31/10/2020 11:40 GMT+7

Sài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 6: Nhớ làng đại học Thủ Đức

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Bên trong căn biệt thự giản dị, xanh mát, yên tĩnh của cố giáo sư Lý Chánh Trung ở làng đại học Thủ Đức là cả một trời kỷ niệm, từ gốc cây ngoài vườn đến những cuốn sách xếp nặng trong tủ, những tấm ảnh trắng đen trên tường.

Sài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 6: Nhớ làng đại học Thủ Đức - Ảnh 1.

Phương pháp học thiên về thực nghiệm, kỹ năng của Trường trung học Kiểu mẫu - Ảnh tư liệu

Khu biệt thự vườn mấy trăm căn được quy hoạch làm làng giáo sư khi xưa nay đã đổi chủ gần hết, đã thay đổi công năng thành những quán cà phê, karaoke sân vườn, nhưng bên trong căn biệt thự này vẫn là những câu chuyện của ngày xưa.

Trường xưa thân ái

Ông Lý Chánh Dũng, con trai cả của giáo sư Lý Chánh Trung, đã theo cha mẹ chuyển đến làng đại học Thủ Đức từ năm 1963, khi căn nhà vừa được xây xong, lúc ông chỉ mới 7 tuổi. "Tôi là đứa duy nhất trong mấy anh em đã theo học trọn vẹn 7 năm trung học ở Trường trung học Kiểu mẫu Thủ Đức…".

Ngôi trường được xây dựng để làm mẫu đúng như cái tên Kiểu mẫu. Vậy nên dù không dày rộng lịch sử - hiện tại trăm năm như những ngôi trường tiếng tăm Chasseloup Laubat - Jean Jacques Rousseau - Lê Quý Đôn, Petrus Ký - Lê Hồng Phong, Marie Curie, Gia Long - Nguyễn Thị Minh Khai, Trường trung học Kiểu mẫu Thủ Đức (THKM) chỉ tồn tại và hoạt động vẻn vẹn 10 năm (1965-1975) vẫn để lại những ấn tượng không mờ phai.

TS Dương Thiệu Tống, hiệu trưởng đầu tiên của Trường THKM, từng thuật lại trên Tuổi Trẻ: "Trong một môi trường xã hội không mấy thuận lợi, chúng tôi đã cố gắng thiết lập một mô hình giáo dục trung học mới tổng hợp cả hai cấp, thu thập cái hay của giáo dục thế giới, đồng thời cố gắng tạo bản sắc riêng cho Việt Nam. Chương trình học đặt căn bản trên triết lý, mục tiêu và điều kiện riêng của nhà trường, phối hợp giáo dục phổ thông và giáo dục hướng nghiệp, thiết lập các ban công kỹ nghệ, kinh tế gia đình, canh nông và doanh thương cho học sinh phổ thông, áp dụng phương pháp giảng dạy và học tập lấy học sinh làm trung tâm".

TS Nguyễn Nhã, nguyên trưởng ban nghiên cứu giáo dục của Trường THKM, đã tổng kết: "Trường THKM chú trọng rèn luyện kỹ năng hướng nghiệp cho học sinh bắt đầu từ lớp 8, các hoạt động ngoại khóa, hiệu đoàn cũng là sinh hoạt bắt buộc, tổ chức các câu lạc bộ, các trại huấn luyện kỹ năng sống, các hình thức báo chí học đường rất phong phú, báo định kỳ, đặc san và giai phẩm. Trong giảng dạy thì quan tâm thực hành hơn từ chương nên học sinh được làm quen với các phòng thí nghiệm, thư viện rất sớm, biết tổ chức nhóm thảo luận, thuyết trình…".

Trong mắt những học sinh như ông Lý Chánh Dũng thì: "Trường chúng tôi được KTS Ngô Viết Thụ thiết kế rất đẹp, rộng mênh mông giữa khu quy hoạch làng đại học, trên đồi, xung quanh là rừng chồi với hoa mua, hoa sim, ao nước, hồ đá. Giảng dạy từ lớp 6 đến lớp 12, mỗi lớp chỉ có 35 học sinh, toàn khóa thi vào chỉ lấy 140 người, nhưng trường lại có đại giảng đường rộng mênh mông, ghế ngồi xếp bậc cấp như nhà hát, chứa được 1.200 người. Biết bao nhiêu hoạt động tập thể lớp, hiệu đoàn đã diễn ra ở dãy hành lang dài và đại giảng đường ấy…".

Những kỷ niệm của các anh chàng học sinh mới lớn của THKM khi ấy không có cảnh "Anh theo Ngọ về, đường mưa nho nhỏ…" vì đây là trường đầu tiên mà học sinh được đưa đón bằng xe buýt từ khắp nơi trong Sài Gòn đến trường, những chiếc xe buýt màu vàng mang thương hiệu Trường Kiểu mẫu Thủ Đức. "Cha mẹ chỉ phải đóng tiền xe buýt, nhà trường không thu học phí. Học sinh chỉ học ở trường, không cần học thêm…".

Trực thuộc Trường đại học Sư phạm, sau sự kiện 30-4-1975, Trường THKM vẫn tiếp tục dạy và học, tiếp tục tuyển sinh khóa 12, luyện thêm môn văn và sử theo quan điểm mới, chương trình mới. Đến tháng 10-1975, trường được tuyên bố giải thể để chuyển thành Trường trung học Thực hành. Trụ sở Trường THKM được chuyển thành Đại học Thể dục thể thao TP.HCM cho tới hôm nay. Và cứ vào tháng 10, khi tiết trời mùa thu xuất hiện, lại có một cuộc họp mặt được tổ chức ở TP.HCM giữa những người gọi nhau là "dân Kiểu mẫu". Đã 45 năm đi qua từ ước mơ canh tân giáo dục ấy...

Sài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 6: Nhớ làng đại học Thủ Đức - Ảnh 2.

Làng giáo sư xưa kia được thiết kế vuông vức với những biệt thự vườn, nay vẫn còn nguyên như những ô vuông bàn cờ màu xanh - Ảnh: TỰ TRUNG

Hồn làng đại học

Ngồi cạnh con trai, bà Bùi Thị Nữ nay đã 89 tuổi, mỉm cười nghe chuyện mà mắt cứ rưng rưng. Năm 1960, giáo sư Lý Chánh Trung và vợ là một trong những người đầu tiên đăng ký mua đất trong khu làng đại học vừa được lên bản vẽ. "Mua 300.000 đồng, trả góp 15 năm" - bà nhắc. Vốn là rừng cao su, khu quy hoạch được cày xới, phân lô. Mỗi khuôn viên biệt thự dành cho giáo sư được quy hoạch từ 900-2.200m2, xây dựng nhà thấp vuông vắn, nhà nào cũng có vườn thật rộng trồng cây xanh mát. 

Năm 1963, khi nhà đã được xây xong theo mẫu tự chọn hợp quy định của làng, ông bà đưa năm con nhỏ dọn về. Ngày ngày, giáo sư Lý Chánh Trung lái xe theo xa lộ đi dạy ở các đại học Sài Gòn, bà đi dạy ở Trường tiểu học Nam Thủ Đức gần nhà, trông coi con cái. Những người con tài hoa của gia đình đã lớn lên trong khu vườn nhà, sự dưỡng dục yêu thương và nghiêm khắc của ba má, không gian yên ả của làng đại học.

"Cũng có nhiều lúc căng thẳng, là những năm sau này chiến sự áp sát vùng ven đô thành, tiếng bom pháo nghe sát rạt. Rồi những lúc phong trào đấu tranh của sinh viên lên cao, ba cũng dấn thân vào sâu hơn, viết báo nhiều hơn, mạnh hơn, nhiều sinh viên đến nhà tìm hỏi ý kiến, và mật vụ đến đứng trước cửa ghi chép người vào ra. Cũng lại có những lần dì Năm (tức bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè, thứ trưởng Bộ Y tế - xã hội Chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, chị ruột của bà Nữ - PV) về thành đến ở nhà, ba lấy xe chở đi liên lạc…" - ông Lý Chánh Dũng kể với sự hiểu biết của một người con lớn.

Sau 30-4-1975, ban quân quản yêu cầu trưng thu. Ký giấy cho mượn nhà, gia đình lại dọn về khu nhà tập thể của Bộ Đại học ở Sài Gòn. "Nhưng rồi má nhớ ngôi nhà này, cứ khóc hoài. Ba xót ruột, một lần gặp Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt, ba liền trình bày. Ông Kiệt giật mình: Vậy còn những ai nữa, anh ghi vào cái thư cho tôi biết". Giáo sư Lý Chánh Trung đi tìm những hàng xóm cùng làng đại học, viết một lá đơn tập thể. Chỉ một thời gian ngắn sau, họ được trả lại nhà.

Bà Nữ lại rưng nước mắt: "Ông nhà tôi bảo: Trải qua hai cuộc chiến tranh rồi, gia đình mình còn nguyên vẹn là may mắn lắm". Lại mấy mươi năm nữa đi qua, căn nhà đã chứng kiến nhiều hạnh phúc và cả những đau đớn của gia đình. Năm 2016, giáo sư Lý Chánh Trung mất, các con nay đã ở riêng muốn đón bà về ở chung để sum họp nhưng bà không rời được ngôi nhà. "Đi đâu thấy cũng không vừa ý, đi đâu cũng nhớ nhà cũ, bàn cũ, ghế cũ. Nó đã thành quê hương rồi" - bà bảo vậy.

Làng đại học hôm nay đã nhiều thay đổi. Những con đường vẫn ngăn nắp kẻ ô bàn cờ, xanh mát, mang tên của những ước vọng Công Lý, Độc Lập, Dân Chủ, Bác Ái, Hòa Bình, Thống Nhất, nhưng nhiều khu biệt thự đã bị phân nhỏ, nhiều quán xá mọc lên với loa nhạc phát hết cỡ khi chiều tối. "Nay mai nơi này sắp thành TP Thủ Đức, không biết có thay đổi gì nữa không" - bà Nữ mỉm nụ cười rưng rưng của bà. Ông Lý Chánh Dũng an ủi mẹ: "Không sao đâu, khu này chắc vẫn sẽ được giữ như vậy thôi. Có những khu cũ kỹ thế này, một thành phố mới có ký ức, có hồn cốt mà má".

Thập niên 1960 với Thủ Đức là thập niên của kiến tạo, xây dựng, ấp ủ. Một “làng đại học” với ước mơ khép kín chu trình học tập - nghiên cứu - thực nghiệm đã ra đời, một làng giáo sư với môi trường đẫm chất học thuật cũng được xây dựng. Thời điểm ấy, trung tâm Sài Gòn hoang mang giữa những cuộc chính biến, ngoài Sài Gòn chiến cuộc ngày một căng thẳng. Thủ Đức vùng ven, bom đạn ngày một áp sát nhưng những giấc mơ khoa học vẫn cứ được nuôi dưỡng...

*************

Có lẽ đường Huỳnh Tấn Phát, bắt đầu từ cầu Tân Thuận (quận 7) đến mũi Nhà Bè vốn xưa mang tên liên tỉnh 15, là con đường có nhiều địa danh dân dã nhất ở Sài Gòn…

Kỳ tới: Đường xưa về Nhà Bè

Sài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 5: Bí mật Sài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 5: Bí mật 'phi thuyền Apollo' giữa Sài Gòn

TTO - Giữa thập niên 1960, tháp bêtông như phi thuyền Apollo cao vút đã xuất hiện ngay cửa ngõ phía đông Sài Gòn bên đường Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh) và trở thành hình ảnh thân quen suốt hơn nửa thế kỷ.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên