12/04/2021 20:21 GMT+7

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: 'Có bây đó đồ ăn, không phải tiền nong gì'

NGUYỄN THÙY DƯƠNG
NGUYỄN THÙY DƯƠNG

TTO - Vợ chồng nhỏ từ nơi khác đến. Giữa TP.HCM ồn ào náo nhiệt, vợ chồng nhỏ chọn một căn hộ chung cư dành cho người thu nhập thấp, vừa yên tĩnh lại vừa hợp túi tiền.

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Có bây đó đồ ăn, không phải tiền nong gì - Ảnh 1.

Đường phố TP.HCM trong những ngày cách ly vì dịch COVID-19 - Ảnh QUÂN NAM

Cuộc sống mưu sinh thật không dễ, vợ chồng nhỏ chưa vướng bận con cái nên dốc thật sức làm ăn, bận rộn đến mức về đến nhà cũng đã tối muộn, thế nên ở suốt sáu tháng chưa từng biết mặt nhà hàng xóm.

Người ở đây nói bằng giọng điệu khác, nhiều phương ngữ vợ chồng nhỏ nghe chẳng hiểu gì. Thi thoảng có đụng mặt vài người lạ trong thang máy, vì lạ nên vợ chồng nhỏ cũng chả chào.

Có lẽ họ cũng chẳng biết mình là ai đâu nhỉ, tự nhiên bắt chuyện cũng thấy ngại. Nhỏ cũng yên phận với cuộc sống khép kín của mình, dù sao thì với nhỏ điều đó cũng không quan trọng.

Quyết định gấp gáp, đừng ngại nhe con

Đợt rồi vợ chồng nhỏ đi du lịch ngang qua Đà Nẵng tới Huế, coi như tự thưởng cho những ngày làm việc vất vả.

Không may vừa kết thúc chuyến đi thì nghe tin Đà Nẵng bùng dịch COVID-19, mặc dù không trong diện nghi nhiễm nhưng vợ chồng nhỏ vẫn sợ lỡ đâu đã từng tiếp xúc với ai đó bị bệnh thì sao.

Chính vì thế hai vợ chồng quyết định tự cách ly ở nhà 14 ngày, để an toàn cho mình và những người xung quanh.

Quyết định gấp gáp, nhưng nhỏ tin là đúng đắn. Chỉ có điều hai vợ chồng chưa chuẩn bị cho tình huống này.

Giữa đất Sài Gòn xa lạ chả có ai thân thích, chỉ có hàng xóm lạ lẫm chưa từng quen, biết có ai kỳ thị khi nghe tin vợ chồng nhỏ từng đi ngang qua vùng dịch?

Đánh liều, nhỏ dán tờ giấy trước cửa xin cầu cứu: "Nhà con đi ngang vùng dịch, không phải diện F1, F2, F3 nhưng xin tự cách ly. Kính nhờ cô chú anh chị giúp con mua nhu yếu phẩm hằng ngày. Con xin gửi tiền ạ", kèm theo số điện thoại.

Lúc mới dán xong nhỏ lo lắng lắm. Liệu có ai đi ngang qua căn hộ tận cuối hành lang, rồi liệu có ai dừng lại đọc những dòng chữ kia và liệu đọc rồi họ có bớt chút phiền để giúp vợ chồng nhỏ hay không nữa.

Chờ nửa buổi mà điện thoại vẫn im lìm, cái bụng nhỏ nó sôi cồn cào khiến nhỏ bắt đầu chóng mặt. Chồng lách cách nấu nước sôi đun gói mì cuối cùng, cũng bởi chuyến đi chơi nên nhà không mua đồ dự trữ.

Nhỏ nhìn chiếc que hai vạch trên tay, chen lẫn niềm vui là nỗi lo lắng. Nếu không có cách nào khác thì chồng nhỏ đành phải đánh liều ra ngoài thôi.

Bà con chòm xóm dễ thương hơn là nhỏ tưởng, tới sẩm tối đã nghe thấy í ới trước cửa nhà. Không chỉ một mà tới tận ba người hàng xóm. Họ cãi nhau ồn ã, nhưng là cách nói tếu táo bông đùa, rằng không hẹn gặp mà cùng nhau tới.

Nhỏ mở cửa thấy họ đứng cách xa hơn hai mét, những bịch đồ xếp gọn trước lối đi. Họ đeo khẩu trang nhỏ chả nhận ra là ai nhưng vẫn cố ghi nhớ qua dáng hình ánh mắt. Nhỏ rút tờ giấy nhét trong bọc, rưng rưng đọc từng dòng chữ: "Có bây đó đồ ăn, không phải tiền nong gì, có chuyện cứ gọi dì theo số này, đừng ngại nhe con".

Chỉ cần mở lòng sẽ thấy ấm áp thôi

Thành phố này bao dung hơn người ta tưởng. Nhỏ không ngờ những người xa lạ chưa chào một lần mà có thể nhiệt tình giúp đỡ nhỏ đến thế. Là dì Tư căn bên cạnh nhiếc nhỏ có chuyện gì sao không chạy sang gõ cửa, dán tờ giấy vầy rồi hông ai thấy thì sao.

Là chị Út kế bên mời nhỏ vô nhóm Facebook khu dân cư, có chuyện gì hú trên đây để chòm xóm còn biết đường mà giúp đỡ. Người mua hộ rau người tặng tô cháo, ông Bảy tổ trưởng dân phố còn xuống gửi đồ khô dự trữ mấy ngày. Ổng nói có ý thức cách ly là tốt nhưng cũng đừng để đói nghen bây.

Cách nhau qua song cửa, hai mét chẳng lại gần, khi thì nhắn tin lúc thì gọi điện. Ấy vậy mà nhỏ cảm thấy ấm áp như mọi người luôn ở cạnh bên đùm đề vậy. Vợ chồng là người xa xứ tới, nào có quen biết chi đâu mà chòm xóm đều coi như là người thân mà đối đãi.

Nghĩ lại nhỏ thấy mình có lỗi quá, nửa năm rồi mà chẳng để ý tới ai, cũng vô tình xem nhẹ tình làng nghĩa phố. Nếu không có đợt cách ly này có lẽ nhỏ cũng chưa hiểu ra đâu.

Nhờ có những dì Năm, chị Út, ông Bảy và rất nhiều người khác nữa, 14 ngày với nhỏ trôi qua thật là nhanh. Giờ đây vợ chồng yên tâm khi mình không có biểu hiện nào của bệnh.

Thế là có thể nhìn rõ mặt từng người, thế là có thể bắt tay cảm ơn tấm lòng bao dung chòm xóm. Nhỏ hứa với mình từ nay sẽ hòa đồng và gần gũi mọi người hơn. Bán anh em xa mua láng giềng gần, có khốn khó mới nhận ra tình người.

Vậy là sau nửa năm định cư đất này, cuối cùng nhỏ cũng hiểu ra rằng: Sài Gòn bao dung và thân thiện, chỉ cần nhỏ mở lòng sẽ thấy ấm áp thôi, ấm áp như một gia đình vậy.

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Có bây đó đồ ăn, không phải tiền nong gì - Ảnh 2.
Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Xe hư, dựng trên cầu, bị mấy người cản vì tưởng tự tử Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Xe hư, dựng trên cầu, bị mấy người cản vì tưởng tự tử

TTO - Nói tới người Sài Gòn mà không nhắc tới cái tánh ưa làm chuyện bao đồng quả là điều thiếu sót. Dường như thói quen đó đã ngấm vào tận xương tủy của không ít người sinh sống ở vùng đất này.

NGUYỄN THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên