13/10/2016 15:59 GMT+7

Sài Gòn bán kẹo hát rong: Tìm thầy thọ giáo

NGỌC HIỂN - HỮU KHOA (ngochien@tuoitre.com.vn)
NGỌC HIỂN - HỮU KHOA ([email protected])

TTO - Nhiều ngày cầm micrô xuống đường cùng những người hát rong, chúng tôi thấu hiểu đằng sau những tiếng ca bay bổng phiêu du là gánh nặng mưu sinh của biết bao nhiêu con người...

Hai PV báo Tuổi Trẻ hát rong bán kẹo kéo - Ảnh: T.THẮNG
Hai PV báo Tuổi Trẻ hát rong bán kẹo kéo - Ảnh: T.THẮNG

Hát rong bán kẹo dọc các quán nhậu ở Sài Gòn là một nghề hái ra tiền nhưng không phải ai cũng có thể “hành nghề” nếu không có một giọng ca “tạm được”. 

Ăn xem nồi, ngồi xem hướng, đặt loa kẹo kéo phải chọn cả hướng lẫn tướng”. Đó là bài học vỡ lòng mà ông Nguyễn Văn Thường (58 tuổi) dạy chúng tôi khi muốn theo chân ông học nghề hát rong bán kẹo. Ông được giới kẹo kéo Sài Gòn nể phục bởi chất giọng trầm ấm, hào sảng dù mái đầu đã hai thứ tóc.

“Người hát rong” này “chảnh” đến mức độ không mời mọc ai mua kẹo bao giờ, ông chỉ cất lên giọng ca là khách khứa tự đến mua kẹo ủng hộ ông. Ông là “ngôi sao” của giới kẹo kéo.

Ông Nguyễn Văn Thường - Ảnh: HỮU KHOA
Ông Nguyễn Văn Thường - Ảnh: HỮU KHOA

“Ca mà như tra tấn thì ai mà nghe, đã ca là phải có cái thần thái, đau đớn, u buồn như bài hát. Buông tiếng hát ra phải có lý, có tình, người ta nghe từng chữ, từng câu như tiếng lòng họ rồi thì đâu cần mời mọc chi ai nữa, họ tự khắc tìm đến mình thôi

Ông Nguyễn Văn Thường

Thổi hồn vào nhạc

Từ những lời đồn thổi đó, chúng tôi quyết định tìm đến ông Thường bái làm sư phụ để theo chân học nghề. Căn phòng trọ chật chội của ông Thường nằm trên đại lộ Phạm Văn Đồng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).

Bên thùng loa kẹo kéo là chiếc xe máy tay ga màu nâu bóng loáng đặt chình ình trong phòng, ông Thường nói: “Mới tậu mấy tháng đó, gần 50 chục chai (đơn vị triệu đồng) chứ không ít”.

Vừa nghe chúng tôi trình bày ý nguyện, ông Thường bật công tắc chiếc loa thùng, kéo ra trước cửa trọ, nói: “Muốn ca kiếm tiền à, mày ca thử một bản nhạc tao nghe có xuôi tai không?”.

Nhạc lên, cả xóm trọ xúm lại, đám con nít tủm tỉm cười nhìn chúng tôi tập làm “ca sĩ” kẹo kéo. Ca xong, ông Thường nhận xét: “Giọng ca cũng được nhưng không thuộc lời là thua, muốn kiếm tiền là phải nằm lòng lời bài hát, tao thuộc đến 30 bài còn chưa ăn ai”. Nói xong, ông cầm micrô ca cho chúng tôi nghe bài Nụ cười biệt ly mùi mẫn, da diết.

Bài học đầu tiên thầy Thường dạy chúng tôi là khi ca phải thấm, phải nhập tâm vào cái hồn của bản nhạc. “Ca mà như tra tấn thì ai mà nghe, đã ca là phải có cái thần thái, đau đớn, u buồn như bài hát. Buông tiếng hát ra phải có lý, có tình, người ta nghe từng chữ, từng câu như tiếng lòng họ rồi thì đâu cần mời mọc chi ai nữa, họ tự khắc tìm đến mình thôi” - ông Thường nói.

Biết chúng tôi theo dòng nhạc bolero, “thầy” Thường bày “đệ tử” phải tìm đến những quán có đông khách trung niên.

Nếu hát nhạc trẻ thì phải chọn quán có đông tụi choai choai mà hành nghề. Một nguyên tắc “ngầm” của giới kẹo kéo mà ai cũng nằm lòng - “ăn xem nồi, ngồi xem hướng, đặt loa kẹo kéo phải chọn cả hướng lẫn tướng”. Tức là vào quán phải chào hỏi đàng hoàng, đặt loa có hướng, không chĩa thẳng vào mặt khách và nếu nhìn mặt khách “khó ưa” thì phải vặn nhỏ loa lại rồi chuyển quán.

“Học là phải có hành, tối tụi bây đi theo tao một đêm là biết hết mánh thôi” - ông Thường nói.

PV Tuổi Trẻ học nghề hát rong bán kẹo tại phòng trọ của “thầy” Thường - Ảnh: NGỌC HIỂN
PV Tuổi Trẻ học nghề hát rong bán kẹo tại phòng trọ của “thầy” Thường - Ảnh: NGỌC HIỂN

Cái tâm của người bán kẹo

Đúng 18g, chúng tôi theo chân “thầy” đi hát rong bán kẹo dọc các quán nhậu trên đại lộ Phạm Văn Đồng. Mặc quần Tây, áo sơmi đóng thùng đường hoàng, “thầy” điềm tĩnh vào các nhà hàng có đông khách trung niên để “hành nghề”.

Đúng như những gì giới kẹo kéo truyền miệng, khi “thầy” cất tiếng hát là cả quán đều đắm đuối dõi theo, ca xong bản nào khách vỗ tay tán thưởng bản nấy. Khách liên tục chạy đến mua kẹo, gửi tiền bo rồi yêu cầu ca thêm những bài “ruột”.

Tại quán lẩu dê đường Phạm Văn Đồng, khi “thầy” ca bản Lời đắng cho cuộc tình, một phụ nữ trung niên tay cầm điện thoại quay video, một tay gạt nước mắt, đến cuối bài người phụ nữ này chạy ra bắt tay “thầy”, gửi 50.000 tiền bo và mua luôn 10 bì kẹo.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, bảo vệ quán nhậu này, cho biết trong giới kẹo kéo ở đường Phạm Văn Đồng chỉ có duy nhất ông Thường đứng tuổi, hát hay mà không cần ôm kẹo đi mời và ngược lại khách trầm trồ tiếng hát tự động chạy đến mua.

“Cứ một tuần ổng lại quán một lần. Lần nào ổng cũng đứng một chỗ hát bài này đến bài khác theo yêu cầu khách rồi nhận tiền. Có đêm hát một tiếng đồng hồ mà khách nghe hoài không chán, cứ yêu cầu liên tục rồi gửi tiền bo cả triệu” - anh Tuấn nói.

Tuy nhiên, cũng có quán khách chẳng thèm đoái hoài khiến thầy Thường tự ái. Đến quán thứ ba, chúng tôi ngớ người, khách trong quán cũng chưng hửng không hiểu chuyện gì khi thầy Thường mới ca một bản đã cúi chào ra về mà không bán kẹo.

Lý do thầy bỏ đi bởi khách nhậu không mặn mà nghe nhạc của ông. “Tao là vậy, hát phải có người nghe, mình hát mà không ai ngó ngàng tức là người ta không thích” - ông Thường nói. Chạy lòng vòng hát được bốn quán, thầy Thường đóng loa ra về khi đồng hồ mới điểm 22g. “Sao về sớm vậy thầy?” - tôi hỏi.

“Khuya rồi, mình mở loa lên ồn ào lắm, cho bà con họ ngủ” - ông đáp. Nguyên tắc của thầy Thường từ ngày làm nghề đến giờ là không hát sau 22g và không bao giờ mở loa hết công suất. Ông nói mình làm nghề gì cũng phải có cái tâm, kể cả cái nghề hạ đẳng mua vui bằng tiếng hát này cũng phải biết nghĩ đến người khác.

Hàng xóm láng giềng của những quán nhậu cũng là dân lao động cả nên phải biết ý, đêm khuya để người ta nghỉ ngơi. “Mình gắng thêm đôi ba chục phút cũng không giàu nổi nên thôi, để người ta mến, mình cũng vui” - ông nói mà như dạy dỗ đạo đức cho chúng tôi - các tân “đệ tử”.

“Cũng đành xin làm người hát rong”

Thời thanh niên, ông Thường đã “hái ra tiền” từ giọng ca của mình. Ông kể thời còn sống dưới miền Tây, đêm đêm ông đi soi cá kèo cùng những thanh niên trong xóm. Trong lúc chờ trăng lên, ai cũng nài nỉ ông Thường ca cho nghe, đổi lại mỗi người sẽ cho ông một ít cá kèo.

“Cả chục thằng mà thằng nào cũng cho cá thì lúc nào tao cũng nhiều cá nhất rồi, nên bắt đầu kiếm ra tiền từ đó nhưng số tao không được làm ca sĩ thì thôi đành hát rong” - ông kể. Từng đi bộ đội, sau đó giải ngũ trở về làm đủ nghề từ thợ sửa xe, bán trái cây dạo cho đến chạy xe ôm... Mộng làm ca sĩ nhưng số phận nghèo khó cứ níu chân chàng trai miền Tây này.

Để thỏa mãn niềm đam mê ca hát, ông Thường sắm một dàn karaoke trong nhà, cứ rảnh rỗi lại bật lên ca. Mỗi khi có dịp văn nghệ ở thôn, ở xóm thì ông luôn là giọng ca không thể thiếu.

Mãi cho đến khi đầu đã hai thứ tóc, đứa con trai kế út của ông mới nói với cha: “Cha hát hay, con hát cũng không tệ, hay là cha bỏ nghề sửa xe, hai cha con lên Sài Gòn hát kẹo kéo kiếm tiền”.

Nghe cũng xuôi tai nên ông Thường liều mạng lên Sài Gòn sắm loa hát cùng con trai, sau một tuần hát thử thấy có thu nhập nên hai cha con tách riêng rồi hát cho đến bây giờ.

_____________

Kỳ tới: Xách loa xuống đường

NGỌC HIỂN - HỮU KHOA ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên