TTCT - Được xem là “cha đẻ” đề án phát triển thể lực, tầm vóc người Việt, GS Dương Nghiệp Chí, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, giải thích vì sao đề án này có nguy cơ thất bại. Các hoạt động thể thao học đường hiện nay vẫn chưa giúp cải thiện thể lực, tầm vóc trẻ em như kỳ vọng. -Ảnh: Quang Định Đánh giá về tiến độ thực hiện đề án, GS Dương Nghiệp Chí nói: Tôi mất 10 năm để tập trung viết đề án này, thời gian thực hiện đến năm 2030 vì biết công tác triển khai của chúng ta rất khó khăn. Nhưng kể từ khi Chính phủ phê duyệt đến nay, đề án được triển khai chậm, kém hiệu quả do nhận thức và tổ chức yếu kém. Không phải do thiếu kinh phí thực hiện mà là không biết cách làm. Mục tiêu chính của đề án là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người VN. Về tầm vóc, đối với nam 18 tuổi, đến năm 2020 chiều cao trung bình 167cm; năm 2030 chiều cao trung bình 168,5cm. Đối với nữ 18 tuổi, đến năm 2020 chiều cao trung bình 156cm; năm 2030 chiều cao trung bình 157,5cm. Đã đi được hơn 1/3 chặng đường rồi nhưng tôi nghĩ khó có thể đạt được mục tiêu này. Trong góp ý sửa đổi, bổ sung Luật TDTT 2006 mới đây, ông đề cập chuyện đưa hệ thống trường năng khiếu thể thao từ Bộ VH-TT&DL sang Bộ GD-ĐT quản lý, vì sao vậy? - Nếu hệ thống trường năng khiếu thể thao vẫn để cho Bộ VH-TT&DL quản lý như hiện nay, giáo dục thể chất trong trường học sẽ không thể phát triển, thể thao thành tích cao cũng không có tương lai. Khi giáo dục thể chất trong các trường học phát triển, hệ thống trường năng khiếu thể thao nằm trong chính hệ thống giáo dục của Bộ GD-ĐT thì các môn thể thao có rất nhiều lựa chọn để tuyển quân. Lúc đó các câu lạc bộ bóng đá chỉ cần đến các trường đó mà tuyển người. Các em được tuyển chọn cũng sẽ được lựa chọn sớm từ 5-6 tuổi thay vì 11-12 tuổi mới như hiện nay. Đưa hệ thống trường năng khiếu thể thao về Bộ GD-ĐT sẽ vô cùng thuận tiện, bởi trong 100 học sinh được tuyển chọn tập luyện năng khiếu thể thao, sẽ có đến 80 bị loại. Những cháu bị loại đó nếu ở trường do Bộ GD-ĐT quản lý vẫn có thể học văn hóa bình thường và có thể tiếp tục được chọn lọc trong những lần sau. 20 cháu được lựa chọn sau này chắt lọc có khi chỉ được vài cháu thì vẫn có môi trường để học văn hóa. Còn hiện nay, như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) mỗi khóa tuyển chọn 20-30 VĐV lên đào tạo, số đó là quá ít để chọn lọc. Không thể có chuyện 30 cháu được lựa chọn sau này sẽ ra 30 cầu thủ, được 2-3 cầu thủ đã là tốt rồi. Thể thao có ý nghĩa thế nào với sự phát triển của một dân tộc, thưa ông? - Các nhà xã hội học Mỹ từng kết luận, để góp phần hình thành nhân cách cho học sinh thì thể thao là số 1. Lý do, thể thao giáo dục sự cạnh tranh, tính kỷ luật, sự giao tiếp... Vì thế Mỹ và các nước phương Tây coi thể thao là môn học quan trọng bậc nhất trong hệ thống giáo dục của họ. Ở châu Á, Nhật là quốc gia có cơ sở vật chất thể thao trong trường học ngang bằng Mỹ. Từ những năm 1950, Chính phủ Nhật Bản có những quy định chỉ cấp phép cho thành lập các trường đại học nếu có sân vận động. Từ giai đoạn này Nhật đã có những chương trình quốc gia để nâng cao tầm vóc người Nhật... Tôi nghĩ VN là một trong những quốc gia mắc sai lầm khi không chú trọng phát triển thể thao học đường, ít chú trọng đến chiều cao thân thể và thể chất con người. Điều này ảnh hưởng rõ rệt đến năng suất lao động, sự phát triển kinh tế - xã hội. Thể thao thành tích cao cũng không thể có bước tiến bộ với châu lục bằng thể lực, tầm vóc con người như hiện nay. Nòi giống người VN sẽ không thể phát triển cao lớn, khỏe mạnh nếu thể thao trường học không được chú trọng phát triển. Trẻ con được nhồi học văn hóa quá nhiều mà không có thời gian, có chỗ để hoạt động thể chất. Đất cho hoạt động thể chất ngày càng teo tóp hoặc không có vì phải dành để xây nhà cao tầng. GS Dương Nghiệp Chí-Ảnh: Khương Xuân Cứ mỗi kỳ đại hội thể thao đến người ta lại nói nhiều đến mục tiêu giành HCV. Nhưng với nền tảng thể chất hiện nay, các mục tiêu này chứa nhiều yếu tố may rủi? - Thể chất con người VN kém so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, chưa nói đến châu Á. Người VN thấp bé, sức mạnh, sức bền kém, kỹ chiến thuật thì chưa tới đâu bởi việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào huấn luyện thể thao dường như không có. Người VN thua xa Thái Lan, Singapore, Malaysia... về thể chất. Vì vậy nếu có những giải đấu chúng ta giành được HCV, yếu tố may mắn đóng góp rất nhiều, thành tích không thể bền vững. Việc chúng ta giành được HCV Olympic là điều rất đáng mừng nhưng phải nói rằng đó cũng là tấm HCV của một nền thể thao bao cấp bởi Nhà nước. Nguyên nhân, như tôi đã nói, do khiếm khuyết trong nhận thức về vai trò của phát triển thể chất con người, cách làm sai, tư duy huấn luyện cũng có nhiều sai lầm. Bóng đá VN vì thế sẽ phát triển rất chậm hoặc không thể phát triển được vì yếu tố thể chất kém. Nhiều năm trước, người hâm mộ vẫn kỳ vọng vào thế hệ cầu thủ mà bầu Đức đầu tư bài bản khi được kết hợp với Học viện Arsenal - JMG. Các cầu thủ sẽ đưa bóng đá VN đến đỉnh cao của ĐNA, nhiều cầu thủ có cơ hội được sang châu Âu, Nhật, Hàn Quốc thi đấu. Thế nhưng đến thời điểm này, giấc mơ của bầu Đức có vẻ đang dở dang. Anh Đoàn Nguyên Đức thuộc những người hiếm hoi trong xã hội có tình yêu, đam mê và cái tâm với thể thao. Điều đó là vô cùng đáng quý và trân trọng. Nhưng anh Đức muốn phát triển bóng đá VN thì cần được sự trợ giúp của toàn xã hội. Khi mà cả xã hội suốt nhiều năm qua chưa nhận thức đúng về việc phát triển thể chất, tầm vóc con người, thể thao trường học không được chú trọng, anh Đức cũng không thay đổi được gì. Làm sao những đứa trẻ ở nhiều miền quê thiếu thốn dinh dưỡng, không được tập luyện thể thao từ nhỏ, đến 11-12 tuổi được chọn đi đá bóng sau này có thể so giày với những cầu thủ được tập luyện thể thao từ lúc 4-5 tuổi, dinh dưỡng đầy đủ, gen di truyền tốt hơn? Các cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường có kỹ thuật hơn mặt bằng chung các cầu thủ của VN nhưng nếu so với châu lục lại là chuyện khác.■ Tags: Thể thao học đườngTầm vóc người ViệtThể lực thanh niên việtSai lầm thể thao học đường
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII TTXVN 25/11/2024 Sáng nay 25-11, tại trụ sở Trung ương Đảng đã khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Mưa lớn, tháng 11 mà Huế ngập nặng, sập một căn nhà NHẬT LINH 25/11/2024 Mưa lớn ở Thừa Thiên Huế đã khiến một nhà dân bị sập làm 2 người bị thương, nhiều đường ở TP Huế bị ngập sâu, không thể đi lại.
Những điểm mới về chuyển tuyến, chi trả bảo hiểm y tế TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Dự kiến tuần này Quốc hội sẽ xem xét dự luật Bảo hiểm y tế sửa đổi với nhiều điểm mới như khám, chữa bệnh tại nhà được bảo hiểm chi trả...
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.