06/08/2017 20:12 GMT+7

Sài Gòn có Bolero và... Đàm Vĩnh Hưng

QUỲNH NGUYỄN - Ảnh: LVPH
QUỲNH NGUYỄN - Ảnh: LVPH

TTO - Kể từ bản Bolero đầu tiên Nắng chiều (1952 - Lê Trọng Nguyễn), điệu nhạc du dương, có phần ướt át và ủy mị ấy đã trở thành một phần của Sài Gòn.

Đàm Vĩnh Hưng trong sô Sài Gòn, Bolero và Hưng.
Đàm Vĩnh Hưng trong sô Sài Gòn, Bolero và Hưng.

 Sau gần 70 năm, nhắc đến Bolero là nhắc đến Sài Gòn. Và từ tối 5-8-2017, Đàm Vĩnh Hưng cũng là một phần không thể tách rời của điệu nhạc ấy. 

Thời này, ca sĩ Việt làm liveshow là chuyện hiếm.

Cũng dễ hiểu thôi vì khi âm nhạc đang ở giai đoạn bão hòa, kinh tế khó khăn, nội chuyện ra album vật lý vốn đã là điều không tưởng, huống chi là tổ chức liveshow.

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, số lượng liveshow được đầu tư chỉn chu cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, và đều thuộc về những ca sĩ "hạng thương gia” như: Thu Minh, Hồ Ngọc Hà, Quang Dũng...

Số còn lại, thường là minishow với lượng khách mời, nhiều cũng chỉ vài trăm.

Cuộc chơi “bạc tỷ”

Vậy nên, có thể coi Sài Gòn, Bolero và Hưng rõ ràng là nước đi mạo hiểm.

Dẫu có nhà tài trợ, bán hết vé cũng khó có thể thu hồi vốn, chứ đừng mong có lời về mặt kinh tế.

Với kinh phí đầu tư 10 tỉ đồng (như Đàm Vĩnh Hưng đã chia sẻ) cho hai đêm diễn, vào tối 5-8 tại Nhà hát Hòa Bình (TPHCM) và 26-8 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội) cho thấy, có lẽ chỉ có Mr Đàm mới dám chơi sang và chơi lớn đến vậy.

Những tràn pháo tay trước và sau mỗi tiết mục hay những giây phút cả khán phòng chìm vào trong im lặng vì xúc động đã chứng minh cho khả năng “chinh phục” và làm chủ dòng nhạc Bolero của giọng ca gốc Quảng Nam trước số đông khán giả có mặt tại Nhà hát Hòa Bình vào tối 5-8 của Đàm Vĩnh Hưng.

“Kể từ sau năm 1975, Bolero chưa bao giờ nổi lên rầm rộ như hiện nay. Dù đi đến đâu thì bạn đều có thể dễ dàng nghe thấy mọi người nhắc đến Bolero.

Đây chính là lý do Đàm Vĩnh Hưng quyết định mang Bolero trở lại trong không gian đúng chất Sài Gòn xưa của những năm 1960” có lẽ là cái cớ hoàn hảo nhất" - Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ cái cớ thực hiện sô diễn lần này.

Và, để hiện thực hóa cái cớ ấy, là một kế hoạch đã được theo đuổi từ đầu năm 2017 đến nay, từ việc lên ý tưởng thực hiện, xin cấp phép ca khúc, dàn dựng tiết mục, chuẩn bị đạo cụ...

Ba tiếng thăng hoa của người nghệ sĩ trên sân khấu thôi mà có gần 300 con người cùng hợp sức thực hiện suốt sáu tháng ròng! 

Đạo diễn Trần Vi Mỹ - "nhạc trưởng"của liveshow - đã tiêu dến 3 tỉ đồng cho một sân khấu "đủ sâu, đủ hoành tráng và đủ đẹp".

Toàn bộ khung cảnh Sài Gòn những năm 1960 được tái hiện một cách chân thực nhất mà không dùng bất cứ kỹ thuật trình chiếu hiện đại nào.

Khán giả có cảm giác như lạc vào miền ký ức xa xưa khi ngắm nhìn những công trình kiến trúc phong cách Pháp, những tiệm may áo dài, khách sạn nhà hàng, những xe hủ tiếu, tiệm bánh mỳ... xuất hiện trên con phố huyên náo.

Thương xá Tax - công trình chỉ còn trong Sài Gòn hoài niệm cũng được tái hiện sống động. Cùng với rạp Cao Đồng Hưng, đây là 2 mô hình lớn nhất và kỳ công nhất (ngang 13,4m, rộng 7,6m và cao 6,2m).

Ngay cả những vật dụng nhỏ nhất: gánh xôi, chiếc ghế gỗ, hộp đũa... trên sân khấu hay bối cảnh tiệp may, hàng quán dàn dựng theo phong cách xưa ở sảnh trước nhà hát Hòa Bình đều được tuyển chọn kỹ càng để có thể mang đến độ chân thật cho khán giả.

Những tô mì, chiếc bánh tiêu, con mực nướng, kem bông... tất cả đều thật 100% đã mang đến một cảm giác thân thương chi lạ cho khán giả đến xem.  

Thương xá Tax được tái hiện trên sân khấu Sài Gòn, Bolero và Hưng vào tối 5-8.
Thương xá Tax được tái hiện trên sân khấu Sài Gòn, Bolero và Hưng vào tối 5-8.

Giao hòa cũ và mới

Bolero, đúng như tên gọi của điệu nhạc ấy là những thủ thỉ, tâm tình.

Vậy nên, trong Sài Gòn, Bolero và Hưng, nhiều câu chuyện bằng âm nhạc đã được tái hiện theo từng chương chủ đề khác nhau, vẫn hoài niệm nhưng đầy tươi mới.

Và cả những sự phá cách mà có lẽ chỉ Mr Đàm mới dám thực hiện (dù có thể không “lấy lòng” được tất cả mọi người nhưng luôn làm vui lòng khán giả trung thành của anh).

Liveshow được kết cấu với 5 chương với hàng loạt những bản đơn ca hay mash-up của Mr. Đàm và các khách mời chỉ có riêng trong đêm nhạc bolero của anh.

Và chọn những bản mash-up là cách Đàm Vĩnh Hưng kết hợp cách “chơi nhạc” của thế hệ mới với các bản bolero nổi tiếng từ nhiều thập kỷ trước.

Phố cổ là nơi dẫn dụ khán giả về Sài Gòn xưa nơi đầy ắp kỷ niệm, đặc biệt của cái thuở mộng mơ. Thương xá Tax tái hiện một Sài Gòn hoa lệ của những đêm không ngủ.

Rạp hát là những tự sự mê luyến. Sân ga nơi chứng kiến cuộc tình dang dở. Và cuối cùng là Đèn sân khấu khi sự giao thoa thế hệ được lột tả đầy xúc động để rồi kết lại bằng khúc hoan ca 60 năm cuộc đời.

Đàm Vĩnh Hưng cùng các khách mời: Hương Lan, Lệ Quyên, Quang Lê, Dương Triệu Vũ, Hoài Lâm, Thu Hằng đã kể những câu chuyện bằng bolero theo cách của riêng mình và dẫn dụ khán giả vào thế giới của xúc cảm.

Ở đó, người ta dễ dàng bắt nhịp với những bài hát rất quen: Lâu đài tình ái, Xóm đêm, Vùng lá me bay, Về đâu mái tóc người thương, Con đường xưa em đi, Thành phố buồn, Qua cơn mê...

Có một câu hỏi đặt ra, những ca khúc có tuổi đời mấy mươi năm ấy liệu có khiến khán giả nhàm chán?

Một Đàm Vĩnh Hưng đôi khi, với lỗi diễn xuất và giọng hát có phần cường điệu ấy có khiến khán giả nhàm chán? Với, Sài Gòn, Bolero và Hưng, câu trả lời sẽ dành cho riêng mỗi người.

Sài Gòn - TP.HCM đang trong những ngày mưa.

Nhưng phía trong khán phòng hơn 2.000 khán giả của nhà hát Hòa Bình vẫn kín chỗ, tất cả đã cùng chung một nhịp đập.

Họ, có thể là người gốc Sài Gòn, những người đang sống ở Sài Gòn - TP.HCM hay chỉ đơn giản nơi đây chỉ là điểm dừng chân trong hành trình cuộc đời.

Nhưng, tựu chung lại, họ đến để nghe người nghệ sĩ kể cho mình nghe về một nét văn hóa đặc trưng nơi này.

“Sài Gòn cái gì cũng có nhưng Bolero là hay nhứt!” như cách Đàm Vĩnh Hưng dẫn dụ người xem đến với mình.  

Một số hình ảnh đẹp trong liveshow Sài Gòn, Bolero và Hưng:

40 ca khúc trong chương trình được các nghệ sĩ hát cùng ban nhạc sống. 
Đàm Vĩnh Hưng và Hoài Lâm
Đàm Vĩnh Hưng và Quang Lê
Lệ Quyên
Ca sĩ Hương Lan
Ca sĩ Hương Lan
Đàm Vĩnh Hưng hạnh phúc trong những tết mục cuối sô.
Đàm Vĩnh Hưng và các diễn viên trong một tiết mục của phần đầu sô.
Thu Hằng (phải, trên lầu) trong tiết mục mở màn. 
Xe mì xưa ở một góc phố trên sân khấu
Ca sĩ Thanh Thảo và một khán giả tại góc tiệm may xưa trước sảnh nhà hát Hòa Bình.
Ca sĩ Thanh Thảo và một khán giả tại góc tiệm may xưa trước sảnh nhà hát Hòa Bình - Ảnh: FB Thanh Thảo.
QUỲNH NGUYỄN - Ảnh: LVPH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên