28/12/2019 18:11 GMT+7

Sách giáo khoa mới: NXB hứa 'bán chịu', cơ sở giáo dục nói 'không có tiền mua'

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Tại hội nghị trực tuyến giới thiệu các bộ sách giáo khoa mới do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ngày 28-12, đại diện NXB Giáo Dục VN cho biết sẵn sàng "bán chịu cho các nhà trường các bộ sách giáo khoa mới" để tạo điều kiện cho giáo viên tiếp cận sách.

Sách giáo khoa mới: NXB hứa bán chịu, cơ sở giáo dục nói không có tiền mua - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến giới thiệu SGK lớp 1 do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức tại 30 điểm cầu trong cả ngày 28-12- Ảnh: VĨNH HÀ

Hiện tại sách giáo khoa (SGK) mới chưa có giá cụ thể, nhưng nếu các nhà trường cần SGK để cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh tiếp cận, nghiên cứu có thông tin đầy đủ cho việc chọn sách giáo khoa thì NXB sẽ "bán chịu" - ông Phạm Xuân Tiến, phó giám đốc Sở GD-ĐT, chủ trì phiên họp buổi chiều giới thiệu SGK lớp 1 mới trong ngày 28-12, thông tin lại chủ ý của lãnh đạo NXB Giáo Dục Việt Nam.

Đáp lại thông tin này, một đại diện của Phòng GD-ĐT thị xã Sơn Tây, Hà Nội bày tỏ quan điểm: "Chúng tôi không có tiền chi trả cho việc mua sách để nghiên cứu phục vụ việc chọn SGK mới. Nếu các đơn vị xuất bản SGK muốn giới thiệu sách để chúng tôi chọn thì xin hãy chuyển SGK cho chúng tôi được tiếp cận".

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về việc không được tiếp cận đầy đủ thông tin trước khi đóng góp ý kiến và tham gia chọn SGK mới cho năm học tới.

Sách giáo khoa mới: NXB hứa bán chịu, cơ sở giáo dục nói không có tiền mua - Ảnh 2.

Chủ biên một SGK chia sẻ về quan điểm biên soạn - Ảnh: VĨNH HÀ

Đại diện Phòng GD-ĐT huyện Thạch Thất, Hà Nội có ý kiến: trong 5 bộ SGK mới được thông tin tại hội nghị thì chỉ có bộ sách "Cánh diều" được dành thời gian cho các tổng chủ biên, chủ biên chia sẻ kỹ, 4 bộ SGK còn lại chỉ thông tin chung chung. "Chúng tôi có nguyện vọng được giới thiệu cụ thể thêm 4 bộ SGK còn lại một cách rõ nét để có đủ cơ sở cân nhắc những ưu điểm của mỗi bộ và phục vụ việc chọn sách".

Đại diện hiệu trưởng và lãnh đạo phòng GD-ĐT các huyện Quốc Oai, Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Hoàn Kiếm cũng có chung ý kiến muốn được tiếp cận đầy đủ 32 đầu SGK mới đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt thì mới có đủ dữ liệu cho việc chọn SGK.

Ông Ngô Văn Chức, phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sóc Sơn, Hà Nội đề nghị "Sở GD-ĐT Hà Nội cần kết nối với các NXB để đưa các bộ SGK và tài liệu giới thiệu về bộ SGK lên một trang web để đông đảo giáo viên, phụ huynh cùng được tiếp cận, có ý kiến làm cơ sở cho hội đồng chọn SGK các trường lựa chọn".

Trao đổi về các ý kiến trên, ông Phạm Xuân Tiến đồng tình với ý kiến đưa thông tin về các bộ SGK lên mạng để nhiều người được tiếp cận.

Về kiến của đại diện ở Sơn Tây, ông Phạm Xuân Tiến trao đổi: Cho dù chọn 1 bộ SGK nhưng các nhà trường vẫn có thể đầu tư các SGK khác làm tài liệu tham khảo cho giáo viên trong thư viện nhà trường. Vì thế việc mua SGK để nghiên cứu trong giai đoạn chọn sách không lo không có kinh phí mà có thể sử dụng kinh phí được cấp mua sách tham khảo cho thư viện.

Trước đó, khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo thông tư quy định chọn SGK với thẩm quyền quyết định chọn SGK thuộc lãnh đạo các nhà trường đã có đơn vị xuất bản SGK lo lắng về việc khó có thể bỏ ra 6-7 tỉ đồng cung ứng SGK cho từng nhà trường. Các địa phương không hỗ trợ mà để các đơn vị xuất bản SGK tự lo cung ứng thì việc "thiếu thông tin" cho các cơ sở chọn sách rất có thể sẽ xảy ra.

Dù vậy, trong thời điểm hiện tại đã có đơn vị xuất bản chấp nhận chi tiền cấp miễn phí sách giới thiệu cho một số nhà trường. Tuy nhiên, họ không thể "phủ sóng" toàn bộ hệ thống trường học trên cả nước.

Tại hội nghị trên, hầu hết các ý kiến của cán bộ quản lý cấp quận, huyện đều mong muốn Bộ GD-ĐT sớm ban hành thông tư quy định chọn SGK.

"Chúng tôi cần có thời gian để nghiên cứu kỹ trước khi quyết định lựa chọn" - một ý kiến của cán bộ quản lý tại Hà Nội trao đổi trong hội nghị.

Một số người cũng lo lắng về việc tập huấn cho giáo viên sử dụng SGK sẽ triển khai như thế nào, kinh phí từ đâu ra. Trao đổi thêm về việc này, ông Phạm Xuân Tiến cho biết sau khi Bộ GD-ĐT ban hành thông tư, các nhà trường thành lập hội đồng chọn SGK xong. NXB có SGK được các trường chọn sẽ có trách nhiệm cung cấp sách và phối hợp tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên.

Hội nghị giới thiệu SGK thực hiện chương trình GD phổ thông 2018 được Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức theo hình thức trực tuyến với 30 điểm cầu, thu hút 7.000 người, bao gồm lãnh đạo Sở GD-ĐT, lãnh đạo các phòng chức năng của sở, lãnh đạo phòng GD-ĐT quận, huyện, ban giám hiệu các trường tiểu học và giáo viên dự kiến dạy lớp 1 năm học 2020-2021.

Đây là cơ hội đầu tiên để các cơ sở GD ở Hà Nội tiếp cận với đại diện các nhóm tác giả và NXB có SGK mới. Tuy nhiên, như các ý kiến của các cơ sở, thời gian bố trí cho các bộ SGK không cân đối, thời gian để cán bộ, giáo viên được trao đổi hạn chế. Nhu cầu hiểu hơn về các bộ SGK trước khi lựa chọn vẫn là mong muốn chung của nhiều người.

Chọn sách giáo khoa: Cuộc chơi không công bằng Chọn sách giáo khoa: Cuộc chơi không công bằng

TTO - Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra văn bản hướng dẫn chọn sách giáo khoa (SGK), còn chọn thế nào là việc của địa phương, cụ thể là của mỗi trường.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên