21/01/2015 08:55 GMT+7

​“Sách nhũn” (*)

GS HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
GS HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

TT - ... Lúc sinh thời, trong một bài báo, nhà văn Sơn Nam có sáng chế ra hai chữ “sách nhũn”.

Một loạt cuốn sách đã bị thu hồi sau khi dư luận phát hiện những nội dung sai lệch, nhảm nhí, hình ảnh phản cảm... - Ảnh: L.Điền, M.Hoa, V.V.Tuân

Ông dùng hai chữ này để chỉ hiện tượng những cuốn tiểu thuyết diễm tình lâm ly bi đát, được sáng tác vội vàng đã một thời chiếm lĩnh thị trường sách nhằm phục vụ một số công chúng tiêu thụ văn chương như dùng thức ăn nhanh.

Nhưng rồi sau một thời gian ngắn làm mưa làm gió, cuối cùng nó “nhũn” giống như bong bóng xì hơi, nghĩa là không còn sức lôi cuốn nữa.

Các nhà doanh nghiệp trên lĩnh vực xuất bản dần dần nhận ra rằng loại tiểu thuyết “mì ăn liền” đó một khi đã được cung cấp đầy đủ đến các hiệu cho thuê sách thì hầu như không còn cơ hội được tái bản, thậm chí phải xuống đường nằm trên các chiếu sách đại hạ giá.

Trong khi đó những cuốn sách chất lượng cao, tuy số lượng in lần đầu không nhiều, nhưng sức lan tỏa ngày càng lớn vì giá trị đích thực của nó sẽ bảo chứng cho những lần tái bản sau.

Như vậy thị trường cũng có cơ chế tự điều chỉnh và cách sàng lọc của nó đối với những sản phẩm tinh thần.

Trong thị trường sách lâu lâu vẫn rộ lên những đợt “thu hoạch” ngắn ngày với đề tài này, thể loại kia. Ở miền Nam trước năm 1975 có một dạo người ta đua nhau dịch tiểu thuyết kiếm hiệp, dịch sách bàn về tính dục.

Sau chiến tranh cũng có những lúc tác giả này lên ngôi, đề tài kia trở thành thời thượng. Vấn đề không phải là kỳ thị một loại sách nào, mà là tâm lý đổ xô nhau đề cao những cuốn sách chưa hề được thử thách.

Đó là chưa kể lòng tham tiền khiến người ta viết và dịch những cuốn sách mà họ thừa biết có ảnh hưởng tiêu cực đến phong hóa dân tộc và thị hiếu của bạn đọc.

Gần đây, dư luận bàn nhiều về những dịch phẩm kém chất lượng gây phiền hà không ít cho những bạn đọc yêu sách. Khó có thể nêu lý do về thời gian cấp bách hay mức nhuận bút thấp để biện minh cho sự tắc trách của người làm sách.

Một cuốn sách bị chê là sản phẩm thứ cấp có thể kéo theo sự ngán ngại của bạn đọc đối với những cuốn sách khác cùng xuất ra từ một xưởng vốn là thương hiệu nổi tiếng, từng có mức tín nhiệm cao. Tình hình này diễn ra ở nhiều thể loại: sáng tác, dịch thuật, truyện tranh, sách khảo cứu, từ điển, sách tham khảo trong nhà trường như các tham luận đã chỉ ra.

Những cuốn sách âm thầm nằm đó trong cửa hiệu, thư viện, tủ sách gia đình, ngấm ngầm “điều chỉnh” nhận thức, tình cảm và hành vi của độc giả trẻ theo hướng tiêu cực và đến khi dư luận phát hiện thì đã muộn. Trong số đông bạn đọc tiếp nhận những sách đó chắc chắn có con em của chính những người đã góp phần tạo ra sách.

Gần đây, một nhà nghiên cứu có nói với chúng tôi rằng ông rất lo âu khi đọc một số tiểu thuyết ngôn tình của Trung Quốc được dịch, in đẹp và thu hút lượng người đọc khá lớn hiện nay: trong đó các tác giả không chỉ miêu tả những chuyện tình éo le, gay cấn có phần giả tạo mà còn lồng vào đó tư tưởng của chủ nghĩa Đại Hán một cách tinh vi.

Tất nhiên, số phận của “sách nhũn” không dễ gì bị định đoạt một sớm một chiều. Trách nhiệm về mặt này chia đều cho cả tác giả, nhà làm sách và bạn đọc. Thời buổi thắt lưng buộc bụng, mỗi khi móc ví trả tiền cho một cuốn sách, có lẽ bạn đọc cũng nên cân nhắc xem giá trị của nó có xứng đáng đồng tiền bát gạo hay không.

Đó cũng là cách vừa “bỏ phiếu” cho văn hóa đọc, vừa nhắc nhở người làm sách đừng phung phí giấy và mực in cho những tác phẩm sinh non, thiếu tháng.

_______

(*) Đây là tham luận của GS Huỳnh Như Phương tại cuộc tọa đàm “Những cuốn sách làm “ô nhiễm” môi trường giáo dục thanh thiếu niên - thực trạng và giải pháp” do Hội Xuất bản VN và Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM tổ chức sáng 21-1. Được sự đồng ý của tác giả và ban tổ chức, Tuổi Trẻ trích đăng tham luận này.

GS HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên