Người dân tham quan lễ hội đường sách TP.HCM 2018 - Ảnh: HỮU KHOA
Cụ thể năm 2017, tổng số bản sách trong hệ thống thư viện công cộng khoảng 41 triệu bản, bình quân số bản sách/người/năm trong hệ thống thư viện công cộng là 0,44.
Đây chính là một trong những vấn đề tồn tại của việc công chúng sử dụng thư viện công cộng ở nước ta hiện nay.
Cuộc tọa đàm về đề tài "Các tiêu chí xây dựng thí điểm mô hình phát triển văn hóa đọc trong thư viện" do Vụ Thư viện tổ chức, với đại diện đến từ các thư viện tỉnh thành và các thư viện đa ngành thuộc các tỉnh phía Nam, cũng chính trong lộ trình thực hiện đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến 2030" mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngày 15-3-2017.
Cùng với đề dẫn và sự điều hành của TS Vũ Dương Thúy Ngà - vụ trưởng Vụ Thư viện, tọa đàm tập trung bàn những giải pháp căn cốt để thực hiện các tiêu chí phát triển văn hóa đọc. Nhiều đại diện thư viện chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn như một cách giúp nhau tham khảo.
Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM cho biết đơn vị này đang hoạt động theo mô hình thư viện điện tử kết hợp với thư viện truyền thống; Thư viện An Giang giới thiệu mô hình xe thư viện lưu động được bạn đọc vùng nông thôn đón nhận rất tốt; Thư viện Côn Đảo có mô hình luân chuyển sách đến khách sạn phục vụ du khách và bạn trẻ; Đại diện tổ chức Room to Read Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thư viện thân thiện từng được triển khai tại nhiều địa phương nhiều năm nay...
Đại diện Vụ Thư viện cho biết sau tọa đàm này sẽ thống kê ý kiến đóng góp và hoàn thiện bộ tiêu chí để xây dựng thí điểm mô hình phát triển văn hóa đọc trong thư viện theo như đề án.
Mặc dù số bản sách/người/năm trong các thư viện công cộng đang thấp, ghi nhận của Vụ Thư viện cho biết trong năm 2017, mạng lưới thư viện cấp xã trong cả nước đạt 3.257 thư viện, tăng 20% so với năm 2016. Tổng lượt bạn đọc đến thư viện đạt 29 triệu lượt, tăng 8% so với năm 2016.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận