Khu đất "vàng" trên đường Phạm Văn Đồng nhìn ra danh thắng Hòn Chồng trong vịnh Nha Trang được tỉnh Khánh Hòa cho doanh nghiệp thuê với giá thấp trong 50 năm để hoàn vốn dự án BT đường Lý Thái Tổ (huyện Cam Lâm) - Video: DUY THANH
Theo đó Ban bí thư đã quyết định kỷ luật cảnh cáo với Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa; cách hết các chức vụ trong Đảng đối với các ông Lê Đức Vinh (chủ tịch), ông Đào Công Thiên (phó chủ tịch) và ông Nguyễn Chiến Thắng (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa).
Vi phạm của các tổ chức Đảng và các cá nhân lãnh đạo ở tỉnh Khánh Hòa được kết luận là "rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh, để lại nhiều hệ lụy khó khắc phục".
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, cơ quan chức năng kết luận 20 dự án liên quan đến đất đai có vi phạm, gây thiệt hại ít nhất 16.559 tỉ đồng, trong đó riêng dự án Trung tâm Đô thị - thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang (khu đất sân bay Nha Trang cũ) thiệt hại ít nhất là 11.994 tỉ đồng.
Theo một lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho biết: UBKTTW đã chỉ ra 47 dự án mà UBND tỉnh này phê duyệt chủ trương vượt thẩm quyền. Qua kiểm tra 23 dự án thì thấy UBND tỉnh đã ban hành 289 văn bản có nội dung vi phạm.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa có vi phạm khi không xem xét cho chủ trương 29 dự án, để Bí thư Tỉnh ủy Lê Thanh Quang trực tiếp ký 1 văn bản cho chủ trương đối với một dự án theo đề nghị của doanh nghiệp, vượt thẩm quyền, trái với quy định, chưa thảo luận và bàn bạc trong tập thể…
19 dự án còn lại gây thất thoát ít nhất 4.565 tỉ đồng do phê duyệt giá đất dự án thấp hơn đơn giá đất của Nhà nước, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, không tính tiền sử dụng đất, không tính tiền chậm nộp trái quy định của pháp luật…
Nhiều khu đất trong sân bay Nha Trang (cũ) đã được giao cho doanh nghiệp để hoàn vốn các dự án BT trước khi các hợp đồng BT được ký kết - Ảnh: MẠNH NGUYỄN
Còn một lãnh đạo Tỉnh ủy Khánh Hòa nói rằng: có thời điểm tỉnh này chỉ định thầu và chỉ định luôn giá mà không tổ chức đấu thầu, đấu giá, dẫn đến thất thoát tài sản và ngân sách nhà nước. Khánh Hòa có nhiều vi phạm trong một số dự án thực hiện theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Theo tìm hiểu, đã có 4 dự án BT tại Khánh Hòa đã được quyết toán xong là Trường Chính trị Khánh Hòa, ký túc xá Trường Chính trị Khánh Hòa, mở rộng và nâng cấp đường Mai Xuân Thưởng (Nha Trang), đường Lý Thái Tổ (huyện Cam Lâm).
Những khu đất "vàng" ở TP Nha Trang được tỉnh giao hoặc cho thuê để hoàn vốn cho 4 dự án này đều bị dư luận cho rằng tỉnh định giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường, có dấu hiệu gây thất thoát tài sản nhà nước (Tuổi Trẻ ngày 1-10 đã phản ánh)
Dự án BT thứ tư đã được quyết toán là dự án xây dựng đường Lý Thái Tổ (thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm), được tỉnh Khánh Hòa chỉ định Công ty CP đầu tư Thiên Triều (Công ty Thiên Triều) thực hiện, cũng có dấu hiệu gây thất thoát tài sản hoàn vốn. Cụ thể năm 2013, Khánh Hòa cho Công ty Thiên Triều thuê 2,2ha đất mặt tiền đường Phạm Văn Đồng (thuộc P.Vĩnh Phước, TP Nha Trang, nhìn thẳng ra danh thắng Hòn Chồng) trong 50 năm để hoàn vốn dự án đường Lý Thái Tổ.
Tổ hợp Mường Thanh Viễn Triều được xây dựng trên khu đất "vàng" ở đường Phạm Văn Đồng (Nha Trang) - Ảnh: DUY THANH
Dự án được quyết toán có giá trị hơn 41,2 tỉ đồng, nếu chia cho diện tích khu đất "vàng" nêu trên thì giá đất cho thuê chỉ hơn 1,8 triệu đồng/m2, thấp hơn gần 10 lần so với bảng giá đất cùng loại, cùng vị trí năm 2012-2013 được tỉnh quy định (18 triệu đồng/m2).
Còn dự án BT hệ thống thu gom xử lý nước thải khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh có giá trị 473 tỉ đồng, được tỉnh Khánh Hòa ký kết năm 2016 với Công ty CP Đầu tư và phát triển Nha Trang. Theo đó phương án hoàn vốn của tỉnh là giao và cho thuê gần 38ha đất ở khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh, 7 lô đất trong sân bay Nha Trang cũ và 3 lô đất công sản liền kề 168, 170, 172 đường Thống Nhất (trung tâm Nha Trang).
3 lô đất công sản liền kề 168, 170, 172 đường Thống Nhất (Nha Trang) mà Khánh Hòa dự kiến giao cho nhà đầu tư để thanh toán dự án BT hệ thống thu gom xử lý nước thải khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh - Ảnh: DUY THANH
Đến nay, dự án BT này mới thi công khoảng 50% và chưa được quyết toán. Tuy vậy, ngày 21-7-2017, ông Đào Công Thiên (phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) đã ký quyết định giao và cho thuê hơn 7,9ha đất ở khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh để hoàn vốn một phần cho nhà đầu tư. Bất thường là bảng giá đất khu vực này của tỉnh là 800.000 đồng/m2 đất ở nhưng tỉnh Khánh Hòa phê duyệt giá đất ở giao nhà đầu tư chỉ 572.312 đồng/m2.
Trường cao đẳng Y tế Khánh Hòa trên đường Quang Trung (Nha Trang) dự kiến giao cho doanh nghiệp để hoàn vốn dự án BT - Ảnh: DUY THANH
Hiện còn 11 dự án BT đang triển khai ở tỉnh Khánh Hòa chưa được quyết toán và đang tạm dừng triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Nhiều dự án trong số này được tỉnh lên kế hoạch hoàn vốn bằng các khu đất trong sân bay Nha Trang, đất Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Nha Trang, Trường cao đẳng Y tế Khánh Hòa, Đài phát thanh và truyền hình Khánh Hòa… đều là đất có vị trí đắc địa ở trung tâm TP Nha Trang và nhiều khu đất trong khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh.
Khắc phục sai phạm như thế nào?
Liên quan đến những sai phạm nói trên, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Tấn Tuân - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa - cho biết phương án khắc phục những sai phạm mà UBKTTW đã kết luận trước đó.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Ảnh: DUY THANH
Thưa ông, UBKTTW đã yêu cầu như thế nào về việc khắc phục những sai phạm đã kết luận ở tỉnh Khánh Hòa?
* Ông Nguyễn Tấn Tuân: Theo yêu cầu của UBKTTW, đến cuối năm 2019, là phải khắc phục các dự án vi phạm đã được kiểm tra, kết luận chỉ ra. Đó là các dự án vi phạm quy hoạch, các dự án BT không đúng, các dự án gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành khắc phục cụ thể các sai phạm đó như thế nào? Theo ông, khả năng khắc phục ra sao?
* Ông Nguyễn Tấn Tuân: Theo chỉ đạo của UBKTTW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan phải tiến hành rà soát tất cả các dự án mà UBKTTW đã kiểm tra, chỉ ra; kiểm tra lại tính pháp lý, quá trình triển khai dự án… để xử lý. Một trong những vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải nhanh chóng "lập lại trật tự" trong lĩnh vực xây dựng để ổn định, chỉnh trang đô thị, giải quyết các vấn đề gây ảnh hưởng, bức xúc đối với đa số người dân hiện nay.
Cụ thể về việc khắc phục, đối với những dự án vi phạm quy hoạch sử dụng đất thì phải thu hồi. Đối với dự án tính giá đất chưa đúng thì phải tính toán lại và phải thu thêm tiền sử dụng đất cho đúng quy định pháp luật. Đối với người dân, phải tạo điều kiện cho dân có nơi cư trú ổn định. Phải kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, xây dựng trái phép. Yêu cầu là phải làm đúng quy hoạch hiện hành
Về một số dự án sai phạm như san lấp biển: tại dự án Nha Trang Sao, Champarama, Hòn Rùa thì tỉnh đã tiến hành xử lý. Các dự án khu vực núi Chín Khúc thì Bộ TN-MT đang phối hợp với tỉnh để kiểm tra; các dự án ở núi Cô Tiên thì cũng phải kiểm tra lại từng dự án để tiến hành xử lý.
Về yêu cầu khắc phục của UBKTTW, đối với các dự án ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân thì có thể khắc phục được theo đúng thời gian yêu cầu. Nhưng đối với các dự án sai phạm liên quan đến đất và tiền thì cần phải có sự tư vấn, thẩm định giá của các cơ quan trung ương thuộc nhiều bộ như Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Xây dựng… cho nên không thể thực hiện nhanh chóng được.
Thưa ông, đối với vấn đề quy hoạch và đầu tư một số dự án lớn ở tỉnh đều có ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, còn Thường trực Tỉnh ủy thì hàng tuần đều có giao ban để chỉ đạo, vậy thì tại sao vẫn xảy ra sai phạm trong nhiều dự án do UBND tỉnh quyết định?
* Ông Nguyễn Tấn Tuân: Đối với các sai phạm đã xảy ra tại Khánh Hòa, trước hết Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhận thấy và nhận trách nhiệm về việc buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, chưa kịp thời xử lý cán bộ vi phạm để ngăn chặn kịp thời. Về trách nhiệm đó, cả lãnh đạo và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bị trung ương kiểm tra, xem xét, đang đề nghị xử lý kỷ luật.
Còn về thực tế, có rất nhiều trường hợp, dự án đã được cho chủ trương nhưng sau đó UBND tỉnh đã điều chỉnh quy hoạch dự án, điều chỉnh quy mô, thay đổi tổng mức đầu tư không còn theo đúng quy hoạch nhưng lại không báo cáo về những thay đổi đó theo đúng quy định, quy chế làm việc nên dẫn đến nhiều sai phạm như đã xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận