Phóng to |
Năm đầu tiên sau ngày cưới thường là thời gian các đôi cảm giác hạnh phúc nhất - Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, để duy trì cuộc sống hôn nhân lâu dài vốn không chỉ rải đầy hoa hồng mà còn tồn tại những khó khăn cần phải vượt qua, hai vợ chồng cần phải học cách đối mặt với cuộc sống thực tại.
Sau đây là một số sai lầm mà ngay cả các đôi khôn ngoan nhất cũng có thể mắc phải sau thời gian trăng mật:
1. Không giải quyết "nợ nần" rốt ráo
Đề cập đến điều này quả chẳng lãng mạn chút nào, tuy nhiên các đôi mới cưới có rất nhiều vấn đề về tài chính cần phải giải quyết trong năm đầu tiên, đặc biệt khi đề ra kế hoạch tậu cho mình một căn nhà trong vòng vài năm tới.
Tiền bạc chiếm vị trí đầu tiên trong các nguyên nhân khiến hai vợ chồng cãi nhau (và cũng thường là lý do dẫn đến ly hôn), do đó việc bắt tay vào giải quyết những món nợ tồn đọng sẽ giúp hai vợ chồng tránh bất hòa về sau.
Giải pháp:
- Thanh toán tiền bạc còn thiếu sau lễ cưới càng sớm càng tốt. Nếu không lãi mẹ sẽ sinh lãi con.
- Nói thẳng ra với vợ hay chồng về các khoản nợ của riêng mình. Nếu không, bạn có nguy cơ sẽ dính với món nợ đó suốt.
- Đề ra kế hoạch chi tiêu cho gia đình.
2. Xa rời bạn bè
Bạn bè là yếu tố không thể thiếu đối với một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Vì thế bạn nên xem trọng và duy trì tình cảm bạn bè cả trước và sau hôn nhân. Đừng chỉ mải miết quấn quít người bạn đời mà quên mất mọi người xung quanh.
Bạn có thể không để ý nhưng các hành động như phớt lờ bạn bè, lúc nào cũng kể lể chuyện gia đình, hoặc đi đâu cũng mang chồng hay vợ theo sẽ khiến bạn rời xa bạn bè lúc nào không hay.
Giải pháp:
- Thể hiện với bạn bè rằng họ cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của bạn. Mời bạn bè đến nhà chơi, thỉnh thoảng đi chơi đâu đó với các bạn (đừng mang chồng/vợ đi theo) và thu xếp thời gian tham gia các hoạt động xã hội cùng họ.
3. Xao lãng chuyện vợ chồng
Quan hệ vợ chồng có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống hôn nhân. Tuy nhiên, theo khảo sát, hơn 60% các đôi mới cưới đã có cảm giác chuyện vợ chồng của họ đang rơi vào lối sáo mòn. Nguyên nhân phổ biến do cả hai quá bận rộn, không cảm giác hài lòng về bản thân hoặc đang dần có ý nghĩ tự mãn.
Giải pháp:
- Hãy khởi sự ngay cả khi bạn chưa hứng thú lắm với “chuyện ấy”. Khi đã trở thành thói quen, nhu cầu của bạn sẽ dần tăng lên và bạn cũng dần cảm thấy mặn mà với “chuyện ấy” hơn.
- Tạo tâm lý thoải mái ở hai vợ chồng. Có thể gởi cho nhau những tin nhắn âu yếm lúc ban ngày, chuẩn bị những trang phục gợi cảm hay thiết kế phòng ốc sao cho lãng mạn.
4. Bỏ quên bản thân
Sau khi kết hôn, nhiều người không còn quan tâm đến hình thể và cân nặng của mình nữa. Thậm chí nhiều đôi còn tăng cân ngay trong thời gian trăng mật và chẳng thèm cố gắng lấy lại vóc dáng thon thả ngày xưa. Phải chăng vì họ "có được" người đồng ý lấy mình nên không cần nỗ lực gì thêm?
Thông thường có ba lý do chính: bạn không còn động lực phấn đấu, bạn quá hứng thú với vai trò nội trợ, nấu nướng những món ăn quá giàu dinh dưỡng, hoặc bận rộn đến nỗi không còn thời gian quan tâm mình đang ăn gì cũng như thiếu vận động thể dục.
Giải pháp:
- Lên kế hoạch tập luyện cho cả hai vợ chồng để tiêu hao năng lượng thừa.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ và khuyến khích nhau tập luyện. Lưu ý chỉ nên góp ý, không nên phê phán hay chỉ trích hình thể của nhau.
5. Bất hòa với gia đình bên vợ hay bên chồng
Theo khảo sát, 50% các cặp gặp vấn đề với gia đình chồng hay vợ của mình. Mối quan hệ này càng trở nên tệ hại hơn khi mâu thuẫn mỗi lúc một dồn nén và nhiều điều phức tạp khác nảy sinh trong cuộc sống thường nhật.
Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ các bậc phụ huynh, có thể các ông bà vẫn cố gắng níu giữ con cái ở lại bên mình, không cho chúng sổ lồng để bắt đầu một cuộc sống riêng. Tuy nhiên, cũng có thể do đôi vợ chồng trẻ cảm thấy nặng nề khi đối mặt với lề thói gia phong của gia đình bên kia.
Giải pháp:
- Nói với nhau càng sớm càng tốt những điều bạn có thể và không thể thực hiện được để tránh gây thất vọng về sau.
- Đừng bao giờ nói xấu sau lưng về gia đình bên kia, ngay cả khi chồng hay vợ của bạn than phiền về gia đình anh ấy/cô ấy.
6. Tranh cãi thiếu công bằng
Đừng nghĩ mình muốn nói sao thì nói sau khi đã trở thành vợ chồng. Bất đồng ý kiến giữa hai vợ chồng là hoàn toàn bình thường, nhưng ôm trong lòng sự căm tức trong một thời gian dài là hoàn toàn không nên.
Giải pháp:
- Hiểu khi nào cần tranh cãi, khi nào nên nhượng bộ.
- Khi bạn thật sự sắp “nổ tung” hãy đi ra chỗ khác, dù chỉ để nguội xuống trong vài phút. Nếu bạn không còn tỉnh táo để phân biệt phải trái, có nguy cơ bạn làm một điều gì đó mà sau này sẽ hối hận.
7. Ám ảnh với chuyện “bể kế hoạch”
Cảm giác sợ có con ngoài kế hoạch có thể khiến các đôi không còn thoải mái với cuộc sống hiện tại. Do “bể kế hoạch”, nhiều cặp vợ chồng muốn có con khoảng 3 năm sau khi cưới lại phải chia tay cảnh “vợ chồng son” sớm hơn dự tính.
Giải pháp:
- Tập trung vào mối quan hệ vợ chồng. Hãy tận hưởng mỗi phút giây bên nhau. Hãy quý trọng những khoảnh khắc bạn chưa phải thức dậy lúc 4 giờ sáng để cho con bú mớm!
- Hãy lên kế hoạch rõ ràng và suy nghĩ xem thời điểm nào thích hợp để có con. Làm như thế sẽ tránh cho hai vợ chồng nỗi ám ánh có con ngoài kế hoạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận