14/12/2023 10:10 GMT+7

Sài Gòn dậy sớm kỳ 1: Những cuốc xe cần mẫn nửa đêm về sáng

YẾN TRINH
và 1 tác giả khác

Lâu nay nhiều người nghĩ dân thành phố quen thức khuya dậy trễ, nhưng thực tế không hẳn vậy.

Kiệt cho biết mỗi đêm đi vài trăm cây số là chuyện bình thường - Ảnh: AN VI

Kiệt cho biết mỗi đêm đi vài trăm cây số là chuyện bình thường - Ảnh: AN VI

Mới tầm 4h-5h sáng, thậm chí sớm hơn nữa, trên các đường phố Sài Gòn thân quen đã xuất hiện những người tần tảo nhóm bếp than nồi phở, chuẩn bị xe hủ tiếu, bánh mì, pha cà phê vợt thơm lừng.

Các anh xe Grab, các bác xe ôm truyền thống cũng đã như con thoi ngược xuôi từ khi nào. Ở các công viên, các vỉa hè rộng rãi, nhiều tốp người già trẻ đã vui vẻ tập thể dục theo nền nhạc sinh động.

Đó là một hình ảnh khác của thành phố thân thương, một TP.HCM dậy sớm, thật đời thường, gần gũi và đầy sức sống...

"Nhất chạng vạng, nhì rạng đông" là câu nói cảnh báo cánh tài xế khung giờ nguy hiểm khi chạy xe. Nhưng ở TP.HCM, nửa đêm về sáng là lúc nhiều tài xế xe công nghệ bắt đầu ngày mới trên hành trình mưu sinh.

Đường khuya mát mẻ, thông thoáng

Ngồi bệt nơi vỉa hè bên hông một trung tâm thương mại trên đường Trường Sơn (quận Tân Bình, TP.HCM), Lê Minh Quân tháo chiếc nón bảo hiểm cho đỡ nóng.

Nở nụ cười hiền queo, anh chàng 28 tuổi vui vẻ tâm sự: "Đóng đô khu sân bay dễ có khách. Chạy khuya được cái là trời mát, đường vắng chứ không kẹt xe như ban ngày".

Anh Lê Minh Quân ngồi đợi khách ở khu vực đường Trường Sơn (quận Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: YẾN TRINH

Anh Lê Minh Quân ngồi đợi khách ở khu vực đường Trường Sơn (quận Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: YẾN TRINH

Anh vừa kết thúc một cuốc xe, tranh thủ trò chuyện khi chờ cuốc mới. Anh nói: "Chạy khuya thì mỗi cuốc xe được hãng cộng thêm 10.000 đồng, và gặp khách rộng rãi được boa thêm chút đỉnh cũng đỡ".

Rồi anh cười hiền kể hôm trước một khách nam đặt xe về quận Bình Thạnh chỉ 37.000 đồng. Tới nơi, ông đưa 40.000 đồng, người vợ ra mở cửa tặng thêm 200.000 đồng. Số tiền với nhiều người có thể nhỏ bé, nhưng với anh một ngày có khi không kiếm nổi chừng đó. Một đêm lạnh mà thật ấm áp với anh.

Tháng ngày vất vả mưu sinh đã hằn lên gương mặt những tài xế như Quân nét dạn dày, chỉ có nụ cười và cách nói chuyện vẫn nhà quê chân chất. Về cung đường chở khách, anh nói có khi lên quận 1, khi vòng qua quận 5, quận 6, có lúc xuống tận Bình Dương, "cứ có khách đi thì mình vi vu, kiếm tiền thiện lương mà".

Chúng tôi tìm tới góc đường cạnh Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (TP Thủ Đức) - nơi nổi tiếng là địa điểm ăn uống nhộn nhịp của sinh viên khu vực. Nhưng nhìn sang đối diện, có một nhóm sinh viên khác tới để bắt đầu hành trình chạy xe đêm.

Nằm dài trên chiếc Wave, Nguyễn Tuấn Kiệt vừa lướt điện thoại vừa chờ app "nổ" cuốc. Cùng là sinh viên song cậu hiếm có những cuộc hẹn, những buổi cà phê vui vẻ như các bạn.

Kiệt đang học năm cuối Trường cao đẳng Công Thương (TP Thủ Đức), bắt đầu chạy xe ôm công nghệ từ năm nhất, đến nay đã có 3 năm tuổi nghề. Hiện Kiệt đã hoàn thành chương trình học nên chuyển hẳn về nhà ở Long An để đỡ tiền trọ.

Trong thời gian này, cậu vẫn duy trì chạy xe kiếm thêm thu nhập. Chàng sinh viên năm cuối tối lên đón khách, chạy tới mặt trời lên mới về.

Mỗi khi đi làm, Kiệt đùa rằng như đi phượt gần 2 tiếng lên tới TP Thủ Đức. Tính cả khoảng cách từ Long An lên, trung bình mỗi đêm cậu đi vài trăm cây số là chuyện bình thường nếu đắt khách. "Chạy tối thì em thấy thoải mái, đỡ mệt. Chứ như ban ngày mà đi mấy trăm cây chắc chịu không nổi", Kiệt cười nói.

Tâm sự chuyện nghề, Quân và Kiệt đều trò chuyện vui vẻ. Theo Kiệt, chạy đêm đỡ được nhiều thứ như bụi, kẹt xe, nắng nóng..., nhưng có khi cậu sinh viên này đi tới sáng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng.

"Lâu lâu lỗ tiền xăng hoài. Nhưng cũng ráng chạy lên đây làm, chứ dưới Long An đó thì có khách đâu mà chở", Kiệt cười nói.

Bù những hôm lỗ vốn, vẫn có những đêm Kiệt lại "trúng mánh" gần 500.000 đồng. Từ khi lên TP.HCM học, chàng trai quê đã biết cần kiệm để đóng trọ và trang trải học phí. Khi chạy được nhiều tiền, cậu chỉ trích ra thưởng cho mình ly cà phê, lon bò húc là cùng.

Hỏi Kiệt lý do chọn chạy xe ôm đêm, cậu nói do thích vi vu ngắm cảnh TP.HCM đêm, "chứ phục vụ quán ăn hay làm bảo vệ thì nhàn hơn nhưng lại tù túng khó chịu", Kiệt nói thêm.

Còn Quân tâm sự gặp khách dễ tính thì cuốc xe khuya trở nên nhẹ nhàng, nhưng nếu gặp khách khó tính, chặng đường như thêm mệt mỏi. Tuy nhiên, đời tài xế luôn lấy sự hài lòng của khách làm niềm vui và nếu mình cư xử không đúng sẽ dễ bị đánh giá trên ứng dụng đặt xe.

Anh cho biết trước đây làm bảo vệ, rồi chuyển sang chạy xe công nghệ ngót nghét hai năm nay. "Cái xe Wave này là tôi để dành hơn 7 triệu đồng rồi mua cách đây bảy năm. Chạy nhiều nên giờ nó hay hư, cái bửng cũng banh ta lông rồi", anh bộc bạch.

Góc đường bên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là nơi nhiều sinh viên tề tựu chạy xe công nghệ đêm khuya - Ảnh: AN VI

Góc đường bên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là nơi nhiều sinh viên tề tựu chạy xe công nghệ đêm khuya - Ảnh: AN VI

"Làm có tiền thì vui thôi mà"

Tạm biệt Quân và Kiệt, chúng tôi chạy xe lên hướng quận 1. Đã gần 4h sáng, bên rìa công viên hoặc những tòa nhà lớn, một số tài xế đang dừng nghỉ hoặc chờ rước khách. Những tài xế đang chạy trên đường thì khoác lên mình vẻ vội vã giữa cái lạnh se se.

Chúng tôi thấy có nhiều xe ôm lúc này không chở khách mà thồ hàng hóa phía sau. Hầu hết họ đều thức dậy rất sớm, từ lúc mới 1h-2h sáng, để đi giao đồ cho các quán ăn hoặc những người buôn bán sớm.

Khi thấy chúng tôi chạy song song hỏi chuyện, một tài xế chừng 30 tuổi đang chở cả bao to rau quả, thịt cá phía sau lẫn treo hai bên cổ xe vui vẻ dừng xe lại "cho mười phút nói chuyện để tui còn đi giao hàng nghe".

Anh tự giới thiệu mình Trần Văn Đạt (nhà tận xã Hòa Khánh, huyện Đức Hòa, Long An), đã lên Bình Chánh ở trọ mấy năm.

"Tui chạy xe máy giao đồ nấu cho các quán ăn. Có quán nhận đồ buổi tối, nhưng có quán chỉ nhận lúc 3h-4h sáng để hàng chợ đầu mối vừa về tươi ngon, nên mình phải dậy thật sớm để đi giao hàng cho họ.

Mà dù họ nhận tầm nào thì mình cũng phải dậy trước ít nhất 1-2 giờ để còn kịp chạy nhận đồ rồi giao cho họ nữa chứ, làm có tiền thì vui thôi mà", Đạt gãi đầu kể.

Nghe hỏi chuyện, anh lại gãi đầu, cười trả lời: "Bình minh với tui hả? Là lúc 2h sáng đó, chạy giao hàng mấy vòng vẫn kịp về đưa con vào mẫu giáo và chở vợ đi làm nhà máy ngon lành cành đào...".

Đạt kể thêm trước khi vợ lên nhà máy PouYuen (quận Bình Tân) làm công nhân, anh còn đón bình minh từ lúc... 1h sáng, tức phóng xe máy từ nhà ở huyện Đức Hòa (Long An) lên chạy giao hàng tại TP.HCM. Từ lúc vợ xin được việc ở thành phố, anh mới lên đây trọ hẳn và ngủ thêm được một tiếng nữa mỗi đêm.

Chưa dứt lời, chàng trai miền Tây cười rổn rảng phóng vội xe đi. Đồng hồ lúc này mới chỉ 4h30, trên đường phố đã lác đác xuất hiện người đi tập thể dục sớm với những tiếng cười nói vui nhộn...

Để những chuyến xe đêm an toàn

Anh em tài xế xe công nghệ có những quy tắc chạy đêm đảm bảo an toàn. Thường họ sẽ hạn chế đến khu vực vắng vẻ, ngoài tầm điều hướng của ứng dụng đặt xe. Các điểm đen được cánh tài xế chia sẻ với nhau để phòng tránh.

Việc khách chèo kéo đi thêm so với khoảng cách ban đầu cũng bị từ chối, vì dễ bị dàn cảnh cướp xe.

Những khách đặt xe nơi khuất người, cầm sẵn mũ bảo hiểm và bắt chờ lâu cũng là những đối tượng được cánh tài xế đề phòng. Khi mệt, các tài xế thường tìm những khu tập trung nhiều người đang đợi khách để nằm nghỉ, tạo thành những "bến xe công nghệ" giữa đêm TP.HCM lung linh, và tránh việc đậu xe ở những nơi vắng vì dễ gặp rủi ro.

-------------------

3h sáng, sau giấc ngủ ngắn gần một cây xăng trên đường Trần Quang Diệu, ông Dũng "còi" lại lụi cụi đẩy chiếc xe ba bánh đi nhặt ve chai.

Kỳ tới: Ngày mới lúc 3h sáng của ông Dũng “còi”

Mưu sinh trong đêm lạnh Sài GònMưu sinh trong đêm lạnh Sài Gòn

TTO - Sài Gòn đang mùa lạnh nhất năm. Nửa đêm về sáng, nhiều người dân vẫn trân mình chịu lạnh tiếp nối cuộc mưu sinh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên