm 1995.
"Trách nhiệm của cơ quan quản lý phải hậu kiểm xem việc đăng ký đã đúng chưa. Nếu có nhưng bất ổn phải phát hiện kịp thời, yêu cầu trường giải trình. Việc hậu kiểm cũng là thúc đẩy các trường khi tự chủ phải thực hiện công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình" - một chuyên gia nói thêm.
Rà soát để điều chỉnh
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, sau khi cơ quan điều tra có kết luận chính thức, bộ sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm đối với những đơn vị, những cá nhân có liên quan nếu có sai sót, vi phạm. Nhưng ngay từ khi sai phạm ở Trường ĐH Đông Đô được phát hiện và xử lý, bộ đã và đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản về quản lý nhà nước để theo kịp với thực tiễn.
Việc này vừa đảm bảo quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường khả năng giám sát của các cơ quan quản lý và của toàn xã hội. Việc cải tiến quy trình, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT đang được thực hiện.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, Bộ GD-ĐT đang xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục ĐH cùng các công cụ phân tích dữ liệu, áp dụng công nghệ để nâng cao năng lực quản lý và giám sát hoạt động của toàn hệ thống.
Về công tác hậu kiểm, Bộ GD-ĐT cho biết trong hai năm gần đây cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục ĐH, nhất là trong các hoạt động đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chủ quản, địa phương để giám sát, phát hiện, xử lý các trường hợp sai phạm trong đào tạo...
Ông Hoàng Minh Sơn (thứ trưởng Bộ GD-ĐT):
Chưa quan tâm đúng mức đánh giá quá trình, đầu ra
Ông Hoàng Minh Sơn
Yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đối với học viên sau ĐH là cần thiết và cuối cùng cũng phải được minh chứng bằng một văn bằng hoặc chứng chỉ phù hợp (quốc tế hoặc trong nước). Vì thế, không nên vì một số trường hợp sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp mà bỏ qua điều kiện này.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong các điều kiện đầu vào, điều kiện tối thiểu để được tiếp nhận học tập. Bản chất của vấn đề là nhiều khi chúng ta quá chú trọng vào hồ sơ điều kiện đầu vào mà chưa quan tâm đúng mức tới đánh giá quá trình, đánh giá đầu ra.
Biện pháp hiệu quả nhất để loại bỏ việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp là các trường thực hiện chặt chẽ đánh giá năng lực thực chất của học viên trong quá trình đào tạo. Bên cạnh đó các đơn vị sử dụng lao động cũng phải quan tâm đánh giá năng lực thực chất của người lao động sở hữu văn bằng, chứng chỉ trong quá trình công tác.
Bộ GD-ĐT cũng sẽ lưu ý hoàn thiện các quy chế sắp được ban hành với những quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của các trường trong công tác thẩm tra hồ sơ đầu vào, đồng thời tăng cường bảo đảm chất lượng trong quá trình đào tạo, để những học viên không có năng lực thực chất (bao gồm cả ngoại ngữ) phải được đào thải.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (trưởng Ban hỗ trợ chất lượng ĐH, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam):
Cơ quan quản lý giám sát chưa tốt
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến
Tôi đọc báo thấy Trường ĐH Đông Đô có công văn gửi Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT báo cáo thống kê năm học 2014-2015 và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015, trong đó không đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy. Tuy nhiên Bộ GD-ĐT lại có thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Đông Đô, trong đó có 500 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy. Họ không xin, tại sao lại cho?
Hiện nay các trường được từng bước tự chủ nhưng cơ quan quản lý vẫn phải có trách nhiệm giám sát và tự chủ đi liền với trách nhiệm giải trình, chứ không phải muốn làm gì cũng được. Trường hợp của ĐH Đông Đô diễn ra trong mấy năm, đến nay mới "vỡ" ra chứng tỏ việc giám sát chưa tốt. Hiện nay quy định từ cơ quan quản lý đưa ra cho các trường như căn cứ theo diện tích, số lượng giảng viên, thiết bị... để từ đó ra được chỉ tiêu tuyển sinh vẫn còn chung chung.
Có trường có nhiều giảng viên vật lý chẳng hạn, thấy đào tạo ngành tiếng Anh "hot" đã tính luôn cả số lượng giảng viên vật lý vào để đủ tiêu chuẩn giảng viên, mở ngành tiếng Anh. Do đó Bộ GD-ĐT cần phải quy định các chuẩn giáo dục ĐH, từ đó các trường đăng ký và làm theo. Việc xây dựng tiêu chí cần rõ ràng hơn và phải sát thực với ngành các trường muốn mở, chứ không phải con số chung chung bao nhiêu giảng viên, diện tích trường là bao nhiêu.
Ngoài ra cần tăng cường giám sát từ các giảng viên, người học, phụ huynh, xã hội; tăng chế tài phạt thật nặng những trường vi phạm. Còn nếu cơ quan quản lý ôm hết thì hiện nay không thể giám sát xuể.
NGỌC DIỆP ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận