PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng - nguyên hiệu trưởng Trường đại học quốc tế Hồng Bàng, viện trưởng Viện nghiên cứu Việt Nam học - đã có hơn 50 năm sưu tầm sách, sách cổ, báo, tạp chí.
Thói quen này đã giúp ông tích cóp được một lượng lớn sách, báo, tạp chí mà ông xem đó là tài sản quý giá.
14 tiếng mỗi ngày viết sách
Ông Nguyễn Mạnh Hùng kể ông bắt đầu thú vui sưu tầm từ 60 năm trước (năm 1962). Có thời điểm ông ngủ trong các ki ốt sách cũ để canh mua cho bằng được các loại sách cũ mới nhập về kho.
Bao nhiêu tiền có được ông dành mua sách hết, thậm chí mua thiếu của chủ cửa hiệu, trả dần. Cũng chính sự góp nhặt này đã giúp ông có một khối "tài sản" khổng lồ, bây giờ có tiền mua cũng không được.
Ông Hùng cũng bắt đầu viết sách từ năm 1962 (18 tuổi), có quyển đứng tên riêng, có quyển kết hợp với các tác giả khác.
Quyển sách đầu tay ông viết là quyển từ điển Việt Nhật thông thoại (1969). Tính đến nay, ông đã viết hơn 20 đầu sách. Điển hình là Kanji từ điển Hán Nhật Việt (NXB Từ Điển Bách Khoa), Ký họa Việt Nam đầu thế kỷ 20 (NXB Trẻ), Việt Nam xưa (NXB Thời Đại, tạp chí Xưa và Nay), Sài Gòn xưa (NXB Thời Đại, tạp chí Xưa và Nay), Những ngày lễ hội truyền thống của Việt Nam (NXB Từ Điển Bách Khoa)...
Không chỉ xuất bản sách tiếng Việt, ông còn xuất bản sách tiếng Nhật, Pháp...
Từ năm 2015, sau khi thôi giữ chức hiệu trưởng Trường Hồng Bàng, ông Hùng dành nhiều thời gian hơn cho việc viết sách, cũng như tìm lại các bản thảo từng viết trước đó để tiếp tục hoàn thành.
Trước đây ông chỉ dành từ 3 - 5 tiếng đồng hồ mỗi ngày để viết sách thì sau khi rời Trường Hồng Bàng, ông dành 14 tiếng mỗi ngày ngồi trên bàn giấy viết sách. Thậm chí, thời gian giãn cách do dịch COVID-19, ông tập trung 18/24 tiếng đồng hồ mỗi ngày để viết.
Trong nhà ông Hùng khắp nơi đều thấy sách. Ông "bật mí" bản thảo sách lên tới 1 tấn. Trong đó có nhiều bản thảo dang dở đang được tiếp tục thực hiện.
Ông hầu như dành hết thời gian cho việc đọc sách và viết sách, chỉ tham gia các hoạt động cần thiết với tâm niệm viết đến chừng nào không viết được nữa thì thôi.
Bốn bộ sách Tết
Sau sáu năm thai nghén và tập hợp các bản thảo cũ, ông Nguyễn Mạnh Hùng hoàn thành bốn bộ sách Tết 2022 gồm các đầu sách: hai cuốn Tết cả Việt Nam - Tết Nguyên đán phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh, bộ sưu tập bìa báo Tết Bắc kỳ - Trung kỳ (từ báo Nam Phong Bắc Kỳ 1918 đến Liên Hoa Trung Kỳ 1964) và bộ sưu tập bìa báo Tết Nam kỳ (từ Gia Định báo số 2-1986 đến Thiếu Nhi 1975).
Bộ sách này được in khổ lớn (30 x 40cm), để tạo nên văn hóa đọc cho cả gia đình.
Ông Hùng lý giải khổ sách lớn giúp các thành viên trong gia đình cùng đọc một quyển sách, có thể cha mẹ đọc cùng con cái hay bạn bè đọc cùng nhau, ít nhất bốn người quây quần, cùng xem và bình luận, mới đạt được nhu cầu văn hóa đọc gia đình.
Điều này khác với văn hóa đọc trên sách khổ nhỏ hoặc đọc trên thiết bị thông minh.
"Ngày nay mỗi thành viên trong gia đình đều có công việc, lịch học tập riêng, ít có thời gian dành cho nhau, nên việc các thành viên trong gia đình cùng nhau đọc sách sẽ tạo được sự gắn kết, tạo được thói quen tốt", ông Hùng quan niệm.
Bốn cuốn sách Tết của ông tạo được sức hút với độc giả vì rất bắt mắt, được in trên giấy đẹp, in một mặt, in màu.
Ngôn ngữ sạch, đẹp, vừa bình dân, vừa uyên bác và đề tài là những trường hợp nghiên cứu điển hình.
Ngay sau khi xuất bản bốn bộ sách Tết 2022, ông Hùng thực hiện tiếp Bộ tứ giai phẩm xuân (gồm tám tập) nói về lịch sử báo Tết Bắc kỳ, lịch sử báo xuân Trung kỳ và lịch sử báo xuân Nam kỳ cùng Cặp hình tượng hổ mèo (gồm bốn tập).
Các quyển sách này tiếp tục được in khổ lớn (30 x 40cm), dự kiến phát hành năm 2023. Nội dung sách giới thiệu khái niệm báo xuân là gì, báo xuân thường viết gì, giới thiệu các nhà văn, thi sĩ tuổi Dần, trong đó có nhà văn Sơn Nam, Trần Bạch Đằng...
Ngoài viết sách, ông Hùng còn làm bốn website để đăng tải các nội dung, công trình nghiên cứu cho người dân tiếp cận kiến thức.
Trong đó website được nhiều người truy cập là thanhdiavietnamhoc.com, thành lập cách đây ba năm.
Ngoài tiếng Việt, ông hợp tác với Google để dịch nội dung này ra 105 ngôn ngữ khác, giúp nhiều người tiếp cận hơn. Sắp tới ông sẽ làm kênh YouTube để giới thiệu các giá trị về Việt Nam học, cổ vật, tư liệu cổ, cung cấp tư liệu cho nhiều người hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận