Đây là chuyện được bàn luận nhiều trong những ngày qua.
Giảm giá sách, không dễ!
Trong câu chuyện giá SGK của chương trình mới (chương trình giáo dục phổ thông 2018), tình trạng giá sách cao gấp 3-4 lần so với sách chương trình cũ không chỉ xảy ra với sách của Nhà xuất bản Giáo Dục VN (NXB GD).
Đây là tình trạng chung với SGK xã hội hóa của năm NXB tham gia biên soạn phát hành. Nếu tính chi li thì sách của một vài NXB khác còn cao giá hơn sách của NXB GD.
Dư luận cũng hoàn toàn có thể đặt câu hỏi: Khi NXB GD "đội giá vật tư" khiến giá sách tăng, vậy các NXB khác có sai phạm tương tự không?
Từ chính giải trình về yếu tố cấu thành giá và những phân tích nhiều chiều về câu chuyện giá SGK, có thể thấy việc giảm giá không dễ như tâm lý hồ hởi của nhiều người trước biến cố của NXB này.
Trong một lần giải trình trước Quốc hội, bộ trưởng Bộ GD-ĐT từng giải thích lý do tăng giá sách không chỉ do giá giấy công in mà còn do những thay đổi về yêu cầu của chương trình mới.
Cụ thể về nội dung, hình thức và những thay đổi căn bản do nguồn kinh phí biên soạn, xuất bản SGK do doanh nghiệp huy động, không có phần kinh phí từ ngân sách nhà nước hay vốn vay Ngân hàng Thế giới như trước đây.
Bối cảnh xã hội hóa SGK cũng đặt các đơn vị làm sách vào môi trường phải cạnh tranh để có thị phần tốt nhất, phải cân đối để có lợi nhuận hợp lý thay vào mục tiêu phục vụ nhiệm vụ chính trị là chủ yếu như trước.
Bàn về giá sách phải đặt trong hoàn cảnh mới của SGK xã hội hóa với những yếu tố tác động đến nó mới có thể đánh giá một cách đầy đủ. Từ đó nhìn thấy những yếu tố nào là hợp lý và phải thích nghi, yếu tố nào chỉ là sự ngụy biện cho sự trục lợi, móc túi người dân như dư luận lên án, chỉ trích lâu nay.
Môi trường tốt cho xã hội hóa SGK
Chống tiêu cực phải đi cùng với việc xây dựng một môi trường pháp lý thân thiện, minh bạch thì mới khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư tham gia. Nếu chỉ có đòi hỏi và chỉ trích vào giá sách là cách nhìn phiến diện, cản trở cho việc phát triển SGK xã hội hóa, đồng thời khó có thể đạt được yêu cầu về chất lượng và cung ứng kịp thời SGK cho học sinh.
Theo tôi, để giải quyết triệt để hơn, cần rà soát tổng thể các yếu tố xây dựng giá. Song song với xử lý trách nhiệm các đơn vị và cá nhân sai phạm, cần khẩn trương rà soát quy định pháp lý để vừa lấp kẽ hở nảy sinh tiêu cực vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân tham gia lĩnh vực này.
Trên thực tế, nhiều quy định liên quan tới quy trình đấu thầu ở các khâu của xuất bản SGK đang bất cập khiến cho các đơn vị để đạt mục tiêu có thể phải lách luật, làm tắt. Môi trường pháp lý chưa đầy đủ, minh bạch cũng làm nảy sinh tiêu cực trong nhiều khâu, khiến "chi phí thị trường" của các đơn vị xuất bản lên cao hơn.
Trách nhiệm xã hội của đơn vị xuất bản
Khi xã hội hóa SGK thì phải chấp nhận việc các đơn vị xuất bản có lợi nhuận, thậm chí chấp nhận sự đa dạng về "mặt hàng" tùy theo mức giá chứ không thể đòi hỏi sách "đồng phục" giá rẻ.
Việc chấp nhận này là một hành trình không thể một sớm một chiều. Đi cùng với đó là sự hoàn thiện về pháp lý, là cơ chế giám sát chặt chẽ đảm bảo ngăn chặn mầm mống tiêu cực.
Và bên cạnh việc tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị xuất bản SGK, cần ràng buộc trách nhiệm xã hội cụ thể đối với họ trong việc hỗ trợ, cung cấp SGK cho người nghèo, cho tủ sách dùng chung của các nhà trường.
Nỗi lo thiếu sách đầu năm học tới
Việc in và bán SGK như một chiếc bánh lớn thơm ngon, hấp dẫn. Hàng chục năm qua, dư luận bức xúc với việc chỉ có một NXB độc quyền in sách này.
Nhưng nếu công tâm nhìn nhận thì SGK chương trình cũ rất rẻ so với các loại sách khác trên thị trường. Sách chương trình mới có nhiều đơn vị tham gia làm và in sách. Bao người đã nghĩ khi bỏ độc quyền thì giá sách sẽ giảm, nhưng thực tế giá SGK đã không thể rẻ hơn trước đây.
Giá sách không thể rẻ hơn khi "chiếc bánh thơm" đã chia năm xẻ bảy. Nhiều đơn vị làm sách và in sách bán, thị phần bị chia nhỏ. Lượng sách mỗi đơn vị in chỉ là một phần so với số lượng sách NXB GD in trước đây. In ít thì giá hẳn nhiên không thể rẻ hơn so với in số lượng nhiều.
Không có những lợi thế như NXB GD trước đây, các đơn vị in sách sẽ phải thận trọng, dè dặt để tránh việc sách in ra không bán hết. Trong tình hình này, một phụ huynh như tôi lo nhất là chuyện sách có đủ và kịp thời cho năm học mới hay không!
MINH ĐỨC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận