Ảnh: LÊ ĐỨC TRUNG
Sài Gòn chọn nhớ những điều thương chép lại bằng lời và hình ảnh từ những nhà thơ, nhà văn, nhà báo, công chức, doanh nhân, nhà khoa học, vận động viên, y bác sĩ, tình nguyện viên, nhiếp ảnh gia... trong không gian "bàng hoàng và rợn ngợp" của đại dịch COVID-19, với thời gian "dường như cũng vuột khỏi tay người" và một ký ức "không thể nào phai mờ"!
Bộ ảnh chụp "cắt lớp" những ngày đã qua
Có những trang thơ. Có dòng nhật ký. Có chuyện hệt như truyện. Có chữ dùng để chơi chữ. Có nghĩ suy từ công thức toán. Có triết lý chảy ra trên đường chạy. Có tâm sự bật ra thành lời trong đêm. Có chuyện phiếm chép lại tiếng cười dân gian. Có sẻ chia kết nối người với người xuyên biên giới.
Và cả những âu lo, sợ hãi, ngổn ngang, trăn trở dồn chặt, chực tung trong lòng người... Chuỗi lát cắt của những gì thấy được, nghe được, chạm được và cảm được từ một phòng cấp cứu, một khu cách ly, một căn nhà trọ, một con hẻm cụt, một ô cửa sổ tầng cao... hay từ bàn phím khi ta đối diện với chính mình, tất cả đã nối lại thành mạch, thành nguồn để chụp "cắt lớp" một trận cuồng phong đã tràn qua thành phố này trong một cuộc chiến không tiếng súng "mà con người phải chiến đấu, trong tận cùng mất mát, tận cùng yêu thương"!
Để lại cho người những ám ảnh khôn nguôi - tiếng thở khó, tiếng xe cứu thương, khẩu trang thành vật liền thân, ngôi nhà sau sợi dây giăng, đường sá không còn bóng người, ánh nhìn kiệt sức trong bộ đồ bảo hộ...
Và những câu chuyện đời trong nghịch cảnh - cảm giác bất lực trước tử sinh, ranh giới nghiệt ngã của sự kỳ thị, cuộc ra đi không kịp lời chia tay, cái khó cái đau cái dằn vặt của người báo tử, nỗi ân hận về những hàn gắn không còn cơ hội thực hiện...
Và cách chúng ta cùng nhau...
Quá khứ không thể thay đổi nhưng người ta có thể lựa chọn cách nhớ về! Và đây là một cách lựa chọn rất... Sài Gòn: "Không thể quên những điều buồn, nhưng mà tôi chọn nhớ những điều thương".
Không đau buồn, không ai oán, không thở than, cả tập sách là góc nhìn lạc quan của buông bỏ muộn phiền, nuôi dưỡng hy vọng và mời gọi cùng nhau vượt lên tất cả.
Chính từ tâm bão, con người nhận ra những điều diệu kỳ trong cái bình thường nhất: bữa cơm hàng xóm nấu treo trước cửa phòng trọ một F0; chuyến xe mang bình oxy cấp cứu chạy băng với tốc độ của gió; những dòng tin nhắn thay nhau báo tin, mách nước, nguyện cầu và động viên; những group Zalo, Facebook gia đình, nhóm bạn, cộng đồng nhanh chóng ra đời hỗ trợ nhau về thông tin và tinh thần...
Đồng thời hiện thực ấy cũng gọi ra trong ta những bài học trong dông bão, cho ta nhận rõ giá trị của "bây giờ, hiện tại, lúc này, chúng ta có chúng ta", nhận thấy "sức mạnh từ một loại kháng thể vô hình - kháng thể yêu thương". Xem ra, chính "sự tử tế và tình yêu thương đã cứu lấy Sài Gòn"!
Là cuộc lắng nghe từ nội tâm của những ngôi thứ nhất mang tên "chúng ta" không phải cho một ai...
Là cuộc gọi tên trong sâu thẳm của những dấn bước giữ gìn từng hơi thở mang tên "sự sống" không chỉ cho riêng mình... Là cuộc nhận diện nơi đáy tim mang tên "yêu thương" của hết thảy mọi người, khi sức mạnh lan tỏa trở thành năng lượng vượt qua bão dữ...
Sáng 11-1, ông Nguyễn Thành Nam - tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ - đã trao 20 triệu đồng ban đầu từ lợi nhuận phát hành tản văn Phía Tây thành phố của bác sĩ Lê Minh Khôi và tản văn Sài Gòn chọn nhớ những điều thương của nhiều tác giả, góp vào Quỹ phòng chống COVID-19 thông qua báo Tuổi Trẻ.
Các tác giả, nhiếp ảnh gia trong Sài Gòn chọn nhớ những điều thương cũng chỉ nhận mức nhuận bút tượng trưng để đồng hành với Nhà xuất bản Trẻ, trong đó nhiều người dành trọn nhuận bút của mình để góp quỹ.
Ông Nguyễn Thành Nam cho biết toàn bộ lợi nhuận từ 2 quyển sách này sẽ ủng hộ cho Quỹ phòng chống COVID-19 thông qua báo Tuổi Trẻ.
H.PHƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận