14/04/2019 09:24 GMT+7

Sách giáo khoa nằm lề đường

LÊ VĂN NGHĨA
LÊ VĂN NGHĨA

TTO - Một buổi chiều đi ngang qua rạp Nam Quang (cũ) ở đường Cách Mạng Tháng Tám (TP.HCM), bỗng thấy như đi về một nơi chốn kỷ niệm của thời học trò.

Sách giáo khoa nằm lề đường - Ảnh 1.

Sách giáo khoa tại Sài Gòn thập niên 1970 - Ảnh tư liệu

Nhìn quanh quất đâu rồi Trường Trường Sơn - nơi mà một số bạn tôi trong đó có GS Huỳnh Như Phương, ông cựu Hội đồng nhân dân TP Nguyễn Thanh Chín đã một thời cắp sách. An ủi là thấy được chiếc xe bánh tiêu, dầu cháo quẩy vẫn kiên gan đứng cùng năm tháng, tỏa mùi thơm. Có ai ngang đây còn nhớ khu chợ sách cũ ở khoảng đường từ Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) đến Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) ngày xưa, gần Trường Trường Sơn?

Sách giáo khoa cũ ở chợ trời

Tôi không phải học sinh Trường Trường Sơn nhưng cùng rất nhiều bạn bè thường xuyên có mặt ở khu này để mua sách giáo khoa cũ, giá rẻ. Thay vì phải ra khu sách cũ Lê Lợi, chúng tôi thường đến đây - thuộc loại "tốp ten" trong thời kỳ đó, với một loạt năm, sáu quầy sách "chạy". Đặc biệt, nơi này bán nhiều nhất là sách giáo khoa cũ, "phục vụ" cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, không đủ tiền mua sách giáo khoa mới.

Sách được bày bán trên những tấm nilông, nằm phơi mưa nắng trên lề đường. Chủ quầy phục vụ cả chuyện mua lại sách cũ. Học sinh học xong bèn đem sách bán lại, lấy tiền mua sách khác.

Tấp nập học trò tìm đến khu sách này vào đầu năm học. Có thể tìm thấy ở đây sách giáo khoa đủ các môn học như quốc văn, hình học, đại số, Việt sử, thế giới sử, triết học, công dân... từ đệ thất đến đệ nhất (lớp 6-12) của các giáo sư nổi tiếng lúc đó như Trần Hữu Quảng, Đào Văn Dương, Nguyễn Đức Kim, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Tá, Bùi Hữu Đột, Lê Xuân Mai, Vũ Đình Lưu, Nguyên Sa - Trần Bích Lan, Nguyễn Xuân Hoàng... Sách nào cũng được các tác giả hoặc nhóm tác giả là giáo sư đang dạy tại các trường trung học lớn tại Sài Gòn soạn thảo theo chương trình của Bộ Quốc gia giáo dục ban hành. Bộ Quốc gia giáo dục không có nhà xuất bản và không bao giờ in sách để bán mà chỉ có một Trung tâm Học liệu in những quyển sách thuộc loại tham khảo quý hiếm và không bán.

Sở dĩ học sinh nghèo chúng tôi dám mua lại sách cũ để học vì chương trình học của năm học trước với năm học sau không hề có thay đổi hay cải cách kiểu con rùa lật ngửa.

Sách giáo khoa nằm lề đường - Ảnh 2.

3 học trò, 3 quyển sách khác nhau

Nhớ lại ngày xưa, học sinh mua sách toán thường mua của tác giả Đặng Sĩ Hỹ vì sách của ông giải thích và hướng dẫn làm bài tập dễ hiểu. Thời đó mua sách giáo khoa của nhà xuất bản Trường Thi và Sống Mới là yên tâm... thi đậu nếu chịu học. Bởi vậy, trong giờ một môn học mà ba người bạn ngồi cạnh có ba quyển giáo khoa khác nhau. Nếu cần thì tham khảo qua lại để bù cho thiếu sót của từng tác giả. Nhiều khi học một cuốn trở thành ba thì lời quá rồi còn gì?

Tất nhiên khi ra quầy sách vỉa hè Nam Quang, nếu gặp sách của thầy đang dạy môn mình học là "chớp" liền, dù có hơi đắt một chút cũng chịu vì năm sau có thể bán lại. Nhiều vị giáo sư nổi tiếng lúc đó như Bùi Hữu Đột, Nguyễn Thanh Khiết, Nguyễn Đức Dương, Nguyễn Đức Kim, Huỳnh Bá Huệ Dương (về toán, lý, hóa) và Trần Bích Lan, Nguyễn Sỹ Tế, Nguyễn Xuân Hoàng (văn, triết)... cũng được các nhà xuất bản đổ xô mời viết sách giáo khoa. Nhưng các giáo sư không bao giờ bắt học sinh mua sách của mình, mà có thể mua sách bất cứ tác giả nào, miễn phù hợp túi tiền của gia cảnh. Bởi vậy khi học giờ triết của thầy Trần Bích Lan mà học sinh lại dùng sách giáo khoa của thầy Nguyễn Xuân Hoàng hay Bùi Giáng tiên sinh..., ấy là sự thường. Nếu có học sinh nào "cá biệt" tham khảo càng nhiều sách thì càng được giáo sư "quéo còm" (welcome) hơn nữa vì biết mở rộng kiến thức bằng nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, ắt sẽ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên lớp trên.

Theo tháng năm đi về phía chân trời và không phải đi học nữa, ngoái lại nhìn tôi biết có một số bậc thức giả, đóng góp nhiều cho đời trong nhiều lĩnh vực cũng đã từng học từ sách giáo khoa cũ mua ở chợ trời. "Thằng bạn" ngồi cạnh tôi, bây giờ là giáo sư tiến sĩ thứ thiệt bên nước con chuột túi đã từng trả giá từng đồng với chú bán sách vì cái bìa rách. Còn GS Huỳnh Như Phương chắc cũng đã từng mua sách ở đây nhiều vì trường ông học thì gần xịch khu chợ sách cũ này? Cái sự học ấy sao mà vui, ngày xưa ta ơi!

Chúng tôi chỉ chọn tác giả nào viết sách mà chúng tôi cho là dễ hiểu, phù hợp với trình độ của mình. Chúng tôi mua sách của tác giả nào mình thấy khoái, giá rẻ, chứ chẳng sợ sách dạy ngoài luồng vì cuốn sách nào cũng ghi soạn theo chương trình của Bộ Giáo dục, có chú thích ở trang đầu: “Sách này soạn thảo theo chương trình giáo dục hiện hành”.
Tìm lại vàng son trong sách cũ

TTO - Thị trường sách Việt Nam trong hai năm nay đang chứng kiến một cuộc “trở lại” của những quyển sách từng nổi tiếng một thời nhưng tuyệt bản đã lâu.

LÊ VĂN NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên