Phóng to |
(Nguồn: TT Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM) - Đồ họa: V.Cường |
Ngập lan rộng
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão TP.HCM, cho biết do ngập nặng nên hiện các đơn vị huy động máy bơm tiêu thoát nước trong các khu dân cư, đồng thời gia cố các đoạn bờ bao bị tràn.
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, hiện nay có 10 điểm thường xuyên bị ngập do triều cường với đỉnh triều xấp xỉ mức báo động 3 (1,5m) là các tuyến đường Lương Định Của (Q.2), Bến Phú Định, Phạm Thế Hiển (Q.8), Huỳnh Tấn Phát (Q.7), Văn Thân, Lò Gốm (Q.6), Bình Quới, Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh), Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức), Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân).
Tuy nhiên do triều cường những ngày qua vượt mức báo động 3, đạt đỉnh triều lịch sử 1,62m (năm 2012) nên làm phát sinh những điểm ngập mới như: Mễ Cốc (Q.8), Ung Văn Khiêm, Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh), quốc lộ 1 (đoạn gần cầu Bình Điền), quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), khu vực Thảo Điền, Quốc Hương (Q.2)...
Theo ông Đỗ Tấn Long - trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, đa số tuyến đường trên đều nằm dọc sông rạch và được xây kè tạm với cao trình +1,8m như Mễ Cốc, Quốc Hương... Tuy nhiên sau thời gian sử dụng bị lún sụt nên nước tràn qua. Một số trường hợp khác do nhà dân nằm sát sông nên chưa triển khai được dự án xây dựng kè ngăn triều.
Ngập còn do san lấp sông rạch, ao hồ
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - nguyên phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ - nhận định một trong những nguyên nhân dẫn đến triều cường cao một phần do tác động của đợt không khí lạnh, làm gió mùa đông bắc thổi dồn nước về các cửa sông.
GS.TS Lê Huy Bá - nguyên viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và môi trường - cho rằng triều cường ngày càng cao ở TP có nguyên nhân quan trọng là do việc san lấp các ao hồ, sông rạch, lấy mất diện tích chứa nước và dòng tiêu thoát của tự nhiên. Ông Bá phân tích: thời gian qua, mực nước ở Vũng Tàu chỉ tăng vài milimet/năm, trong khi đó mực nước triều tại TP cao gấp 5 lần. “Có 25-30% kênh rạch của TP bị san lấp, đó là chưa kể hàng loạt dự án biến những khu đầm lầy chứa nước thành đô thị đã làm mất đi diện tích chứa nước rất lớn” - ông Bá nói.
Trong khi đó, ông Hồ Long Phi (giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định: “Nhiều nơi đã xây bờ bao kiên cố nên hết ngập nhưng việc này đã góp phần làm đỉnh triều trên sông rạch cao hơn, những khu vực còn ngập sẽ bị ngập nặng hơn”.
Sẽ xây dựng các hồ điều tiết nước Về giải pháp xây kè, bờ bao tạm chống triều cường, theo ông Lê Huy Bá, chỉ giải quyết phần ngọn và chứa nhiều nguy cơ (sạt lở, bể bờ bao), giải pháp lâu dài phải trả lại không gian chứa nước bằng việc xây các hồ chứa nước lớn. Về điều này, ông Đỗ Tấn Long cho biết TP đang lập quy hoạch xây các hồ điều tiết phân tán tại TP. Hiện cơ quan chức năng đang tính toán dung tích chứa của các hồ này là bao nhiêu để tiến hành xây dựng. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận