Chính những cư dân từ phương xa đến đã thốt lên rằng: “Ở Sài Gòn, hết tiền cũng không lo bị đói”. Điều này đúng, nhưng có lẽ sẽ thực tế hơn khi biết rõ vì sao như thế và không bị đói nhờ ở lẽ gì.
Khi hết tiền, cần biết…
Phóng to |
Quán cơm chay Thiện Tâm phục vụ miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn |
Ông Hai năm nay 73 tuổi, quê ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Thời gian biểu một ngày của ông như sau: Sáng, từ nhà trọ của con gái út ở quận Phú Nhuận đạp xe lang thang, ghé công viên, bờ kè, chùa… nói chung là những chỗ có bóng mát, có lúc tạt vào nhà một người quen nào đó uống trà. Đến chừng 11 giờ trưa ngày chẵn (thứ Hai, Tư, Sáu) thì ghé đến quán cơm 2000 ở cư xá Lữ Gia (quận 11) để ăn bữa duy nhất trong ngày. Nếu là ngày lẻ (thứ Ba, Năm, Bảy), ông sẽ ghé vào quán cơm chay miễn phí Thiện Tâm bên bờ kè Nhiêu Lộc, gần cầu Lê Văn Sỹ. Riêng ngày Chủ nhật, ông phải đi xa hơn một chút, qua chùa Diệu Pháp ở quận Bình Thạnh.
Chúng tôi gặp ông Hai ở quán Thiện Tâm vào một buổi trưa Sài Gòn nắng gắt. sau khi ông đã dùng xong bữa trưa miễn phí với đậu hũ kho, canh rau… Ông Hai vui vẻ chuyện trò: “Già rồi, mỗi ngày ăn một bữa vậy là đủ. Ở đây là miễn phí, còn bên quán cơm 2000 thì thỉnh thoảng mấy người quen cho vài ngàn đồng để dành nên cũng có tiền trả cho bữa ăn (2.000 đồng một bữa). Đi ăn cơm từ thiện vậy vừa không tốn tiền, lại vừa có lợi cho sức khỏe”.
Cái gọi là lợi cho sức khỏe mà ông nói chính là chuyện đạp xe suốt ngày, coi như… tập thể dục! Vợ chết, bốn đứa con đã dựng vợ gả chồng, tất cả đều lam lũ kiếm ăn và thuê nhà ở Sài Gòn, nhưng ông Hai không thể nương nhờ vào đứa con nào. Chỗ ông đang ngủ qua đêm cũng là căn phòng trọ bé xíu của vợ chồng con gái út, đứa con tạm gọi là có hiếu nhất. “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày” như trường hợp ông Hai thì thời nào cũng có và nơi đâu cũng có, nhưng đó là câu chuyện khác…
Những người già không được ai nuôi và không tự nuôi nổi mình như ông Hai, may thay vẫn còn sống được nhờ những bữa ăn từ thiện. Có thể chỉ ra ngay những địa chỉ cần biết ở Sài Gòn cho một bữa ăn trưa khi đang gặp khó khăn: quán cơm chay miễn phí Thiện Tâm trên đường Hoàng Sa, gần cầu Lê Văn Sỹ (mở cửa các ngày thứ Ba, Năm, Bảy) từ 10-12 giờ với khoảng 400 suất ăn, quán cơm 2000 ở đường số 3, cư xá Lữ Gia, quận 11 (mở cửa thứ Hai, Tư, Sáu).
Quán cơm 2000 ở 14/1 đường Ngô Quyền, quận 10 (mở cửa thứ Ba, Năm, Bảy) mở cửa từ 11-13 giờ với khoảng 200-300 suất ăn mỗi ngày. Rồi quán Vợ Thằng Đậu của cố nghệ sĩ Lê Vũ Cầu ở 40 Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức mở cửa hằng ngày với vài trăm suất cơm chay. Riêng bếp ăn từ thiện Bảo Hòa, 220 Đinh Tiên Hoàng, quận 1 chuyên cung cấp khoảng gần 1.000 suất ăn miễn phí từ lúc bảy giờ sáng hằng ngày cho bệnh nhân ở các bệnh viện Ung Bướu, Chợ Rẫy, Gia Định… và hầu hết các chùa trên địa bàn thành phố đều sẵn lòng phục vụ bữa ăn cho người lỡ đường.
Phóng to |
Nhóm tình nguyện của dì Hai Vĩnh Long ở bếp ăn Bảo Hòa đang chuẩn bị bữa cơm trưa |
Nói chung, chỉ có hai khác biệt dễ nhận thấy ở các bữa ăn từ thiện trong thành phố. Thứ nhất, hầu hết những bữa cơm tại các địa chỉ nói ở trên đều hoàn toàn miễn phí, chỉ có hai quán cơm 2000 ở cư xá Lữ Gia và đường Ngô Quyền là thu tượng trưng 2.000 đồng cho mỗi suất ăn. Thứ hai, trong khi tất cả các quán cơm từ thiện khác không phân biệt đối tượng, chỉ quy định chung là người gặp khó khăn và… sinh viên nghèo thì bếp ăn Bảo Hòa lại phát phiếu ăn hằng tháng cho các bệnh nhân sau khi họ đã đưa ra những giấy tờ cần thiết như hồ sơ bệnh án, giấy tờ tùy thân…
Đi một vòng quanh những địa chỉ cung cấp bữa ăn từ thiện, dễ thấy trong số những người đến ăn, ngoài người già có hoàn cảnh như ông Hai, còn có các em bé bán vé số, đánh giày, những người chạy xe xích lô, bệnh nhân ở tỉnh lên thành phố chữa trị, các sinh viên nghèo, những kẻ lỡ đường… Đó là người được nhận bữa ăn, còn những người làm ra bữa ăn từ thiện đó là ai?
Lòng tốt kiểu Sài Gòn
Anh Phúc, một trong những người đang điều hành bếp ăn Bảo Hòa là một dân nhập cư gốc Bắc. Hằng ngày, anh tất bật với cả một núi công việc, từ khâu tổ chức nấu ăn, vào hộp, vận chuyển đến các bệnh viện để phân phát cho bệnh nhân, chuẩn bị cho ngày tiếp theo và cả tiếp nhận quà hỗ trợ từ những người hảo tâm đóng góp. Khi chúng tôi đến, anh đang viết “Giấy cảm tạ” để gửi cho một tiểu thương chợ Bà Chiểu đã tặng bốn bao gạo loại 25kg.
Rất bận bịu, nhưng anh vấn cười tươi: “Mệt, nhưng vui!”. Khi chúng tôi chưa kịp hỏi vui thế nào thì ngoài đường có một thanh niên dừng xe lại, thả xuống một bao gạo, mỉm cười và đi luôn! Anh Phúc nhún vai, cười nhẹ, lật sổ ghi vào: “Một bao gạo 25kg - Người cho: Vô danh”. Chúng tôi không hỏi tiếp nữa, bởi vừa được chứng kiến niềm vui của người đang điều hành bếp ăn từ thiện lớn nhất thành phố này.
“Tất cả rau, củ phục vụ cho bếp ăn đều là của chị em tiểu thương các chợ trong thành phố mang cho, mà nhiều nhất là chợ đầu mối Bình Điền. Còn gạo thì nhiều lắm, kiểu như anh thanh niên thả bao gạo lúc nãy thì ngày nào cũng có” - anh Phúc vui vẻ nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thoạt tiên những người sáng lập ra các bữa cơm từ thiện như cô Thủy ở bếp ăn Bảo Hòa, nghệ sĩ Lê Vũ Cầu ở quán Vợ Thằng Đậu, ông Thương ở quán Thiện Tâm, chủ nhân các quán cơm 2000 ở đường Ngô Quyền và cư xá Lữ Gia… đều muốn làm điều hảo tâm với những gì họ có. Theo thời gian, lòng nhân ái của họ đã tác động đến cộng đồng cư dân Sài Gòn và thế là các bếp ăn từ thiện phát triển được như hiện nay.
Phóng to |
Ông Thương, người sáng lập ra quán cơm Thiện Tâm đang trao tay dĩa cơm ân tình đến mọi người |
Ông Thương, người sáng lập ra quán cơm Thiện Tâm cho biết, quán cơm tồn tại và phát triển được như ngày hôm nay là nhờ vào một doanh nhân có cổ phần ở Ngân hàng Phương Nam, vị Mạnh Thường Quân này khá kín tiếng và cứ đến giờ phát cơm từ thiện lại có mặt để… lặng lẽ nhìn mọi người. Quán Vợ Thằng Đậu làm từ thiện chủ yếu dựa vào lợi nhuận có được từ sự ủng hộ của khách đến nhậu món gà vườn. Các quán cơm 2.000 làm từ thiện bằng chính tiền túi của những người đang điều hành quán và một số ít từ tiền ủng hộ không thường xuyên của các Mạnh Thường Quân. Riêng bếp ăn Bảo Hòa là có cách làm bài bản nhất và cũng là nơi nhận được nhiều sự đóng góp nhất.
Chúng tôi gặp ông Sáu, người điều hành hoạt động của bếp ăn Bảo Hòa tại buổi phát cơm cho bệnh nhân Bệnh viện Ung Bướu lúc bảy giờ sáng. Dù tất bật với việc giữ ổn định cho việc xếp hàng nhận cơm của các bệnh nhân, ông Sáu vẫn cười tươi: “Mọi hôm không chen lấn như thế này đâu, tại hôm nay ngoài phần cơm ra còn có thêm phần quà gồm năm gói mì cho mỗi người của một doanh nghiệp tặng”.
Theo lời ông Sáu thì ngoài các doanh nghiệp tài trợ thường xuyên như Công ty cân Nhơn Hòa, Công ty Nguyên Đạt (đường Trịnh Văn Tấn, quận 1), Công ty Văn Hóa Văn Lang (đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận)… thì còn có nhiều doanh nghiệp, cá nhân khác cũng thỉnh thoảng đóng góp tiền và gạo. Riêng khoản rau, củ… thực phẩm chủ yếu của bữa ăn từ thiện thì trông nhờ vào tiểu thương các chợ, mà nhiều nhất là chợ đầu mối Bình Điền.
Nếu thiếu thì sao? Khi nghe chúng tôi thắc mắc như thế, ông Sáu mỉm cười: “Ở bếp ăn Bảo Hòa, gạo không thiếu, rau củ thì chỉ đủ khoảng 50%, số còn lại phải ra chợ mua. Tuy nhiên, với khoảng 100 triệu đồng tiền dành cho các suất ăn mỗi tháng, so ra lại… ít hơn số tiền mà bếp ăn tặng cho các bệnh nhân nghèo để họ có tiền mua thuốc, tiền xe tàu về quê!”.
Cũng với thắc mắc “nếu thiếu thì sao?”, ông Thương, chủ quán cơm Thiện Tâm vui vẻ: “Thiếu hoài chứ gì! Có hôm 400 suất ăn mà vẫn không đủ, phải chạy đi mua thêm. Cũng có hôm còn hơn chục người đến muộn mà hết cơm, ông Thương bèn dẫn họ… đi ăn phở!”. Hôm chúng tôi đến quán Thiện Tâm, có một người đàn ông thường xuyên đến ăn cơm từ thiện và đã được ông Thương cho một chiếc xe đạp để mưu sinh nay quay lại tặng ông Thương một bó hoa, nói lời biết ơn và… xin tiền mua một cái lốp xe mới. Chẳng nói chẳng rằng, chủ quán cơm Thiện Tâm móc túi lấy ra 100 ngàn đồng! Đúng là lòng tốt kiểu… Sài Gòn.
Có khi nào lòng tốt ấy bị lợi dụng không? Chẳng hạn nếu lực lượng ăn xin hùng hậu lên tới hàng vài chục ngàn người cùng đổ về một quán cơm từ thiện thì sao? Theo quan sát của chúng tôi, cũng có những người ăn xin đến ăn ở những quán cơm từ thiện nhưng không nhiều, thậm chí còn ít hơn những người bán vé số. Tìm hiểu mới biết, ăn xin ở Sài Gòn bây giờ đa số do “chăn dắt”, không phải muốn đi xin ở đâu cũng được, số “làm ăn riêng lẻ” thì không thể cứ đi xin gần quán ăn để canh giờ đến ăn, nếu đang ở xa thì thà rằng mua cơm ăn còn “kinh tế” hơn.
Những bữa ăn miễn phí chính là hình ảnh đẹp nhất thể hiện lòng tốt của người Sài Gòn. Lòng tốt ấy người phương xa có thể cảm nhận được ngay từ lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này. Không lạ chút nào khi câu nói “Đường đi ở ngay miệng mình” xuất phát từ chính ở Sài Gòn. Bất cứ nơi đâu trong thành phố và gặp bất kỳ ai, bạn cũng dễ dàng nhận được câu trả lời kỹ càng và nhiệt tình cho câu hỏi về đường đi đến nơi nào đó. Chú xe ôm, bà bán tạp hóa, anh cảnh sát, chị công chức hay cô gái đang đi trên đường đều vô tư chỉ dẫn cho bạn, kể cả khi bạn hỏi trống không: “Nè, về ngã tư Phú Nhuận đi đường nào?”.
Không chỉ có ăn miễn phí, ngay tại cửa một nhà thờ trên đường Lê Văn Sỹ, lúc nào cũng có một thùng trà đá miễn phí cho người đi đường. Lại nói chuyện chỉ đường, nếu có dịp đi qua ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Cao Thắng, chúng ta sẽ thấy một tấm bảng chỉ đường đặt ngay góc ngã tư của chủ nhân một sạp bán áo mưa phủ xe hơi: “Bệnh viện Từ Dũ, bà con hãy nhìn phía đối diện bên trái”, kèm theo đó là một mũi tên chỉ hướng cẩn thận và cuối cùng là: “Xin… cảm ơn bà con!”. Thế đấy, một kiểu lòng tốt của người Sài Gòn được thể hiện rất độc đáo và lịch sự!
Tản mạn cho và nhận
Phóng to |
Phát cơm cho bệnh nhân của Bệnh viện Ung Bướu |
Cô gái tên Di, nhà ở quận 1, năm nay 16 tuổi, đang học lớp 11 tại một trường quốc tế ở Singapore. Cuối năm, Di về Việt Nam vì có kỳ nghỉ giữa năm dài một tháng rưỡi. Hằng ngày, Di đến bếp ăn Bảo Hòa phụ giúp việc chuẩn bị các bữa ăn. Trả lời cho thắc mắc của chúng tôi về chuyện tại sao không tận dụng thời gian nghỉ ngắn ngủi để đi chơi đây đó mà lại đến đây gọt củ cải, cô gái chỉ cười: “Em thích dzậy!”.
“Thích” không phải là lý do, mà những người đang cùng ngồi gọt củ cải cùng cô bé ấy ở cơ sở Bảo Hòa là những người làm từ thiện… chuyên nghiệp! Nhóm của dì Hai (gồm những người cùng quê ở Vĩnh Long) là một trong 13 nhóm tình nguyện của bếp ăn Bảo Hòa. Mỗi năm dì lên Sài Gòn một tháng làm nhiệm vụ chuẩn bị bữa ăn từ thiện tại đây. “Ở nhà đang sạ lúa và dọn rẫy, nhưng tới phiên nhóm mình thì phải giao việc lại cho mấy cha con để lên đây thôi” - dì cho biết.
Cái sự cho và nhận thì phải những người trong cuộc mới thấy hết ý nghĩa. Những lời có cánh thường được nghe trên tivi hay đọc trên các bài báo về các Mạnh Thường Quân có vẻ như rất xa lạ đối với những người như em Di, dì Hai, chú Tám, anh Phúc hay anh thanh niên thả bao gạo xuống rồi mỉm cười đi ngay. Họ đang làm những việc đầy ý nghĩa với suy nghĩ rất đơn giản là giúp một tay cho những người đang gặp khốn khó. Chỉ một điều chắc chắn là tất cả đều rất vui, rất hạnh phúc với những việc mình đang làm.
Đó là tâm tư của những người cho, còn kẻ nhận thì sao? Lần chúng tôi ghé quán cơm 2000 ở cư xá Lữ Gia, có một nhóm sinh viên đang ngồi ăn trưa ở quán cơm đối diện quán 2000. Minh, một sinh viên đại học Bách khoa, quê ở Bình Thuận tâm sự: “Ăn bên này trả bảy ngàn đồng cho một đĩa cơm, bên kia chỉ tốn có hai ngàn đồng. Tụi em chọn bên này vì gia đình cũng không đến nỗi, lại có tiền nhờ đi dạy kèm, còn để dành phần ăn bên kia cho mấy bạn sinh viên năm đầu, nhà nghèo, vì số suất ăn hai ngàn đồng có hạn. Coi vậy chứ mấy bạn đó cũng băn khoăn lắm khi buộc phải vào ăn cơm từ thiện, cực chẳng đã thôi anh à”.
Nhận bao giờ cũng khó khăn hơn là cho, kể cả khi được nhận ở nơi hào phóng như ở miền đất hứa này. Điển hình như ông Hai, dù đã có “thâm niên” hai năm đi ăn cơm từ thiện, ông vẫn ước ao có ít vốn liếng để lấy vé số đi bán hầu tự nuôi sống tuổi già của mình. Chúng tôi đã vào vai một người lỡ đường đi ăn cơm từ thiện và cảm nhận được tâm thế của kẻ nhận. Còn vui buồn của người cho? Khi tạm biệt ông Hai, tôi móc túi tặng ông mười ngàn đồng. Ông Hai nhìn chúng tôi biết ơn, giọng cảm động: “Chừng này là tui đủ trả năm ngày ăn cơm rồi đó!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận