TTCT - Đối phó với triều cường, mưa ngập, người dân Sài Gòn đã hài hước gọi đó là “mùa… nước nổi”. Tuy nhiên, chẳng có sản vật và sự nên thơ, “mùa nước nổi” ở thành phố 10 triệu dân chỉ có lắm nỗi cười ra nước mắt. Nước ngập lênh láng một căn nhà ở khu phố 5, P.22, Q.Bình Thạnh Con đường trước nhà sau lần sửa sang đã cao hơn nền nhà ông Minh nửa mét, vì thế mùa mưa năm ngoái nhà ông triền miên chịu ngập. Năm nay, con trai ông mua gạch, ximăng xây vách ngăn để cản bớt nước tràn vào nhà. Ông mặc độc chiếc quần tà lỏn ngồi thu lu trên ghế ngó ra đường. Con dâu và cháu nội bắt đầu mở máy bơm thoát nước.Sống chung với ngập“Trận này lớn, tụi bây coi đem mớ đồ lên gác đi. Hai con chó cột lên trên bàn. Thằng Tí ở yên trong nhà”. Vừa ngó trời ầm ầm đổ mưa, ông Trần Văn Minh (87 tuổi, nhà ở đường Nguyễn Quý Yêm, Q.Bình Tân) vừa quay qua nhắc con cháu mình. Đã quen với cảnh nước tràn vào nhà ngập đến đầu gối, gia đình ông Minh chỉ mất chưa đầy nửa giờ để “bài binh bố trận”. “Mỗi bận mưa lớn là tụi tôi lại mở máy bơm suốt. Có khi ngập cả ngày chưa rút phải chạy qua hàng xóm mượn thêm một máy bơm mới xuể” - chị Ánh Loan, con dâu ông Minh, kể. Hủ tiếu Sài Gòn “mùa nước nổi” -Thuận Thắng Lúc trước, ông Minh ngủ nhà dưới nhưng từ khi nước ngập, ông và con cháu phải chia nhau căn gác chừng 10m2. Ông chỉ vạch kẻ trên bức tường, cười hề hề: “Đó, đáng lẽ phải nâng nền nhà lên tới đó mới hết ngập, nhưng vậy thì ở trong nhà chỉ ngồi chớ không đứng được!”. Chỗ nào trong nhà ngập quá sâu, chị Loan mua ghế nhựa loại ngồi giặt đồ để kê, đi đi lại lại như làm xiếc. Nhà của bà Trương Thúy Hồng (56 tuổi) gần đó tuy rộng rãi hơn nhưng cũng chịu chung cảnh ngập. Mưa lạnh, bà ngồi canh máy bơm vì nếu để hụt nước máy sẽ hư. Vừa nói bà vừa ngáp: “Mưa vầy nước ngấm hư hết chân giường, bàn ghế. Tủ lạnh coi như tiêu rồi, còn cái tủ ly tôi đã sai con chở đi gửi ở nhà em họ từ đầu mùa mưa. Có cái tủ đem gửi cũng kỳ nhưng để mùa nắng còn có cái trưng ra chớ”. Di tản đồ đạc đi nơi khác là cách làm quen thuộc của một số gia đình thường xuyên chịu cảnh ngập. Không chỉ ngập do mưa, ở những nơi chịu ảnh hưởng của triều cường, người dân cũng tính toán để di dời đồ đạc sớm. Bà Năm (ngụ đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh) nghĩ ra cách mua kệ, treo đồ đạc lên tường để tránh ngập nước. Từ cái chạn úp chén, nồi cơm điện, kệ dép... đều được treo lên trên bức tường mà phần phía dưới đã ẩm xám vì ngập nước qua nhiều mùa mưa. Bao cát đã trở thành vật không thể thiếu trong “công cuộc” đối phó với ngập của các gia đình. Lục lại mấy cái bao đựng gạo, ông Minh ra xin cát của mấy người thợ làm đường. Khi nghe người ta hỏi xin làm gì, ông nói để “đắp đê” khiến ai cũng cười ngất. Bỏ cát vô ba bao, mỗi bao chừng 10kg, ông gọi cháu nội ra vác vào để cái uỵch trước nhà. Mỗi đợt mưa đêm, ông Minh thức đến 22g thì đầu đã nhức buốt do bệnh già. Còn lại hai người con chia nhau canh máy bơm tới sáng. “Mỗi đợt ngập cả nhà mua cơm hộp ăn cho tiện, chẳng nấu nướng gì được. Đồ đạc giặt cứ treo miết trong nhà tắm, khi nào hết đồ bận thì đem ra hong quạt cho khô” - chị Loan nói. Nhà nào không có máy bơm thì tát nước bằng vật dụng khác -HỮU KHOA Xóm “miền Tây” Đường Ấp Chiến Lược (Q.Bình Tân) một buổi chiều tháng 10 ngập trong biển nước, cảnh hiu hắt buồn như thôn xóm nào đó tuốt dưới miền Tây. Đầu hẻm 330, một đôi vợ chồng đang đút cháo cho đứa con 2 tuổi. Người vợ ẵm đứa con rồi chỉ tay xuống dòng nước chảy lững lờ, dỗ dành “ăn ngoan, mẹ cho coi nước”. Anh chồng tranh thủ lúc con nhoẻn cười liền nhanh tay đút muỗng cháo vào miệng con. “Chiều chiều tôi lại ẵm con ra đây ngồi cho thoáng, chứ trong phòng trọ đang ngập dữ lắm. Riết rồi con nó thích kiểu đút ăn ngắm nước ngập này luôn!” - chị vợ tên Xuyến đùa. Trong các nếp nhà, dù trời đã ửng nắng sau cơn mưa dai dẳng ngày hôm trước, người dân vẫn còn vẻ co ro vì lạnh và mệt. Chị Lê Thị Thảo Trang (36 tuổi) rời bàn máy may áo gối gia công, tiếp tục cầm xô tát nước. Thềm nhà chị được chắn ngang bởi hai tấm ván cao gần 1m, cái bàn bình thường cả nhà vẫn để nước trà buổi chiều cũng được trưng dụng để giữ chắc tấm ván, vài ba cục gạch đè lên trên. Chị Trang kể để đối phó với mưa, gia đình chị phải bày biện đồ đạc trong trạng thái sẵn sàng để khi ngập thì ôm lên lầu cất liền. Ba chiếc xe máy đã đem đi gửi ngoài khu chợ gần đó. Cha của chị có nhiệm vụ theo dõi dự báo thời tiết để “báo động” cho cả nhà khi nào mưa lớn. Mưa ngập, mặc người lớn rầu thúi ruột nhưng với lũ trẻ là niềm vui vô hạn. Vừa ở trường mầm non về, cậu bé Siêu (5 tuổi, cháu chị Trang) đã thay bộ đồng phục, leo qua tấm ván để lội nước. Cầm miếng bìa cứng và nói đó là thuyền, Siêu hết lội ngược lại lội xuôi con hẻm, cười sằng sặc mỗi khi có xe máy đi qua tóe nước vào mình. Chị nói có lúc trong nhà ngập sâu, mấy đứa nhỏ ngồi vô thau rồi người lớn đẩy qua đẩy lại như bơi xuồng. Trời trưa trật nhưng cái bếp “dã chiến” đặt trên giường nhà chị Trang vẫn lạnh tanh. Chị phân trần: “Ngập như thế này ai cũng ngại đi chợ, canh chừng có người đi thì nhờ mua giùm bó rau, con cá...”. Sài Gòn còn nhiều xóm “miền Tây” mỗi khi mưa lớn, triều cường. Đoạn gần kênh của đường Phan Anh (Q.Tân Phú) mỗi lúc nước ngập không phân biệt đâu là kênh, đâu là đường hẻm. Người dân phải cắm cọc làm dấu để không ai té ngã. Gần đó, người dân cư ngụ ở đoạn đường An Dương Vương (Q.8) kể rằng có khi mưa lớn bất ngờ, nước ập vào nhà, họ sợ quá tháo chạy ra đường hoặc đứng nhờ ở những ngôi nhà nền cao hơn. Điệp khúc ngủ nhờ hoặc ngủ... khách sạn cũng trở nên quen thuộc với hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Lan (25 tuổi, Q.Bình Tân). Ngôi nhà cấp 4 xập xệ mà gia đình chị thuê ba năm nay hễ mưa là ngập... toàn tập. Nhà không gác không lầu nên đêm mưa, cha mẹ và chị lại ôm gối mền qua nhà họ hàng cách đó chừng 1km ngủ nhờ. Lâu dần, nhà chị trở nên... nổi tiếng, khi hỏi nhà ai ngập dữ nhất khu này, mọi người đều nói: “Nhà con Lan”. Tỏ vẻ bình thản, chị cho biết đợi bớt mưa chị sẽ mướn thợ xây vách ngăn nước tràn và mua máy bơm. Cùng chung cảnh ngộ, gia đình bà Năm (50 tuổi) nhiều năm nay cũng quen với cảnh lội nước đi ngủ nhờ hàng xóm, sáng dậy thật sớm về nhà nấu chè đi bán. Máy bơm là thứ không thể thiếu trong mùa ngập -HỮU KHOA Nội thành cũng... khóc Vào mùa ngập, một số quận nội thành cũng chung số phận. Mỗi khi thấy trời có nguy cơ mưa lớn, bà Trần Thị Anh Thư (nhà ở đường Nguyễn Xí, Q.Bình Thạnh) lại cùng con trai chuẩn bị máy bơm, bao cát... để đối phó. Bà nói vui: “Mỗi đợt mưa lớn là mấy con hẻm ở đường này lại nhộn nhịp, nhà nhà tát nước, tấn bao cát cho nước đỡ tràn vô trong. Nhà này còn mượn máy bơm của nhà kia. Ai không có máy bơm thì dùng thau, chậu tát”. Gần đó, ngôi nhà của ông Lê Văn Dũng bình thường đã lụp xụp, nay càng thê thảm trong cảnh nước ngập. Chiếc kệ cao nhất ở gần lối đi là nơi ông dành để “cần câu” của mình: giỏ đựng đồ nghề vá xe, còn lại đa số đồ đạc đều chìm trong nước. Quê ở Tiền Giang, vợ mất, ông lên Sài Gòn làm nghề vá xe nên người bạn thân nhất của ông là chú chó tên Bi. Nhưng ông kể: “Có đợt mưa ngập, tôi loay hoay dời đồ đạc mà quên mất nó. Tới hồi nhớ ra đi kiếm thì không thấy đâu nữa, chắc nó bị nước cuốn rồi...”. Ở hai lô nhà cư xá Thanh Đa đoạn giáp sông Sài Gòn (Q.Bình Thạnh), mỗi đợt triều cường nước lại lênh láng. Nhiều hộ dân chẳng buồn dọn, cứ đặt máy bơm rồi ra các ô nhà có quán cà phê ngồi xếp chân lên ghế ngó... nước ngập, chừng nào nước rút họ mới loay hoay dùng mớ giẻ lau nhà. Ông Hai Kính, sống ở đây sáu năm, tếu táo: “Bực bội hoài chỉ tổ hại thân, năm nào cũng vậy, thôi thì cố chịu đựng”. “Mùa nước nổi” của Sài Gòn còn kéo dài vài tháng nữa. Sau đợt triều cường vừa qua, theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, từ đây đến cuối năm sẽ còn vài đợt ngập nữa. “Điệp khúc” chống ngập và những câu chuyện bi hài về nỗi khổ của người dân vì thế cũng trở thành trường kỳ, khi mà các giải pháp chống ngập từ phía Nhà nước chưa đáp ứng được thì dân còn khổ dài dài. Liệu họ còn chịu đựng được bao nhiêu nữa?■ 1.001 kiểu chống ngập Từ việc chịu ngập do triều cường, các hộ dân ở khu dân cư Thành ủy (Q.Thủ Đức) đã nghĩ ra cách làm hai van (đường kính 1m và 60cm) bằng sắt lắp vào cống thoát nước để ngăn triều cường. Không những thế, người dân trong cư xá cùng góp tiền xây tường dài 250m, cao 70cm để triều cường không tràn vào khu dân cư. Ngoài ra, vài hộ dân ở đây còn nghĩ ra cách chống ngập từ những kinh nghiệm của người miền Tây như chống nước xói lở đất bằng cách cắm củi dừa dọc bờ kênh, chặn ván ngay mương nước… Tags: Sài GònNước ngậpGóc Sài GònSài Gòn ngập
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Xuất khẩu kỷ lục vượt 400 tỉ USD, nhiều ngành chủ lực tăng trưởng hai con số NGỌC AN 23/12/2024 Thông tin được Bộ Công Thương đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 vào chiều 23-12.
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão CHÍ TUỆ 23/12/2024 Trưa nay áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển tây bắc quần đảo Trường Sa đã mạnh lên thành bão Pabuk (bão số 10).
Thưởng tối đa 5 triệu cho người báo tin vi phạm giao thông có tạo được 'tai mắt' để giám sát? NHẤT NGỌC HẠNH 23/12/2024 Thưởng tiền cho người báo tin vi phạm giao thông sẽ khuyến khích người dân tham gia giám sát, tuy nhiên cũng cần phạt những ai tố cáo sai.
Đàm Vĩnh Hưng rút đơn kiện tỉ phú Gerard Williams vì sợ công khai hồ sơ thuế? HOÀI PHƯƠNG 23/12/2024 Trong đơn kiện ngược, luật sư của ông Gerard Williams đưa ra bằng chứng Đàm Vĩnh Hưng vẫn nhảy múa vui vẻ sau tai nạn, chứ "không tàn phế".