Ông Lê Hoàng (bìa trái) - đại diện ban điều hành Đường sách - trao giấy chứng nhận đấu giá thắng cho ông Lê Hùng Mạnh - Ảnh: L.Điền |
Phiên đấu giá do Ban điều hành đường sách tổ chức chiều tối 24-4-2016.
Với giá khởi điểm 1 triệu đồng, bộ sách Minh tâm bửu giám nhanh chóng được đẩy giá lên và một phụ nữ tên Ngọc Anh đẩy giá lên 6 triệu với lý do “quyển sách này đã theo tôi suốt 50 năm trong đời”.
Tuy nhiên, một nhà sưu tập đẩy giá lên 8 triệu và nữ doanh nhân Thái Lê Ngọc Diệp giành chiến thắng cuối cùng với 15 triệu đồng.
Minh tâm bửu giám thể hiện tài quảng văn của học giả Trương Vĩnh Ký khi ông biên soạn, dịch lại từ các câu nói, lời khuyên, phát biểu có giá trị răn dạy đạo đức của Nho gia và các sách xưa để làm sách học làm người cho giới trẻ.
Chị Ngọc Diệp cho biết tình cờ đến Đường sách chiều nay và khi nghe giới thiệu bộ sách này với nội dung quan trọng đã quyết định tham gia đấu giá để làm món quà cho con.
Bà Quách Thu Nguyệt (bìa phải) tặng giấy chứng nhận đấu giá thắng cho vợ chồng chị Thái Lê Ngọc Diệp - Ảnh: L.Điền |
Điểm bất ngờ thứ hai của phiên đấu giá chiều nay là quyển Mười câu chuyện văn chương của học giả Nguyễn Hiến Lê cũng được mua với giá 15 triệu đồng.
Nhà thơ Lê Minh Quốc - MC chương trình đấu giá - rất nỗ lực kích hoạt niềm yêu thích sách quý trong các khách hàng buổi đấu giá và bày tỏ sự bất ngờ khi thoạt đầu quyển Mười câu chuyện văn chương được đấu ở mức bình thường.
Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Lệ (ở Q.12) bất ngờ đẩy giá lên 8,8 triệu với lý do quyển Mười câu chuyện văn chương này xuất bản năm 1975 - một thời điểm lịch sử có ý nghĩa với bộ sưu tập của ông. Và trong quyển này có một câu chuyện văn chương về Truyện Kiều - là đề tài mà ông Lệ đang quan tâm.
Nhưng phiên đấu bất ngờ thêm phần kịch tính khi doanh nhân Lê Hùng Mạnh (giám đốc Công ty Gia Hòa) xuất hiện đẩy giá lên 10 rồi 15 triệu đồng với lý do quyển sách cần được bán giá cao hơn để số tiền ủng hộ cho việc làm từ thiện mua sách cho các em học sinh ngoại thành được nhiều hơn.
Phiên đấu giá còn tiếp tục với quyển Hai buổi chiều vàng - tác phẩm của nhà văn Nhất Linh, in từ năm 1937. Quyển này thuộc về nhà sưu tập Nguyễn Hữu Lệ với giá đấu thắng là 5 triệu đồng.
Nhà sưu tập Nguyễn Hào Hiệp nhận giấy chứng nhận đấu thắng nhưng đã hào hiệp tặng lại quyển Thú chơi sách cho ban tổ chức mặc dù vẫn trả đủ tiền - Ảnh: L.Điền |
Quyển có giá đấu thắng thấp nhất trong toàn phiên là Thú chơi sách của Vương Hồng Sển xuất bản năm 1961. Khác với quyển Sài Gòn năm xưa cũng của Vương Hồng Sển đã đấu thắng với giá 8 triệu đồng trong phiên trước (17-4), quyển Thú chơi sách lần này dừng lại ở mức giá 3 triệu đồng.
Người đấu thắng là anh Nguyễn Hào Hiệp - một người Hà Nội đang công tác tại TP.HCM. Anh Hiệp cho biết vì thấy mức giá đấu quyển này thấp nên tham gia cho vui, chứ “ở nhà tôi có đến 5 quyển này rồi”.
Sau đó, anh Hiệp quyết định tặng lại quyển Thú chơi sách cho ban tổ chức và vẫn ủng hộ số tiền 3 triệu đồng cho quỹ từ thiện.
Đặc biệt, hai bạn đọc nữ là chị Ngọc Anh và chị Kim Lan (trong nhóm bạn với ông Lê Hùng Mạnh, và cùng là thành viên CLB Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ) nhiệt tình tham gia phiên đấu giá lần này với ý định ủng hộ từ thiện, nhưng vì phiên đấu nhiều kịch tính nên hai chị đấu không thành.
Vì vậy, cuối phiên đấu, cả hai chị quyết định mỗi người tặng 5 triệu đồng cho quỹ từ thiện ủng hộ sách cho học sinh ngoại thành.
Đồng thời, khi biết hai chị Kim Lan và Ngọc Anh có ý định tìm kiếm bản in từ trước 1975 quyển Gia huấn ca của Nguyễn Trãi, một nhà sưu tập tại Đường sách ủng hộ ngay 2 quyển cho ban điều hành Đường sách tặng lại hai chị để ghi nhận tấm lòng hai “khách hàng đấu trượt” nhưng vẫn sẵn lòng làm từ thiện.
Hai bạn đọc Ngọc Anh (trái) và Kim Lan được một nhà sưu tập tặng quyển Gia huấn ca ngay tại phiên đấu giá - Ảnh: L.Điền |
Phiên đấu tràn ngập niềm vui của những tấm lòng thiện nguyện. Nhà thơ kiêm MC Lê Minh Quốc có sáng kiến mời nhà thơ Phan Hoàng đọc thơ điểm thêm vào giữa chừng phiên đấu để “giảm nhiệt” những lúc cao trào tranh giá quá kịch tính.
Ông Lê Hoàng - đại diện ban điều hành Đường sách TP.HCM - cho biết ngay sau phiên đấu giá này, với số tiền tổng cộng từ hai phiên đấu giá là 58,8 triệu đồng, ban điều hành Đường sách sẽ làm việc với các nhà xuất bản để chọn sách phù hợp cho các em học sinh và phối hợp với Sở GD-ĐT, Thành đoàn TP.HCM tiến hành đưa sách về cho các em học sinh ở ngoại thành như đã làm các lần trước đây.
Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Lệ (phải) nhận giấy chứng nhận đấu thắng quyển Hai buổi chiều vàng - Ảnh: L.Điền |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận