Sách giả (bên trái) có mực in không đều, màu sẫm, thiếu sắc nét và chất lượng giấy kém hơn sách thật (bên phải)
Dùng sách giả: Hậu quả khôn lường
Sách giả được tạo ra bằng cách sao chụp rồi in lại, hoặc gõ lại nội dung rồi sao chép cách trình bày của sách thật. Người gõ lại nội dung chỉ đơn thuần là nhập liệu, không có trình độ của đội ngũ biên soạn nên thường để lại những sai sót, dẫn đến sai lệch nghiêm trọng về kiến thức.
Chị T.N.H. (quận 8, TP.HCM) cho biết: "Thú thật là trước kia tôi nghĩ sách giả là sách không có bản quyền, chứ nội dung bên trong y hệt sách thật, nên không ảnh hưởng gì đến người học cả.
Đến khi chính mình và con mình trực tiếp trải nghiệm thì mới thấy quả là không đơn giản như thế. Chẳng hạn như một số bài tập Toán, chỉ cần sai một dấu thôi cũng khiến bản chất khác đi, thậm chí sai đề, làm học sinh hoang mang".
Tình trạng này cũng thường gặp ở những quyển sách giả môn Địa Lý khi có sự lẫn lộn giữa đường liền và đường cách đoạn dẫn đến sai kiến thức về biên giới, lãnh thổ.
Kho tài nguyên số đi kèm với sách là nguồn học liệu đính kèm không thể thiếu trong quá trình học của các em học sinh.
Với những đầu sách ngoại ngữ có kho học liệu trực tuyến đi kèm thì sách giả tất nhiên thiếu mất hoàn toàn nội dung này.
Ví dụ như mỗi quyển sách trong bộ SGK tiếng Anh i-Learn Smart Start, i-Learn Smart World (do Tập đoàn Giáo dục Đại Trường Phát biên soạn, phát hành) đều có một mã code riêng, dùng để kích hoạt sử dụng kho học liệu trực tuyến trên EduHome (với phần bài tập thực hành và nhiều tư liệu tham khảo giá trị khác: các hoạt động tương tác, trò chơi lôi cuốn, hấp dẫn người học).
Sách giả không có mã code hoặc mã code đã được sử dụng trước đó, đồng nghĩa với việc học sinh không thể tiếp cận tài liệu học tập trực tuyến.
"Sai kiến thức, không có tiện ích và phần mềm hỗ trợ dạy và học là hai tác hại rõ ràng của sách giả. Vì thế, dù vô tình hay cố ý sử dụng sách giả thì hậu quả nó mang lại thật sự khôn lường" - cô giáo N.T.N.O. ở tỉnh Đắk Lắk cho biết.
Hình thức kém, chất lượng thấp
Những đợt truy quét các cơ sở gia công sách giả cho thấy đa số các lò in sử dụng máy móc cũ kỹ, lỗi thời, mục đích để khi chẳng may bị phát hiện và tịch thu tang vật cũng không thiệt hại lớn.
Chính vì vậy, sách giả ra đời từ những lò này có chất lượng in ấn kém khiến chữ bị mờ nhòe, màu sắc lem nhem. Các cơ sở này cũng không có những công nghệ in đặc biệt, hiện đại như dập nổi, ép nhũ, cán mờ, bóng điểm… ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực học sinh.
Chứng kiến nạn sách giả hoành hành nhiều năm nay, cô N.T.T., một giáo viên tiếng Anh ở tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ: "Nhiều phụ huynh ở nông thôn không biết phải mua sách ở đâu mới uy tín, chỉ biết đến các hiệu sách gần nhà. Lên lớp các cháu học, lật tờ nào bị bong ra tờ đó. Có hôm tôi phải mang cả chục quyển sách của các cháu về nhà, lấy bấm lớn đóng gáy lại từng quyển. Tình trạng này khiến cả cô cả trò đều bức xúc, phụ huynh thì hoang mang".
Không chỉ gây khó khăn cho công tác dạy và học của giáo viên và học sinh, sách giả còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đơn vị xuất bản chân chính.
Tập đoàn Giáo dục Đại Trường Phát (DTP) - một trong những đơn vị có số lượng sách giáo khoa Tiếng Anh chiếm phần lớn thị trường - cho biết thường xuyên nhận được phản ánh về việc mua nhầm sách giả, sách lậu từ phụ huynh. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng hơn vào mỗi mùa tựu trường.
Bà Vũ Thị Thu Liên - Giám đốc Kinh doanh của Văn phòng đại diện của DTP tại Phú Thọ - cho biết: "Sách giả khiến những nhà làm sách như chúng tôi lao đao vì vừa mất doanh thu, vừa bị ảnh hưởng xấu về danh tiếng.
Trước mắt, chúng tôi đã nhanh chóng gửi nhiều văn bản đến sở giáo dục và đào tạo cùng các cơ quan chức năng khác ở từng địa phương, đồng thời tích cực hướng dẫn, cung cấp thông tin để người dùng phân biệt được sách thật - sách giả. Bên cạnh đó, chúng tôi khuyến cáo phụ huynh và học sinh tìm đến các cửa hàng phân phối theo ủy quyền của nhà xuất bản để tránh mua phải sách giả".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận