Ngã sáu Cộng Hòa nhìn từ trên cao, dãy nhà ngói đỏ ở góc phải trên là Trường Lê Hồng Phong - Ảnh: TỰ TRUNG
Đó là ngã sáu Cộng Hòa, ngã sáu Nguyễn Tri Phương và ngã bảy Lý Thái Tổ. Khu vực này là vùng mở rộng đầu tiên của Sài Gòn về phía Chợ Lớn.
Thấm thoát gần một trăm năm, nó trở thành mái nhà chung của các xóm lao động, nhà máy, chợ búa, bệnh viện và trường học... Trong đó, khu ngã sáu Cộng Hòa là chiếc nôi tuổi thơ của tôi và nhiều bạn bè đồng trang lứa vào cái thời ngày càng xa vắng.
"Xóm Nancy" và "công viên Đại Hàn"
Ngã sáu nơi đây tụ hội sáu con đường thuộc bốn quận khác nhau: Nguyễn Thị Minh Khai và Phạm Viết Chánh (quận 1), Lý Thái Tổ (quận 3 và quận 10), Hùng Vương, Trần Phú và Nguyễn Văn Cừ (quận 5). Trước tháng 4-1975, đường Nguyễn Văn Cừ từng mang tên đường Cộng Hòa.
Hai chữ ấy dễ đọc và dễ nhớ nên người dân đặt luôn tên cho ngã sáu Cộng Hòa. Nhưng vào thời Pháp, con đường từng có cái tên rất dịu dàng là Nancy - một cái tên con gái của châu Âu và cũng là tên một thành phố cổ của nước Pháp.
Thuở nhỏ, tôi thường nghe nói chợ Nancy và xóm Nancy ở cuối đường Cộng Hòa. Cái chợ lộ thiên nằm giữa đường vẫn còn tồn tại đến năm 2005, trước khi cầu Nguyễn Văn Cừ được khởi công.
Những năm 1920, tại vị trí này có Trạm Nancy trên tuyến đường xe điện nối chợ Bến Thành với khu vực Chợ Lớn. Ấy là tôi biết vậy, từ sách của cụ Vương Hồng Sển và Sơn Nam khi tìm hiểu về Sài Gòn thuở khởi đầu tân tiến.
Từ xóm Nancy ra đến ngã sáu Cộng Hòa, tôi đạp xe chỉ mất vài phút. Giữa bùng binh không có tượng đài, chỉ có một đảo tròn trồng hoa bình thường. Chung quanh bùng binh cũng không có nhà cửa lớn lao.
Tuy nhiên, mỗi con đường từ đây tỏa đi đều có hai hàng cây cao to và vạm vỡ. Đặc biệt, khoảng xanh lớn nhất ở bùng binh là một công viên lớn chạy giữa đường Hùng Vương và Trần Phú. Khi xưa, người trong xóm tôi gọi đây là "vườn bông Khải Định" - ôi cái từ "vườn bông" mộc mạc lâu ngày đã phôi pha...
Cuối thập niên 1960, vườn bông Khải Định được xây mới hoàn toàn, rất khang trang, mang tên là công viên Âu Lạc. Công viên do quân đội Đại Hàn - nay gọi là Hàn Quốc, tham chiến ở miền Nam trực tiếp xây dựng.
Ngày ấy, mở đầu công viên là một hồ phun nước lộng lẫy, giáp với bùng binh. Cuối công viên có một nhà bát giác hai tầng, làm nơi ngồi chơi mát và sân khấu văn nghệ. Vào những ngày lễ lớn, người dân các xóm xung quanh đổ về đây để xem các màn ca nhạc và ảo thuật miễn phí.
Sân công viên rất rộng rãi, có một giàn xích đu lớn và bốn cụm cầu tuột được đúc bằng bêtông rắn chắc. Mỗi cụm có đến ba cầu để tuột nhưng vẫn không thỏa mãn hết đám đông con nít. Mỗi lần ra công viên, bọn nhóc chúng tôi còn chơi trò đánh trận.
Mỗi cụm cầu tuột trở thành một "pháo đài". Ai tranh nhau leo ngược cầu tuột lên đỉnh nhanh nhất sẽ là người chiến thắng!
Gần bên hồ nước công viên còn có một khung sắt thật bề thế, hình tròn chóp nhọn, để trẻ con bám vào và cùng xoay thích thú. Thế mà, không hiểu sao, một ngày kia chiếc khung sắt nặng nề đã sụp xuống làm bọn trẻ chúng tôi buồn cả tuần.
Nhưng rồi, vào một buổi sáng khi đi học qua đây, tôi trông thấy một xe nhà binh chở lính Đại Hàn, đổ xuống công viên. Những chú lính mắt một mí, dáng vẻ hùng hổ, nhanh chóng cởi áo ngoài, hợp nhau dựng lại chiếc khung sắt.
Ngày nay, mỗi lần ghé ngang công viên Âu Lạc, tôi không khỏi bùi ngùi. Công viên hiện giờ chỉ là sân tập thể dục đông vui vào sớm mai và xế chiều. Cầu tuột, đu quay và sân chơi cho trẻ em không còn nữa mà bạn xưa, người cũ cũng ra đi...
Ngã sáu Cộng Hòa nhìn từ trên cao, dãy nhà ngói đỏ ở góc phải trên là Trường Lê Hồng Phong - Ảnh: TỰ TRUNG
"Học khu thư sinh" náo nhiệt
Băng qua công viên Âu Lạc là đến Trường Petrus Ký của chúng tôi, nằm trên đường Cộng Hòa. Ngôi trường có kiến trúc cổ kính và thanh nhã, hiện giờ mang tên Trường chuyên Lê Hồng Phong.
Tôi học tại đây một lèo từ lớp 6 lên đến lớp 12, trải qua hai thời kỳ giáo dục khác biệt nhưng vẫn lưu giữ nhiều kỷ niệm thân thiết. Ba dãy phòng học hai tầng của trường bao lấy một chiếc sân vuông vắn, giữa sân là bức tượng nhà bác học Trương Vĩnh Ký - gương mặt thông minh nhưng đôi mắt buồn buồn.
Từ các phòng học đều nhìn thấy "hành lang danh dự" ở mặt tiền trường, nơi có một tháp đồng hồ đặt ở vị trí trung tâm. Cái hành lang và tháp đồng hồ nghiêm nghị ấy được tạo dáng theo hình mẫu Khuê Văn Các đã là hình ảnh nhung nhớ trong tim nhiều thế hệ học sinh của trường.
Trường Petrus Ký không cô độc, xung quanh trường là cả một "học khu thư sinh" náo nhiệt. Dẫn đầu là các "đàn anh" Đại học Khoa học, Đại học Sư phạm và Trường Sư phạm Sài Gòn. Kế đến là các Trung học Bác Ái, Tiểu học Trung Thu và Tiểu học Sư phạm thực hành.
Ngần ấy học trò khiến cho con đường hóa thành "con đường Áo trắng" nhộn nhịp. Từ trường mình, chúng tôi bước vào khuôn viên các đại học một cách dễ dàng, không ai xét hỏi. Hóa ra, cả ba học xá đại học đều được thành lập trên một khu đất trước đây thuộc Trường Petrus Ký.
Trong mắt tôi lúc ấy, các đại giảng đường, thư viện và các phòng thí nghiệm đồ sộ là những "kỳ quan" mà mình mong ước sẽ sớm có ngày đặt chân đến.
Và rồi, mùa thu năm 1980, tôi thực hiện được mong ước của mình, trở thành sinh viên Trường đại học Tổng hợp TP.HCM, được dự lễ khai giảng tại đại giảng đường ngày xưa. Cái giảng đường "lão niên" và thanh cao ấy hiện vẫn còn nguyên vẹn!
Lạ thay, "học khu thư sinh" ồn ào lại nằm đối diện với doanh trại im lìm của Tổng nha Cảnh sát. Thời Pháp, nơi đây vốn là "Thành Ô Ma" (Camp aux Mares) trải dài từ chợ Thái Bình đến đường Cộng Hòa.
Cổng chính của Tổng nha nay là trụ sở phía Nam của Bộ Công an, nằm ở đường Võ Tánh (Nguyễn Trãi), còn các cổng phụ lại đặt đối diện với Trường Petrus Ký, Đại học Khoa học và Đại học Sư phạm.
Vào những thời điểm chính trị căng thẳng trước năm 1975, sinh viên và học sinh hay "xuống đường", chúng tôi bỗng thấy mấy ông "cớm chìm", "cớm nổi" tản mác trước các cổng trường học.
Hai mươi năm trở lại đây, phần lớn các doanh trại trên đường Nguyễn Văn Cừ đã chuyển thành Thương xá Now Zone và khách sạn Nikko mỹ miều.
Quang cảnh con đường từ ngã sáu Cộng Hòa đến xóm Nancy đã thay đổi hẳn. Thế nhưng, học trò vẫn là học trò, "con đường Áo trắng" của chúng tôi chạy giữa hai hàng cây cổ thụ xanh ngát vẫn đang là một trong những con đường thơ mộng nhất Sài Gòn.
Hiện tại, các trường học vẫn còn đang đóng cửa vì đại dịch nhưng hẳn những trái tim Sài Gòn, cho dù ở tuổi đời nào, cũng đều hướng đến một ngày không xa khi học trò đến trường trở lại. Rất mong bài học đầu tiên trong ngày khai giảng mới sẽ là yêu hơn nữa, nâng niu hơn nữa con người và cuộc sống của một thành phố hiền hòa và dũng cảm.
Gần đây, xem bản đồ xưa, tôi nhận ra đất vườn bông chính là một phần của tuyến xe lửa khởi đầu từ Ga Sài Gòn (nay là công viên 23-9) chạy đến nhà thương Từ Dũ, rồi băng qua ngã sáu Cộng Hòa để vào Chợ Lớn. Vườn bông cùng với Trạm Nancy là dấu tích của một vùng đồng không mông quạnh trước khi hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn thời Pháp sáp nhập vào nhau.
Từ ngã sáu Cộng Hòa đi xe máy khoảng 5 phút là đến ngã sáu Nguyễn Tri Phương. Và rồi, cũng bằng thời gian ấy, theo đường Ngô Gia Tự sẽ gặp ngã bảy rộng lớn quen gọi là ngã bảy Lý Thái Tổ. Ba vòng xoay này nằm liền kề nhau, tạo thành một tam giác kết nghĩa "vườn đào" lý thú.
Kỳ tới: “Ngã sáu Nỏ thần” và “Ngã bảy Bình dân”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận