Nhiều trạm xe buýt ở TP.HCM bị biến thành nơi vứt rác - Ảnh: MỸ DUYÊN
Các tuyến đường ở trung tâm TP sau 22h rác trên vỉa hè đã được mang đi, vỉa hè và lòng đường đều được các công nhân vệ sinh môi trường quét dọn sạch sẽ. Nhưng chỉ sau một đêm và nửa buổi sáng, nhiều tuyến đường đã đầy túi nilông, ly giấy, ống hút...
Mỗi lần đứng đợi xe buýt, tôi phải đứng xa trạm xe đầy rác mà còn phải đeo khẩu trang để tránh mùi hôi. Vào những ngày mưa mà phải đứng đợi xe buýt gần bãi rác là nỗi ám ảnh
MINH HUỲNH (sinh viên Trường ĐHKHTN, ĐH Quốc gia TP.HCM)
Ra đường gặp... rác
Dù quy định các hộ dân đưa rác từ nhà ra đường theo giờ nhưng nhiều nơi rác vẫn được mang ra vỉa hè bất kể giờ giấc, gây mất mỹ quan và mất vệ sinh.
Tại tuyến đường Nguyễn Gia Trí (P.25, Q.Bình Thạnh), các gốc cây, trụ điện, biển báo trở thành những điểm tập kết rác bất đắc dĩ từ các hộ dân trước khi rác được thu gom. Đoạn đường dài với các bao, túi nilông rác nằm la liệt khắp vỉa hè.
Từng túi nilông rác lớn được chất thành đống cao, bao quanh các gốc cây bên lề đường. Các túi rác này phần lớn là rác thải sinh hoạt từ các hộ kinh doanh cửa hàng ăn uống.
Cùng với đó, các miệng cống đều bị "bức tử" bởi rác. Nhiều đống rác từ các công trình xây dựng (gạch vỡ, ván, xà bần...) cũng choán chỗ trên vỉa hè.
Các tuyến đường như D5, Ung Văn Khiêm, Bạch Đằng, Điện Biên Phủ... (Q.Bình Thạnh) cũng tương tự.
Những túi rác lớn để trên vỉa hè, tràn xuống lòng đường, choán lối đi của người đi bộ. Gió và xe cộ qua lại tác động, thổi bay các hộp, ly nhựa, túi nilông vương vãi trên vỉa hè và lòng đường trông rất nhếch nhác.
Ông Phan Ngọc Minh, một người dân sinh sống trên đường Nguyễn Gia Trí (Q.Bình Thạnh), chia sẻ: "Tôi nghĩ mỗi người dân phải có ý thức bỏ rác đúng nơi, đưa rác từ trong nhà ra đường đúng giờ và xe gom rác cũng phải lấy rác đúng giờ thì tình hình trên mới được cải thiện".
Ông Minh cho biết lúc trước tổ dân phố có vận động, tuyên truyền người dân bỏ rác đúng nơi và phân loại rác nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Nhiều người tiện tay bỏ rác ngoài vỉa hè lâu dần thành thói quen và xem đấy là chuyện bình thường.
"Thật ra nhiều người chẳng quan tâm đến chuyện bỏ rác này đâu. Nhận thức của người dân vẫn chưa tốt nên họ không hiểu được tác hại của việc vứt rác tùy tiện hay ô nhiễm môi trường gây hại thế nào..." - ông Minh nhìn nhận.
Có biển cấm, thùng rác vẫn... không ăn thua!
Tại TP, rất nhiều chỗ có thùng rác nhưng rác vẫn vương vãi khắp nơi. Cụ thể, tại các trạm xe buýt thường có đặt thùng rác nhưng xung quanh các thùng rác, người ta vô tư vứt rác tạo thành các đống rác lớn! Xảy ra tình trạng này một phần cũng vì các thùng luôn đầy do không được lấy rác kịp thời.
Anh Nguyễn Văn Hoàng (làm việc ở Q.3) lý giải việc vứt rác xung quanh thùng rác: "Nhiều khi tôi muốn bỏ rác vào thùng nhưng thấy mấy thùng đều đầy ngập rác nên không biết làm thế nào. Đôi khi tôi hay vứt ở cạnh mấy thùng rác vì nghĩ mình đã để rác đúng nơi quy định và sẽ có người dọn nên không sao".
Nhiều trạm xe buýt bị bao vây bởi những bãi rác xung quanh. Sinh viên, người dân đợi xe buýt phải đeo khẩu trang để tránh mùi hôi bốc lên từ những bãi rác nhếch nhác này.
Gần cầu Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh) có một bãi tập kết rác tự phát. Trong buổi chiều, hai người đàn ông cùng nhau đẩy một xe ba gác đầy rác thải sinh hoạt đến đổ xuống lòng đường tại đây.
Đổ rác xong, họ còn mang những túi rác nằm trên vỉa hè dồn xuống lòng đường thành một đống lớn, gây cản trở giao thông.
Một người phụ nữ chạy xe ngược chiều đến vô tư vứt bịch rác lớn ngay tại đây dù ngay phía trên có biển báo cấm đổ rác. Nhiều xe rác tự chế của người dân cũng chạy xuôi ngược và vứt rác tại bãi tập kết này.
Những bãi rác tự phát này là nỗi ám ảnh của nhiều người dân. Cứ nơi nào có bãi đất trống hay rào chắn công trình là y như rằng nơi đó bị biến thành chỗ đổ rác!
Nhiều người dân cho biết vì quá ô nhiễm nên họ đã dọn bãi rác và cơ quan chức năng đã đặt biển cấm đổ rác, ghi rõ mức tiền phạt đối với hành vi xả rác nhưng rác vẫn... quay trở lại!
Không chỉ trên đường phố, tại các địa điểm đông người như bệnh viện, trường học... người ta cũng xả rác vô tội vạ.
Ông Khang, nhân viên dọn vệ sinh tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, luôn phải tất bật quét dọn các ly nhựa, vỏ hộp sữa, khăn giấy... tại các khu vực phụ huynh ngồi chờ con em khám bệnh.
Thế nhưng chỉ chừng 10 phút sau, rác lại xuất hiện. Một phụ huynh xả rác xuống nền sân dù cách đó không xa có thùng rác. Cha mẹ xả rác, con nhỏ thấy nên xả theo. Nhiều người thấy người khác vứt rác cũng để mặc...
Kêu gọi đầu tư lĩnh vực đốt rác phát điện
Hiện nay lượng rác sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP.HCM gần 8.900 tấn (chưa kể khoảng 2.000 tấn rác thải công nghiệp).
Trong đó, hơn 5.500 tấn được chôn lấp tại khu xử lý rác Đa Phước (H.Bình Chánh); hơn 2.200 tấn được xử lý thành phân, tái chế, đốt ở khu xử lý rác Phước Hiệp (H.Củ Chi).
Để giảm lượng rác chôn lấp còn 50% (hiện chôn lấp đến 76%) vào năm 2020, TP.HCM đã kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực đốt rác phát điện.
Ngoài việc thực hiện đấu thầu các dự án mới, TP đã chấp thuận chủ trương cho các đơn vị như Công ty cổ phần Tâm Sinh Nghĩa, Công ty cổ phần Vietstar chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện với quy mô 4.000 tấn/ngày.
Bên cạnh đó, khu xử lý rác Đa Phước được yêu cầu chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận