Ngã sáu Nguyễn Thái Sơn nay từng là ngã ba Chú Ía xưa - Ảnh: TỰ TRUNG
Từ nơi này, tôi nhìn thấy máy bay lên xuống phi trường Tân Sơn Nhất và có thể thong thả ngược xuôi đại lộ mới mở Phạm Văn Đồng rộng thênh thang. Một cửa ngõ huyết mạch của Sài Gòn ...
Từ ngã ba Chú Ía đến ngã sáu cửa ngõ
Ngày nay, ai cũng có thể nhẹ nhàng xuôi xe từ trung tâm thành phố qua cầu vượt Nguyễn Thái Sơn để sang làng hoa Gò Vấp hay quẹo phải rong chơi miệt Lái Thiêu, Bình Dương.
Tuy nhiên mới cách đây ít năm, giao lộ của các tuyến đường đông đúc Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn, Bạch Đằng, Phạm Văn Đồng... này từng là nỗi ám ảnh kẹt xe khủng khiếp.
Đó là cảnh ngày ngày đều kẹt dài dọc từ đường Nguyễn Kiệm đến kẹt cứng ở ngã ba Chú Ía, mà thời điểm ấy đã được mở rộng thành ngã sáu. Nỗi khổ này chỉ hết khi các nhánh cầu vượt được xây dựng bắc qua vòng xoay trong hai năm 2017 và 2019.
Nhưng đó là câu chuyện ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21. Ngã ba Chú Ía đã đổi thay, phát triển.
Ngược thời gian trở lại lịch sử, cửa ngõ này cũng từng là biểu tượng của Sài Gòn cả trong thời cuộc chiến tranh khốc liệt lẫn hậu chiến khó khăn về sau.
Địa danh ngã ba Chú Ía được các bậc cao niên và sách vở viết về Sài Gòn xưa cho rằng xuất phát từ tên một người Hoa bán quán ăn nức tiếng ở đây. Tên thật của ông là chú Hía, bị đọc chệch Chú Ía nên dần dần ngã ba này được dân dã tự "định danh" Chú Ía.
Thời Sài Gòn còn chìm ngập chiến tranh, cửa ngõ này từng tập trung nhiều phương tiện quân sự ra vào thành phố và cả các cơ sở phục vụ chiến tranh dày đặc ở khu vực.
Trong đó, Tổng y viện quân đội vẫn còn đến ngày nay là Bệnh viện Quân y 175 trên đường Nguyễn Kiệm. Cách không xa, trại huấn luyện quân khuyển từng tồn tại suốt hàng chục năm trước năm 1975 không còn nữa nhưng vẫn còn trong trí nhớ người cao tuổi.
Sân golf đầu tiên của Sài Gòn cũng đã được chuyển thành công viên Gia Định từ hàng chục năm qua.
Một số người đã vô tình hay cố ý nhầm lẫn sân golf xưa cũ này nằm trong phi trường Tân Sơn Nhất. Nó tách biệt hoàn toàn và còn được ngăn cách bởi cư xá kiến ốc không quân dọc đường Trường Sơn hiện nay.
Ở hai đầu khác của ngã ba Chú Ía là Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn cũ nay là doanh trại Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, "trái tim" khu vực này - phi trường Tân Sơn Nhất - vẫn còn đó, vẫn ngày càng tấp nập chuyến bay hơn dù diện tích đã thu hẹp lại.
Và thực tế không chỉ trải nghiệm của tôi bốn thập niên hậu chiến, mà ngay cả những bậc cao niên ở đây đều cho rằng ngã ba Chú Ía đã đổi thay rất nhiều như là biểu tượng phát triển của thành phố thời hòa bình.
Trước năm 1975, cửa ngõ này được tạo thành bởi các trục đường chính Võ Di Nguy - Phan Thanh Giản nối dài.
Trong đó con đường mang tên thủy tướng tài ba Võ Di Nguy chính là Nguyễn Kiệm ngày nay. Thời Pháp, ban đầu nó từng là đường Thuộc địa số 1 phụ, đến năm 1902 đổi thành Blanchy nối dài, rồi tiếp tục thay tên Louis Berland năm 1930.
Đến năm 1955 thì chính quyền ông Ngô Đình Diệm đã "lột bỏ" tên Pháp để thay bằng tên Việt là danh tướng Võ Di Nguy.
Còn đường Phan Thanh Giản nối dài trước năm 1975 giờ là đường Nguyễn Thái Sơn. Thời Pháp, con đường này có mấy danh phận, đoạn đầu là hương lộ 18, đoạn cuối giáp rạch Bến Cát - Sa Tân Miếu vẫn theo tên cũ dân quen gọi đường Bến Đò. Mãi đến năm 1985, hai đoạn này mới được nhập làm một tên đường Nguyễn Thái Sơn.
Hơn nửa thế kỷ trước, ngã ba Chú Ía dù đã nhiều xe cộ đi lại nhưng còn chật hẹp hơn giờ rất nhiều. Sau năm 1975, trải qua nhiều cuộc chỉnh trang, mở đường, mới trở thành giao lộ ngã năm rồi dần là ngã sáu khi đại lộ Phạm Văn Đồng được thông xe vào đầu thu năm 2013.
Trước đó, đường Bạch Đằng nối với trục Phạm Văn Đồng từng là lối nhỏ trong khu quân sự phi trường Tân Sơn Nhứt (sau 1975 đổi tên thành Tân Sơn Nhất) và chưa được đặt tên.
Mãi tới năm 1985, nó mới được mở cho xe cộ dân sự qua lại và có tên "đầu đời" là Bạch Đằng đến ngày nay.
Công viên xanh mát bên vòng xoay ngã sáu Nguyễn Thái Sơn - Ảnh: QUỐC VIỆT
Người muôn năm cũ và người mới
Từ những năm đầu thập niên 1990, tôi đã hay đạp xe qua giao lộ này để sang chơi nhà người quen bên Gò Vấp.
Nơi tập trung nhiều xóm đạo của bà con miền Bắc di cư vào Nam năm 1954. Có thường xuyên qua lại chốn này mới thấy theo dòng thời gian, các đợt đồng bào miền Bắc vào Nam đã mang theo rất nhiều bản sắc đặc thù.
Dòng người "Bắc cũ" vào từ năm 1954 tập trung nhiều ở Gò Vấp. Sau năm 1975, tiếp tục xuất hiện các lớp người "Bắc mới" vào ở đông ven phi trường Tân Sơn Nhất, nhất là phía quận Tân Bình.
Ngày ấy, hầu hết khu vực còn xập xệ, thưa thớt dân cư với những con đường đất lầy lội, nhưng giờ đã là "khu sân bay" sang trọng, đắt giá hàng đầu thành phố.
Nhắc nhớ chuyện cũ, tôi mang nhiều kỷ niệm khó quên ở cửa ngõ này. Những năm nửa đầu thập niên 1990, tôi có nhóm bạn sinh viên ở trọ trong con hẻm nhỏ đường Lê Lai sát bên giao lộ Chú Ía và nhóm ở khu đầm ao rau muống cuối đường Nguyễn Thái Sơn.
Bao năm qua rồi, phong vị miền Bắc vẫn đậm đặc ở đây, từ tiếng chuông nhà thờ xóm đạo đến giọng nói luyến nhanh. Và đó là giai đoạn khó quên của đời tôi, khi thành phố vừa lật qua trang hậu chiến khó khăn để bước dần vào giai đoạn phát triển.
Cậu sinh viên báo chí năm 2 là tôi đã tập tành cộng tác báo bổ. Thi thoảng có đồng nhuận bút, tôi hay ghé chợ Gò Vấp để mua chút "đồ tươi" đãi đằng bạn bè ở trọ.
Chợ Gò Vấp, ngôi chợ cổ xưa được tạo lập từ cuối thế kỷ 19 trên đất Gia Định trải bao thời cuộc trăm năm vẫn sừng sững với thời gian. Xích lên gần vòng xoay Chú Ía, chợ Tân Sơn Nhất "trẻ hơn" cũng ê hề thức ngon vật lạ mang cả phong vị miền Bắc lẫn miền Nam.
Thời gian hay qua lại Gò Vấp, tôi tình cờ được tao ngộ nhà văn Sơn Nam, người mà tôi gọi bằng thầy vì từng thỉnh giảng lớp báo chí của mình.
Ngày đó chàng sinh viên báo chí đã trường, đi làm có đồng ra đồng vô. Tôi mời nhà văn đáng kính mấy chai bia Sài Gòn và được nghe ông khề khà chuyện cũ người xưa.
Cái thời trước năm 1975, quanh ngã ba Chú Ía còn có những tên xóm ngồ ngộ như Xóm Thơm, Xóm Chiếu, Xóm Sở Thùng... của cả đồng bào miền Bắc di cư tổ chức được sống nề nếp, đến những dòng người tao loạn, sống "lộn xộn" vì chạy nạn đạn bom chiến tranh.
Nhà văn Sơn Nam hấp háy đôi mắt kèm nhèm, chọc thằng nhỏ mới vào nghề viết: "Hồi xưa mà bước vô xóm Sở Thùng thì khó quay lui lắm nghen". Ông cười kể ở đó có cả đại ca giang hồ lẫn các "chị em" công khai buôn bán "vốn tự có" của mình suốt ngày đêm.
Sau này nghề báo còn đưa đẩy tôi làm quen được một nhân vật cao niên đáng kính cũng ở con hẻm trên đường Nguyễn Kiệm sát bên vòng xoay Chú Iá. Đó là cựu đại sứ ở Liên Hiệp Quốc Võ Anh Tuấn.
Những câu chuyện đời, chuyển nghề của ông đã hấp dẫn bước chân tôi lui tới nơi này, từ chuyện ông nghe tin sáng lịch sử 30-4-1975 tại đại sứ quán Việt Nam ở Cuba, đến hành trình ký công ước Luật biển 1982 ở Liên Hiệp Quốc.
Rồi gần đây, tôi lại tình cờ được quen với cựu đại tá Phan Tương từng tiếp quản phi trường Tân Sơn Nhất sau chiến cuộc.
Muốn hỏi chuyện phi trường thế nào, muốn biết chuyện các xóm dân cư kế bên như khu Chú Ía đổi thay, phát triển ra sao cứ hỏi ông. Một cụ già cao tuổi vẫn nhớ vanh vách từng trạm gác, trại lính, lối đi, hẻm hóc ngày nào.
Nhắc nhớ chuyện cũ người xưa bên ngã ba Chú Ía, ôi kể sao cho hết...
Dưới gầm cầu vượt Nguyễn Kiệm, tức ngã ba Chú Ía ngày nào, giờ vẫn còn chợ lạc xoong vỉa hè bán đủ thứ đồ xưa cũ.
Có ai ngờ ngay dưới bóng cây cầu hiện đại và những tòa nhà sang trọng, vẫn có cái chợ của nhà nghèo tự phát hình thành từ thời hậu chiến khó khăn hàng chục năm trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận