05/11/2018 10:41 GMT+7

Sài Gòn Phố không chỉ là kiến trúc

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Công chúng sẽ có dịp chiêm ngưỡng các tài liệu, tìm gặp các thông tin trước nay ít người biết về kiến trúc Pháp thông qua triển lãm 'Dấu ấn kiến trúc Pháp ở Sài Gòn - TP.HCM'.

Sài Gòn Phố không chỉ là kiến trúc - Ảnh 1.

Các bạn trẻ đến xem triển lãm - Ảnh: L.ĐIỀN

Triển lãm diễn ra từ ngày 4 đến 20-11 ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, giới thiệu gần 300 hình ảnh tài liệu được lưu trữ tại Việt Nam và Pháp.

Diện mạo cảnh quan đô thị thành phố Sài Gòn - TP.HCM ngày nay vẫn còn đặt trên nền tảng của kế hoạch phát triển đô thị từ thời Pháp thuộc. Những di sản còn lại không chỉ các công trình kiến trúc, mà cả những nét tính cách tạo thành ở người Sài Gòn qua quá trình du nhập văn hóa Pháp.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp (từ Úc)

Thông qua các ảnh chụp tài liệu, bản đồ, các quyết định, nghị định...; người xem có thể hình dung rõ nét về sự hình thành vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM từ lúc chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, lập phủ Gia Định năm 1698 đến lúc Sài Gòn trở thành thuộc địa của Pháp giai đoạn 1858 - 1945.

Nội dung chính về "Ấn tượng " tập trung giới thiệu hình ảnh, tư liệu của các công trình tiêu biểu do chính quyền thuộc địa Pháp xây dựng tại Sài Gòn hồi cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Các công trình này đến nay đã trở thành di sản kiến trúc của TP.HCM như: Tòa thị chính thời Pháp thuộc (nay là trụ sở UBND TP.HCM), Bưu điện TP, Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng TP, Bệnh viện Sài Gòn, Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất), Trường Petrus Ký (nay là Trường Lê Hồng Phong), Trường Gia Long (nay là Trường Nguyễn Thị Minh Khai).

Cùng nhìn lại Sài Gòn xưa và nay nhân triển lãm này, ông Phúc Tiến (tác giả Sài Gòn không phải ngày hôm qua, đồng tác giả tập sách Sài Gòn Then & Now - Hai đầu thế kỷ) nhận định: "Người Pháp không chỉ để lại nhiều kiến trúc nguy nga, mà rộng lớn hơn còn để lại quy hoạch đô thị rất giá trị cho Sài Gòn.

Thật vậy, từ năm 1860-1900, trên phần đất của 40 làng xóm cũ, người Pháp đã cho ra đời một Sài Gòn Phố. Sang đến nửa đầu thế kỷ 20, Sài Gòn tiếp tục nảy nở, các nhà quy hoạch Pháp chỉ mở rộng TP ra các vùng nông thôn tiếp giáp mà không phá vỡ cái khung Sài Gòn Phố.

Từ cái khung ấy, các hoạt động dân cư, thương mại, văn hóa, giáo dục và giao lưu quốc tế đã đan kết và thăng hoa tạo nên người Sài Gòn, tính cách Sài Gòn. 30 năm chiến tranh khốc liệt và rồi bao nhiêu biến động đã làm Sài Gòn phát triển xộc xệch.

Một số kiến trúc Pháp, cần gọi đúng là kiến trúc Pháp - Việt, cùng với nó là các đường phố và cảnh quan xung quanh, từ cuối thế kỷ 19 may mắn còn lại chính là những cột mốc, dấu ấn gợi nhớ một đô thị xinh đẹp, xứng đáng được coi là "Hòn ngọc Viễn Đông".

Xem triển lãm lần này là cơ hội để người Sài Gòn hiểu hơn về thành phố mình, ông Phúc Tiến không quên gửi gắm: "Các thế hệ ngày nay cần hiểu biết kỹ lịch sử hình thành đô thị, nhất là các chính khách, các nhà quy hoạch, kiến trúc và kể cả doanh nhân địa ốc, để thôi không làm hỏng các di sản giá trị mà còn kế thừa và hình thành nối tiếp những giá trị mới hay đẹp!".

Chia sẻ với Tuổi Trẻ bên lề triển lãm, ThS Nguyễn Chiến Thắng cho rằng người Pháp quy hoạch Sài Gòn tạm chia làm hai thời kỳ: thời kỳ quy hoạch sơ khai (1862-1919) gắn với kiến trúc tiền Đông Dương và thời kỳ quy hoạch tổng thể (1920-1945) gắn với kiến trúc Đông Dương.,

Trong đó “phong cách kiến trúc Đông Dương” tìm tòi đặc điểm kiến trúc Việt (chú ý đến khí hậu và vật liệu địa phương) để vận dụng trong thiết kế kiến trúc mới. Các công trình tiêu biểu cho phong cách này là Trường Petrus Ký và Bảo tàng Blanchard de la Brosse (nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM).

Ấn tượng về kiến trúc Pháp trên phố đi bộ Nguyễn Huệ

TTO - Triển lãm Dấu ấn kiến trúc Pháp ở Sài Gòn - TP.HCM vừa khai mạc sáng nay 4-11 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ giới thiệu gần 300 hình ảnh tài liệu về kiến trúc Pháp được lưu trữ tại Việt Nam và Pháp.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên