Tùy tiện sử dụng thuốc
Thực trạng đáng lo ngại hiện nay là tình trạng một số bậc cha mẹ thay vì đưa con đi khám bệnh để bác sĩ chẩn đoán và chỉ định thuốc thì cha mẹ lại ra cơ sở bán thuốc mua thuốc về cho trẻ sử dụng - đây là việc làm rất có hại cho sức khỏe của trẻ. Từ những viêm nhiễm thông thường đường hô hấp trên có thể biến chứng viêm phổi, viêm tiểu phế quản do vi rút rất nặng khiến việc điều trị tốn kém, lâu dài, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
Cũng có trường hợp phụ huynh sử dụng lại đơn thuốc của bác sĩ đã kê cho con trong lần khám bệnh trước để mua thuốc dùng cho trẻ trong lần bệnh sau (khi trẻ có những triệu chứng giống hoặc gần giống lần bệnh trước). Cần lưu ý, một đơn thuốc bác sĩ ghi sau khi khám chẩn đoán bệnh chỉ dành riêng cho một cá nhân vào một thời điểm và trong điều kiện nhất định nào đó mà thôi.
Bệnh cũ có thể bị tái phát nhưng lần này tiến triển đến mức nặng hơn hoặc triệu chứng bệnh có vẻ giống như bệnh cũ nhưng có thể lần này lại là bệnh khác. Vì vậy, dùng toa thuốc cũ là không đúng.
Sử dụng thuốc không đúng cách
Nhiều bậc cha mẹ có tâm lý thấy con trẻ sợ uống thuốc nên đã tự ý điều chỉnh liều của bác sĩ, thay vì cho trẻ uống thuốc 3 - 4 lần/ngày thì lại chỉ cho trẻ uống 1 - 2 lần/ngày, hoặc dồn liều thuốc uống trong ngày thành một lần uống duy nhất; hoặc có trường hợp trẻ bị sốt có phụ huynh kết hợp cả thuốc uống hạ sốt và cao dán hạ sốt để trẻ nhanh chóng hạ sốt.
Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp cho trẻ uống thuốc không đúng cách, chẳng hạn như pha thuốc vào bình sữa cho trẻ bú, hoặc dùng dụng cụ đo lường thuốc không chính xác (như dùng muỗng ăn ở nhà đong đo thể tích thuốc sirô cho trẻ thay vì dùng dụng cụ được cung cấp kèm theo bình sirô).
Quan niệm sai lầm khi trẻ sốt
Ủ ấm khi trẻ bị sốt là sai lầm khá phổ biến của các bậc phụ huynh hiện nay. Khi trẻ sốt, thân nhiệt của trẻ đang tăng cao, vì vậy cần cho trẻ mặc quần áo thoáng mát thì mới có thể hạ sốt. Nếu ủ ấm cho trẻ sẽ khiến thân nhiệt càng tăng cao, gây nguy cơ sốt co giật.
Phụ huynh cũng không nên xác định trẻ sốt bằng cách đặt tay lên trán trẻ mà không cặp nhiệt độ, khi thấy trán trẻ nóng thì cho rằng trẻ bị sốt và cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt. Trẻ nhỏ được cho là bị sốt nếu: nhiệt độ bên trong hậu môn cao hơn 38 độ C, nhiệt độ ở miệng cao hơn 37,8 độ C và nhiệt độ ở nách cao hơn 37 độ C.
Để hạ sốt cho trẻ, trước hết cần cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, chườm mát (nước từ 25 độ C trở lên), lau nước mát, cho trẻ uống nhiều nước. Nếu trẻ cảm thấy lạnh hoặc run rẩy, có thể đắp cho trẻ một chiếc khăn mỏng. Đối với những trường hợp trẻ sốt trên 38 độ C có thể sử dụng một số loại thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ.
Lưu ý, nếu dùng Paracetamol để hạ sốt không nên dùng quá 2.000mg/ngày với người lớn và 1.000mg/ngày với trẻ em. Khi dùng cho trẻ em phải tính toán liều lượng (hoặc theo sự chỉ định cụ thể của bác sĩ hoặc là phải tính toán theo cân nặng trong hướng dẫn sử dụng thuốc để tính liều).
Dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ
Đây là phương pháp hạ sốt nguy hiểm, tuy aspirin là thuốc có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau nhưng thuốc lại có nhiều tác dụng phụ liên quan đến dạ dày, thận và hô hấp. Trẻ em (đặc biệt là trẻ nhỏ) có niêm mạc dạ dày chưa trưởng thành, sinh lý bình thường có sự phân tiết axit thấp. Trong khi đó, aspirin có tính axit sẽ trực tiếp làm tăng axit dạ dày gây cồn cào khó chịu, hủy hoại các tế bào biểu mô, khiến trẻ dễ viêm loét dạ dày.
Ở trẻ, chức năng lọc của cầu thận và thải trừ thuốc qua ống thận kém, aspirin thải trừ chủ yếu qua thận, nên khi dùng cho trẻ thì sự thải trừ aspirin sẽ chậm và dễ gây độc.
Ngoài ra, bộ máy hô hấp của trẻ rất nhạy cảm, aspirin có thể gây ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp của trẻ, chẳng hạn như làm cho trẻ giảm hoặc suy hô hấp, đặc biệt gây co thắt phế quản làm nặng thêm bệnh hen cho những trẻ bị mắc bệnh này.
Cần làm gì khi trẻ bệnh?
Nhiều bệnh ở trẻ em có diễn tiến rất nhanh và dễ dẫn đến tử vong, nhất là đối với trẻ dưới 5 tuổi. Chính vì vậy, có nhiều trường hợp trẻ bệnh nặng nhưng cha mẹ không phát hiện kịp thời để đưa trẻ đến bệnh viện. Khi trẻ bệnh cha mẹ nên lưu ý những vấn đề sau:
- Trẻ bị bệnh gì? Nhiều bệnh lý ở trẻ em có biểu hiện gần giống nhau ở vài ngày đầu. Nếu trẻ bệnh 1, 2 ngày mà không thấy thuyên giảm nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám phát hiện bệnh.
- Thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, nhất là cho trẻ tái khám đúng hẹn.
- Nên biết những dấu hiệu diễn tiến nặng của trẻ để kịp đưa trẻ đến bệnh viện.
- Biết cách chăm sóc, ăn uống khi trẻ sốt, ho, tiêu chảy…
- Nên có một người có chuyên môn để được tư vấn khi cần thiết…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận