Ảnh: L.ĐIỀN
Dù vậy, hình ảnh đôi chim bị trói chân treo ngược đầu mang lại một cảm giác day dứt khó diễn tả. Cảm giác ấy cộng với cái nhan đề kia bắt đầu mang lại cho người đọc một cảm giác về môi trường sống của chúng ta hôm nay.
Nhưng thật ra Trần Đình Thọ không chủ ý nói về môi trường, mặc dù nội dung này như mạch ngầm xuyên suốt nhiều trang viết. Điều tha thiết trong anh - một tác giả có nhiều năm gắn bó với nghề báo, đặc biệt là các trang viết dành cho thiếu nhi - chính là cảm xúc thế hệ.
Theo dõi từng mảng nội dung trong Nước mắt chim trời, người đọc dần nhận ra có lẽ đến một độ tuổi nào đó, người ta bắt đầu hướng mối quan tâm đến các thế hệ từ trang lứa mình đến những "đàn em thân yêu". Điều này ẩn chứa một thái độ sống tích cực, ít ra là trong cách hình dung cuộc sống là tiếp nối những thế hệ trong hành trình hướng thượng và hướng thiện.
Trần Đình Thọ chắc chắn nhận được nhiều đồng cảm và sẻ chia trên hành trình ấy. Bởi những dòng tâm sự của anh toát ra một thái độ sống từ tốn, tự tin nhưng rất tích cực trong cách nhìn nhận và ứng xử.
Chẳng hạn như qua lối đề cập có khi dành riêng một bài viết, có khi chỉ là vài dòng nhắc thoáng qua, người đọc sẽ nhận ra tình cảm của tác giả dành cho Sài Gòn. Sài Gòn ẩn khuất đâu đó những bác thợ sửa xe bao dung tốt bụng đến mức mỗi khi vá xe lại nhiệt tình thăm khám, vặn siết cả các chi tiết khác với tâm niệm để an toàn hơn dù người khách không kịp yêu cầu...
Nhưng kỷ niệm chỉ là liều thuốc dẫn để người đọc đến với những tâm sự về các thế hệ trên quê hương chúng ta nghĩ và sống như thế nào.
Tại sao trẻ con vùng sông nước hôm nay phải cần phụ huynh gửi lên Sài Gòn để học bơi mới mong có được cái kỹ năng mà ngày xưa trẻ con ai cũng có mặc cho người lớn có chú ý hay không?
Và trong xu hướng khởi nghiệp của giới trẻ bây giờ là rời quê nhà ra phố thị, tác giả tự nhận mình start-up bằng cách quay lại quê nhà ở độ tuổi hơn 40, có điểm gặp nhau nào giữa các thế hệ trong cùng một ý hướng lập thân lập nghiệp như thế không?
Sau tất cả, người đọc thấy dường như anh đã chân thành với chính mình, rằng cảm tình với quê nhà, với nông thôn, với tình người chân chất, với môi trường bình dị... là một phần giá trị không dễ gì tìm kiếm được.
Và ở chiều ngược lại của hiện đại hóa, những giá trị ấy đang bị lãng quên, đang không còn quyến rũ với số đông giới trẻ nữa, liệu có còn ai tự đem mình ra làm chuyến trở về như một cách chọn lựa không cần tuyên xưng?
Chính sự trở về ấy cũng là một thử thách mới: Làm sao để biến những nguyên liệu mang hồn cốt quê hương thành lợi nhuận?
Bởi các thế hệ vẫn nối tiếp nhau đi lên, và người sau học được từ người trước không chỉ là thành tựu mà quan trọng hơn, là cách thức đạt được thành tựu. Với tập tản văn này, Trần Đình Thọ như muốn đặt xuống một viên gạch, để đánh dấu một bước ngoặt mới của riêng anh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận