12/09/2014 10:58 GMT+7

​Sách hay và những kỳ vọng công dân

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Một cao niên nhất là nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, năm nay 94 tuổi, và một tác giả trẻ nhất trong bốn kỳ Sách hay: Trần Quang Đức, 29 tuổi đã đạt giải thưởng Sách hay 2014.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (hàng đầu, bìa trái) và nhà nghiên cứu Trần Quang Đức (thứ ba từ trái) giao lưu với cử tọa tại buổi công bố giải thưởng Sách hay 2014 - Ảnh: L.Điền
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (hàng đầu, bìa trái) và nhà nghiên cứu Trần Quang Đức (thứ ba từ trái) giao lưu với cử tọa tại buổi công bố giải thưởng Sách hay 2014 - Ảnh: L.Điền

Cả khán phòng buổi lễ công bố giải thưởng đã hứng khởi vỗ tay với kết quả trên.

Với quyển Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa, có thể nói nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã dành cả cuộc đời tận tụy để nghiên cứu về sử liệu và chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trong khi đó, tập sách Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức chỉ mới là tác phẩm đầu tay, một “đường gươm ướm thử” của một nhà nghiên cứu bắt đầu sự nghiệp nhưng hé lộ cả một tiềm năng đường dài. Góp phần thay đổi thực trạng đời sống xã hội theo hướng tích cực thông qua trang sách, đó cũng chính là kỳ vọng của giải thưởng từ nhiều năm qua.

Nói ra sự thật

13 cuốn sách đoạt giải thưởng Sách hay 2014

- Nghiên cứu (KHXH & NV): Tác phẩm: Văn hóa tộc người Việt Nam (Nguyễn Từ Chi, NXB Thời Đại & Tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật), dịch phẩm: Bốn tiểu luận về tự do (tác giả: Isaiah Berlin, dịch giả: Nguyễn Văn Trọng, NXB Tri Thức)

- Giáo dục: Tác phẩm: Lý luận giáo dục châu Âu (Nguyễn Mạnh Tường, NXB Khoa Học Xã Hội), dịch phẩm: Nghĩa vụ học thuật (tác giả: Donald Kennedy; dịch giả: Hoàng Kháng, Tô Diệu Lan, Cao Lê Thanh Hải, NXB Tri Thức)

- Văn học (tiểu thuyết): Tác phẩm: Người đi vắng (Nguyễn Bình Phương, NXB Văn Học), dịch phẩm: Bắt trẻ đồng xanh (tác giả: J.D.Salinger; dịch giả: Phùng Khánh, Nhã Nam & NXB Văn Học)

- Kinh tế: Tác phẩm: Báo cáo kinh tế vĩ mô: cải cách thể chế, chìa khóa cho tái cơ cấu (tác giả: Nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô (MAG, NXB Tri Thức & Ủy ban Kinh tế của Quốc hội & UNDP), dịch phẩm: Quốc gia khởi nghiệp (tác giả: Dan Senor & Saul Singer; dịch giả: Trí Vương, Alpha Books & NXB Thế Giới)

- Quản trị: Tác phẩm: chưa tìm được sách để trao giải, dịch phẩm: 7 thói quen để thành đạt (tác giả: Stephen R. Covey; dịch giả: Vũ Tiến Phúc, First News & NXB Trẻ)

- Thiếu nhi (văn học): Tác phẩm: Miền xanh thẳm (Trần Hoài Dương, NXB Kim Đồng), dịch phẩm: bộ sách Nhóc Nicolas (tác giả: Goscinny - Sempé; dịch giả: Trác Phong, Hương Lan, Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn)

- Phát hiện mới: Tác phẩm: Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa (Nguyễn Đình Đầu, NXB ĐH Quốc Gia TP.HCM), tác phẩm: Ngàn năm áo mũ (Trần Quang Đức, Nhã Nam & NXB Thế Giới).

Giải thưởng Sách hay năm nay trao cho hạng mục giáo dục hai quyển sách quan trọng.

Đoạt giải ở thể loại sách viết là quyển Lý luận giáo dục châu Âu: Từ Érasme tới Rousseau thế kỷ XVI, XVII, XVIII của Nguyễn Mạnh Tường. Nguyễn Mạnh Tường là học giả quan trọng của thế kỷ 20, công trình của ông viết về giáo dục châu Âu nhưng có tác dụng cho thấy giáo dục VN hiện nay đang lạc lối như thế nào. 

“Sách hay trao giải cho quyển này cũng nhằm gửi thông điệp đến với mọi người rằng những tác phẩm như thế này sẽ không bao giờ bị lãng quên” - ông Giản Tư Trung, nhà hoạt động giáo dục, đại diện hội đồng xét giải - nhấn mạnh.

Đáng lưu ý là thông điệp đến từ quyển sách dịch: Nghĩa vụ học thuật của Donald Kennedy do nhóm Hoàng Kháng, Tô Diệu Lan, Cao Lê Thanh Hải dịch.

Theo hội đồng xét giải, “Quyển sách này góp phần định nghĩa lại vai trò, trách nhiệm, vị thế của người thầy ở đại học, đặc biệt là những đại học nghiên cứu”.

Ông Giản Tư Trung nhấn mạnh thêm: “Tác giả có nêu cụ thể trong sách tám nghĩa vụ học thuật cơ bản, trong đó có một nghĩa vụ hết sức quan trọng là nói ra sự thật. Nói ra sự thật là một thiên chức của giảng viên đại học”.

Và như một sự hô ứng với nhận định này, ở thể loại tác phẩm viết của hạng mục sách kinh tế, giải Sách hay năm nay chọn quyển Báo cáo kinh tế vĩ mô: Cải cách thể chế, chìa khóa cho tái cơ cấu của Nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô (MAG).

Mọi người có vẻ lạ lẫm khi một quyển báo cáo kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Quốc hội được đánh giá là sách hay, nhưng nhà kinh tế học Bùi Văn trong phần phát biểu công bố giải đã đánh tan những băn khoăn này. 

Theo ông, không như những thông tin ta vẫn thường nghe rằng nền kinh tế chúng ta có tỉ lệ thất nghiệp thuộc hàng thấp nhất, có mức tăng trưởng thuộc hàng cao nhất, chúng ta là một trong những nước đứng đầu thế giới về chỉ số hạnh phúc... thông điệp chính của quyển sách này được đề rõ ngay từ đầu là “Nền kinh tế chưa thoát khỏi vùng trũng suy giảm và vẫn đối diện với nhiều rủi ro”.

Sách này nói rằng VN vẫn nằm trong vùng suy giảm kéo dài từ năm 2010. Đây chính là lời “nói thật” quan trọng về nền kinh tế, đã thuyết phục hội đồng xét giải Sách hay năm nay.

Những thông điệp tử tế

TS Quách Thu Nguyệt đã không kìm được xúc động khi công bố quyển Miền xanh thẳm của Trần Hoài Dương đoạt giải ở hạng mục thiếu nhi.

Xúc động không chỉ ở giao tình đồng nghiệp hồi tác giả còn tại thế, mà chính vì Miền xanh thẳm là khung trời ký ức tuổi thơ tươi đẹp của tác giả khi xưa, một không gian sống, học, đọc mà các thế hệ thiếu nhi VN sau này đã không còn có được.

Ở thể loại tác phẩm dịch, loạt truyện Nhóc Nicolas của Goscinny - Sempé do nhóm Trác Phong và Hương Lan dịch đoạt giải lại khẳng định ở phương diện khác: một không gian sống hiện đại với những nét hồn nhiên, cá tính mà đậm chất nhân văn khiến hàng triệu độc giả đều xúc động, yêu thích không phân biệt màu da, chủng tộc.

“Trao giải cho hai tác phẩm này, chúng tôi muốn chuyển đến công chúng một thông điệp về khát vọng tạo dựng môi trường giáo dục trong lành, nhiều dưỡng chất hơn nữa cho các em thiếu nhi” - bà Quách Thu Nguyệt chia sẻ.

Ở hạng mục văn học, Sách hay vinh danh quyển tiểu thuyết Người đi vắng của Nguyễn Bình Phương là “muốn biểu dương sự tìm tòi độc đáo trong thủ pháp nghệ thuật khi thể hiện những con người bất an trong cả chiều dày của lịch sử, cả hôm qua và hôm nay”, như lời của đại diện ban giám khảo khi công bố giải. 

Một dịch phẩm của Phùng Khánh là Bắt trẻ đồng xanh (J. D. Salinger) cũng nhận giải văn học đợt này. Đại diện ban giám khảo tâm sự sách này dùng ngôn ngữ thô kệch nhưng lại đầy chất thơ. Sách gợi cho ta nhớ đến phim Chuyện tử tế của Trần Văn Thủy, và chúng ta vẫn đang cần những người tử tế, những người không “làm bộ làm tịch” như cách dùng chữ của dịch giả Phùng Khánh.

Tinh thần của giải thưởng Sách hay, nói như nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn là đề cao tinh thần khai minh của sách, phát huy óc dân chủ, tinh thần khai phóng và đứng ngoài mọi định kiến của xã hội. Đó cũng là tư thế đáng trân trọng của một giải thưởng sách hoàn toàn vì sự tiến bộ của xã hội công dân.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên