06/08/2012 08:15 GMT+7

Sai lầm trong xây dựng viện phí

Ông Phạm Lương Sơn
Ông Phạm Lương Sơn

TT - Giá dịch vụ y tế được áp mức cao trong khung của liên bộ Y tế - Tài chính bất hợp lý khiến vấn đề viện phí thực sự nóng ran những ngày gần đây. Vậy giá dịch vụ y tế ở mức nào là hợp lý?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế Bảo hiểm xã hội VN, nói:

imd5ddJB.jpgPhóng to
Mặc dù áp dụng viện phí tăng nhưng bệnh nhân vẫn phải nằm chiếu mà chưa có cải thiện gì (ảnh chụp tại Bệnh viện K, một trong năm bệnh viện trung ương đầu tiên áp dụng viện phí mới) - Ảnh: VIỆT DŨNG
- Bảo hiểm xã hội VN đang rà soát định mức kinh tế kỹ thuật của Bộ Y tế. Cái gốc là cơ quan cung cấp dịch vụ có quyền đề xuất giá, trong khi tiếng nói của các đối tác đánh giá sự hợp lý chưa đủ mạnh. Đang có những quan điểm chưa đúng, hay có thể nói là sai lầm trong xây dựng viện phí.

Viện phí hiện nay là tính đúng tính đủ, nhưng mới thu phí ở 3/7 cấu phần, bốn cấu phần còn lại gồm lương, khấu hao tài sản cố định lớn, nhà cửa, đào tạo vẫn do Nhà nước chi trả. Như vậy chi phí y tế (do bảo hiểm và người dân chi trả) + ngân sách = viện phí.

* Viện phí mức nào là phù hợp vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi, khi so sánh với giá thị trường thì giá dịch vụ y tế trước đây 3.000 đồng/lượt khám, 10.000 đồng/ngày giường bệnh, nay tăng lên tối đa 20.000 đồng/lượt khám vẫn còn nhiều chênh lệch. Ông nghĩ sao về mức viện phí mới này?

"Đến thời điểm này cần thêm những cơ quan có sức nặng về pháp lý cao hơn, có chính kiến tích cực hơn để đạt được mục tiêu là giá dịch vụ y tế hợp lý với điều kiện dịch vụ được cung cấp và có lộ trình để cải thiện chất lượng dịch vụ"

- Nhiều ý kiến nói tiền công khám bệnh 3.000 đồng/lượt, nay lên tối đa 20.000 đồng là thấp, nhưng thật ra đó không phải là tiền trả công khám. Nếu trả công khám 3.000 đồng/lần, kể cả nay là 20.000 đồng thì chưa xứng công bác sĩ bỏ ra. Nhưng nếu tính đó là chi phí để hỗ trợ điện nước, duy tu bảo dưỡng, vệ sinh môi trường cho phòng khám, là một phần phục vụ chi phí khám chữa bệnh lại cao. Còn tiền công là lương do Nhà nước chi trả, nay một phần phục vụ chi phí khám chữa bệnh ấy đã tăng lên như tiền khám bệnh tăng lên bảy lần, người ta đòi hỏi chất lượng khám chữa bệnh dứt khoát phải tăng.

Muốn chất lượng khám chữa bệnh tăng, Bộ Y tế đã xây dựng định mức 35 người/bàn khám/ngày, định mức này hiện nhiều bệnh viện tuyến huyện cũng chưa đạt được chứ chưa nói bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh vốn đã quá tải. Nhưng như thế là vội vàng, là hơi bị ngược. Lẽ ra phải chuẩn bị nhân lực, vật lực, tài lực để sản phẩm cung cấp đảm bảo so với giá thành, nhưng nay lại có giá trước mà chưa đạt được các yêu cầu về chất lượng.

VYfd4SFG.jpgPhóng toẢnh: LAN ANH* Là cơ quan giữ quỹ bảo hiểm y tế, năm 2012 dự kiến thu trên 30.000 tỉ đồng. Việc các ông “dìm” giá dịch vụ y tế có phải để giữ quỹ và vô hình trung cũng là kéo giá thành dịch vụ xuống, gây khó khăn cho bệnh viện?

Ông Nguyễn Nam Liên (phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế):

Sẽ tổng hợp lại để điều chỉnh

Trong công văn 2210, Bộ Y tế đã hướng dẫn bệnh viện sử dụng 15% phí khám bệnh và tiền giường để đầu tư trở lại cho phòng khám và buồng bệnh. Thực tế bệnh viện thu 3-6 tháng sẽ tổng kết, đầu tư hoặc sẽ phải vay tiền trước để đầu tư.

Bộ Y tế sẽ tổ chức kiểm tra giám sát những bệnh viện trực thuộc, bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện do sở y tế giám sát. Về cơ cấu viện phí, những chỗ còn bất hợp lý sẽ được tổng hợp lại và gửi các cơ quan liên quan lấy ý kiến ban hành cho phù hợp.

- Chúng tôi mong giá đưa ra phù hợp với thực tế ở địa phương, với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và kỹ thuật thực hiện được. Nếu thực tiễn chưa đủ nhân lực, chưa đủ phòng khám thì chưa vội áp giá mới. Như ở tỉnh Trà Vinh, cơ quan bảo hiểm đã đồng thuận phương án áp 80% khung, nhưng UBND tỉnh, Sở Y tế chỉ áp 53% khung vì tỉnh cho đó là phù hợp với điều kiện địa phương. Trong khi tỉnh Bắc Ninh điều kiện làm sao bằng Hà Nội lại áp 84% khung, gần tương đương dự định của Hà Nội? Về quan điểm, cơ quan Bảo hiểm xã hội không đặt mục tiêu giữ quỹ là hàng đầu, vì nếu bội chi quỹ bảo hiểm y tế là trách nhiệm chung của cả hai ngành y tế và bảo hiểm, trong đó ngành y tế chịu trách nhiệm chính. Mục tiêu của chúng tôi là tính đúng, đủ, hợp lý và quan trọng là phù hợp điều kiện địa phương, chúng tôi không đòi viện phí thấp để giữ quỹ.

* Vậy với những tiêu chí mà ông đang đặt ra như mong muốn giá thành phù hợp với chất lượng dịch vụ, thì viện phí mới áp dụng mức nào trong khung của liên bộ là phù hợp, thưa ông?

- Theo tôi, những địa phương điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng cung cấp dịch vụ còn thấp nên áp dụng 70% khung, 30% còn lại xây dựng lộ trình. Các tỉnh đồng bằng trước mắt năm 2012-2013 áp dụng tối đa 80%, các tỉnh thành có điều kiện cao hơn có thể áp dụng mức cao hơn, theo hướng thực hiện được đến đâu thì thu phí đến đó.

Quỹ bảo hiểm y tế còn kết dư nhưng muốn dùng thì phải đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, không thể còn dư quỹ nên nâng giá, dẫn đến giá cao mà chất lượng không tương xứng, trong khi đó chi phí không tương xứng với chất lượng thì kết quả sẽ có lãi, mà dịch vụ y tế là dịch vụ phi lợi nhuận, nên sẽ có lợi ích nhóm. Có những lo ngại các tỉnh miền núi khả năng cung cấp dịch vụ chưa cao, nên áp dụng mức giá cao để có tiền tái đầu tư vì lo ngại nguồn quỹ kết dư sẽ bị chuyển về các tỉnh bội chi. Chuyện đó xưa rồi, nay không có chuyện điều tiết quỹ từ nơi thừa sang nơi thiếu, mà các tỉnh thừa quỹ sẽ để dự phòng, các tỉnh thiếu quỹ thì quỹ dự phòng trung ương sẽ xem xét để cân đối.

* Những can thiệp tích cực thời gian qua đã đem lại kết quả đáng khích lệ là số tỉnh nghèo muốn áp dụng mức viện phí cao đã giảm từ 16 còn 6 tỉnh. Nhưng với điều kiện viện phí thấp thì lại có lo ngại là bệnh viện lấy đâu ra để tái đầu tư, và điều kiện khám chữa bệnh tiếp tục sẽ yếu kém?

- Thực hiện viện phí mới thì 15% tiền khám và tiền giường sẽ được quay lại đầu tư cho cơ sở vật chất, nhưng lần này có đến bảy nhóm dịch vụ được điều chỉnh phí. Ngoại trừ hai nhóm tiền khám và tiền giường có trích phí để tái đầu tư, năm nhóm còn lại cũng được tính phí mới nhưng không phải đầu tư trở lại. Mức giá này cộng với ngân sách cấp là tính đúng, tính đủ giá thành, như vậy dịch vụ cung cấp phải phù hợp về chất lượng.

Tôi cho là Bảo hiểm xã hội VN đã làm hết trách nhiệm, hết sức cố gắng để có giá dịch vụ y tế hợp lý, một số địa phương đã có điều chỉnh phù hợp.

Kiến nghị điều chỉnh viện phí xuống dưới 80% khung

Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Nguyễn Minh Thảo vừa có văn bản gửi bảo hiểm xã hội các tỉnh thành và trung tâm thanh toán đa tuyến, yêu cầu đề xuất các biện pháp triển khai thực hiện để kiến nghị điều chỉnh mức giá dịch vụ y tế xuống dưới 80% khung viện phí đối với các địa phương đã được thông qua hoặc đang đề nghị giá khám bệnh, giường bệnh, giá dịch vụ y tế trung bình trên 80% khung của liên bộ Y tế - Tài chính. Đồng thời báo cáo về Bảo hiểm xã hội VN kết quả dự kiến điều chỉnh mức giá, tiến độ triển khai giá dịch vụ y tế mới tại các địa phương áp dụng giá dịch vụ dưới 80% khung.

Theo công văn này, hiện có 17 tỉnh thành áp dụng trên 82% khung viện phí của liên bộ Y tế - tài chính, trong đó cao nhất là tỉnh Đồng Tháp và Cao Bằng đều ở mức 93%. Với giá khám bệnh và giường bệnh là hai dịch vụ có tần suất sử dụng cao, hiện có 12 tỉnh thành áp dụng mức trên 86%, trong đó Hải Dương áp dụng 100% với giá khám và 99% với giá giường, con số này lần lượt ở Ninh Thuận là 100% và 98%, Long An 95% và 95%, Khánh Hòa 99% và 96%, Đồng Tháp 93% và 94%...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Ông Phạm Lương Sơn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên