Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu ý kiến của bạn Khánh Hưng gởi cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.
"Không cho dùng thẻ Đảng làm thủ tục bay là do... nhầm!" - báo Tuổi Trẻ Online ngày 27-11 đưa tin.
Theo đó lãnh đạo Cục Hàng không cho biết rằng "việc thông tư đã ban hành không đưa thẻ đảng viên, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe vào các loại giấy tờ làm thủ tục đi máy bay là do sơ suất trong quá trình soạn thảo văn bản" - có nghĩa một lần nữa "lỗi đánh máy" được sử dụng để giải thích về những sai sót sờ sờ của nhà chức trách.
"Chuyện giải thích bằng lối đùn đẩy trách nhiệm cho "anh đánh máy" trong vài năm qua không hề mới, thậm chí nó trở thành "mốt" cho nhiều người, nhiều cơ quan đua nhau làm theo. Hễ có sai sót, bị dư luận phản ứng là họ lại dùng cách bao biện rất hài hước rằng do "quá trình soạn thảo văn bản", do "lỗi kỹ thuật".
Khánh Hưng
Do "lỗi kỹ thuật", sai do "lỗi đánh máy" - những cụm từ này được lặp đi lặp lại đến nỗi những người dân như tôi mỗi lần nghe giải thích kiểu đấy lại cảm thấy… buồn cười (vì không biết làm gì hơn).
Điều đáng lo hơn là "lỗi đánh máy" xuất hiện ngày một nhiều, và ở phạm vi rộng, hầu như mọi ngành nghề đều dùng lỗi này để mà giải thích.
Ví dụ gần đây nhất là chuyện Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên - Môi trường làm người dân "dậy sóng nhầm" vì họ hiểu rằng phải ghi tết tất cả thành viên trong gia đình vào số đỏ.
Và như thường lệ, lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường đã giải thích do lỗi soạn thảo, diễn đạt chưa khéo, gây hiểu nhầm.
Hay xa hơn nữa là tháng 8 năm 2016, Công an huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai phát văn bản cảnh báo người dân về việc có 16 vụ bắt cóc trẻ em mổ lấy nội tạng khiến người dân rất hoang mang.
Nhưng ngay sau đó chính công an nơi này đã đính chính bằng văn bản khác và đổ lỗi văn bản trước đó do "đánh máy nhầm".
Đặc biệt là bộ Y tế có thể xem là bộ nhiều "lỗi đánh máy" nhất, từ việc xe biển xanh chạy ngược chiều đến chuyện "lỗi đánh máy" khiến bệnh nhân nam bị chỉ định khâu... âm đạo!
Mỗi lần nghe những cách giải thích khá "ngây ngô" trên trong đầu tôi xuất hiện nhiều câu hỏi. Ví dụ: Vậy ai là người đánh máy? Họ soạn thảo văn bản xong không đọc lại à? Vậy ai là người xem, quyết định và ký? Họ quyết định và ký mà không xem hay đọc kỹ à? Vậy cuối cùng trách nhiệm thuộc về ai? Hay lại "cuốn theo chiều gió"?
Cách giải thích "lỗi đánh máy" rất mơ hồ, chung chung không hề giải thích được điều gì. Mặt khác nó nói lên một điều: Những nhà chức trách hoặc xem thường trình độ dân trí hoặc họ không biết mình sai ở chỗ nào?
Tóm lại, chúng tôi đã ngán "lỗi đánh máy" lắm rồi!
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có suy nghĩ gì về điều này? Mời bạn chia sẻ trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gửi đến địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận