​Sách mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất bản ở Pháp, Bỉ, Thụy sĩ...

PHẠM QUỐC (BRUXELLES) 19/05/2015 17:05 GMT+7

TTCT - Một cuốn sách mới với tựa đề "Hồ Chí Minh, Biểu tượng của nền độc lập được giành lại của Việt Nam” (Hồ Chí Minh, La figure de l’indépendance retrouvée du Vietnam) do báo Le Monde (Pháp) và báo La Libre Belgique (Bỉ) xuất bản cuối tháng 3-2015 đã được bán ở các nước khác nói tiếng Pháp như Thụy Sĩ, Canada...

 

Công trình này nằm trong loạt 20 tiểu sử của 20 nhân vật thế kỷ 20, được cho là “những người đã làm thay đổi thế giới” (*).

Cuốn sách chứa đựng 20 bài báo, phỏng vấn, tài liệu... với hàng trăm chú thích khách quan và có giá trị về Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng trên 50 hình ảnh về Bác Hồ và về hai cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ của người Việt Nam.

Nhà báo Pháp danh tiếng Jean-Claude Pomonti - phóng viên thường trú của báo Le Monde ở Đông Nam Á từ năm 1991-2011 - chịu trách nhiệm biên soạn. Ông cũng là người đã viết rất nhiều bài báo và tác phẩm về Đông Nam Á, nhất là về Việt Nam.

“Đối với nhân dân ông ấy là “Bác Hồ” hiền hậu với tay cầm kẹo và cam để phát cho trẻ em, lông mày cong lên, ánh mắt sáng rực, ông ấy là người thánh thiện của cuộc chiến đấu, mang áo sờn ở cổ, xăng đan cũ, ngủ trên chiếu, và đó là biểu tượng khó khăn của một chính quyền...”.

“Một đêm tháng 9 năm 1946 ở Paris, ông ấy nói với Marius Moutet khi bị thuyết phục ký một bản tạm ước:”Vâng, sự việc này có thể giải quyết trong ba tháng nhưng cũng có thể kéo dài đến 30 năm. Nếu các ông đẩy chúng tôi vào chiến tranh, các ông giết mười người Việt, trong khi chúng tôi chỉ hạ một người của các ông. Với cái giá đó, cuối cùng chúng tôi sẽ thắng cuộc”.

(Trích vài đoạn viết của Jean Lacouture, đăng ngày 5-9-1969 vừa sau tin qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Jean-Claude Pomonti đã tập hợp nhiều bài báo quan trọng về Bác Hồ và Việt Nam từ năm 1946 đến năm 2013 để chọn đăng.

Trong số này có cả những tài liệu, thư từ do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, mà ngoài nguyên văn chúc thư của Bác còn có thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ngày 24-1-1966 gửi Tổng thống De Gaulle của Pháp.

Bức thư đề nghị Pháp phải phản ứng để yêu cầu Mỹ thi hành Hiệp định Genève 1954 chứ không nên gây chiến tranh ở cả miền Bắc, Nam và cả Lào, Campuchia. 

Trong thư, lãnh tụ Việt Nam đã viết: “Không bao giờ dân tộc Việt Nam đầu hàng trước đe dọa của đế quốc Mỹ”. 

Lời chú thích của tài liệu ghi: “Trong thơ trả lời ông Hồ Chí Minh, ngày 8-2-1966, Tổng thống De Gaulle hứa sẽ quan hệ gần gũi hơn với Hà Nội và chuẩn bị một bài tuyên bố quan trọng về Mỹ sẽ được đọc mấy tháng sau ở Kampuchia” (Tuyên bố Phnom Penh của De Gaulle).

Trong công trình này của ông Pomonti còn nhiều bài viết về Bác Hồ của những nhân vật nổi tiếng khác của Pháp (được trích hoặc đăng nguyên văn). Trong đó có bài viết của Jean Lacouture, nhà báo và người viết xuất sắc hàng loạt các tiểu sử của những người nổi tiếng ở Pháp. 

Ông đã gặp Bác Hồ năm 1946 và nhiều lần sau ở Pháp khi Bác Hồ sang đàm phán ở Pháp năm 1946, và đã đến gặp Bác ở Hà Nội trong chiến tranh chống Mỹ.

Philippe De Villers, thành viên Hàn lâm viện Quốc gia Pháp, chuyên về Á châu và Hubert Beuve-Mery, người sáng lập báo Le Monde năm 1944 (trong Thế chiến II) và là tổng biên tập của báo này nhiều năm, cũng góp mặt trong cuốn sách này.

Phần cuối của sách ghi năm câu nói được thế giới biết nhiều nhất của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”; “Chế độ độc Đảng là tốt khi Đảng cầm quyền tốt, nếu ngược lại thì xấu” (25-4-1959); “Giờ cách mạng đã điểm. Giương cao ngọn cờ cách mạng. Lời thiêng của Tổ quốc bên tai... Cách mạng Việt Nam sẽ thắng, Cách mạng thế giới sẽ thắng” (6-6-1941); “Tôi là người làm chính trị mà người làm chính trị phải biết khóc khi cần và cười khi cần” (phát biểu tại một nghĩa trang của công nhân ở Paris năm 1946); “Nếu các ông giết mười người Việt mà chúng tôi chỉ hạ một người bên các ông, cuối cùng chúng tôi sẽ thắng” (Nói với Jean Sainteny, đại diện Pháp, sau khi hội nghị Fontainebleau thất bại).

Hỏi: Nếu ông đặt điều kiện tiên quyết rằng Pháp phải công nhận nền độc lập của Việt Nam và nếu họ không muốn đề cập đến điều kiện này thì không thể đi đến thỏa thuận hay sao?

- Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phải thừa nhận nền độc lập của chúng tôi. Nếu nước Pháp muốn chiến tranh, chính họ có trách nhiệm. Ngay cả khi họ chà nát chúng tôi họ cũng không thể hãnh diện, vì đó là một cuộc cướp bóc. Họ sẽ chiếm được sự hoang tàn đổ nát vì chúng tôi sẽ không để lại gì cho họ.

Hỏi: Nếu thế thì ai sẽ là bên mất nhiều hơn, Pháp hay Việt?

- Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ít hơn một số người Việt còn hơn là hàng triệu triệu người nô lệ. Chúng tôi không muốn có chiến tranh, nhưng chúng tôi không sợ chiến tranh dù biết rằng một mạng người Pháp hay Việt đều quý như nhau...

(Trích bài phỏng vấn của ông André Blanchet, đặc phái viên báo Le Monde đến Hà Nội. Bài đăng trên Le Monde ra ngày 28-2-1946)

(*): Như Churchill, De Gaulle, Staline... (châu Âu); Kennedy, Reagan, Fidel Castro (châu Mỹ); Nasser, Senghor, Mandela (châu Phi) và Mao Trạch Đông, Gandhi (châu Á).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận