10/06/2017 09:22 GMT+7

Sách giáo khoa chưa mới đã kịp... cũ

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Kế hoạch làm chương trình, sách giáo khoa mới lần này được Bộ GD-ĐT “phôi thai” ngay từ khi chương trình, sách giáo khoa mới trước đó còn… chưa chạy hết một chu trình cuốn chiếu.

Phát hiện bất ngờ trên vừa được Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội chỉ ra tại phiên họp chuyên đề nghe bộ trưởng Bộ GD-ĐT báo cáo về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. 

Lần giở lại báo cáo về kết quả đánh giá chương trình giáo dục và sách giáo khoa phổ thông theo nghị quyết 40/2000/QH10 vào tháng 5-2008, đã thấy Bộ GD-ĐT lên kế hoạch nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới để triển khai sau năm 2010.

Kỳ lạ thay, khi Bộ GD-ĐT đưa ra kế hoạch này, sách giáo khoa lớp 12 của chu kỳ đổi mới trước vẫn chưa được áp dụng đại trà.

Nghĩa là sách giáo khoa mới còn chưa kịp đưa vào giảng dạy ở tất cả trường phổ thông, hiệu quả chưa biết ra sao thì việc xây dựng chương trình mới, sách giáo khoa mới đã được rậm rịch chuẩn bị tự bao giờ.

Chưa có lời giải thích nào - dù muộn màng - về việc ra đời quyết sách này, nhưng có lẽ cũng khó có giải trình nào giúp người dân vơi được cảm giác “xót tiền” khi biết rõ kinh phí xây dựng chương trình, sách giáo khoa, chuẩn bị các điều kiện đồng bộ với chương trình theo nghị quyết 40 lúc bấy giờ là lớn.

Bắt tay vào xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới lần này, Bộ GD-ĐT đã tiêu tốn quỹ thời gian không nhỏ khi nghị quyết 88 của Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa ra đời đến nay đã được gần ba năm.

Nếu theo đúng lộ trình, chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được thực hiện từ năm học 2018-2019.

Thời gian còn lại chỉ là 15 tháng mà công việc phía trước còn quá bộn bề: sau chương trình tổng thể, còn phải biên soạn, thẩm định, thực nghiệm chương trình các môn học, biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các bộ sách giáo khoa, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên…

Bộ GD-ĐT chắc chắn hiểu hơn ai hết áp lực thời gian đối với việc xây dựng một chương trình vừa mới lại vừa đòi hỏi phải khả thi, chất lượng.

Đã có nhiều lời can gián bộ nên kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Dù về mặt thủ tục hành chính còn “hạ hồi phân giải”, nhưng câu trả lời có vẻ đã khá rõ ràng khi chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận “trong trường hợp chưa thực sự yên tâm về chất lượng và điều kiện thực hiện, Bộ GD-ĐT sẽ báo cáo Chính phủ để Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội đề nghị điều chỉnh thời điểm bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới”.

Việc triển khai thực hiện đề án rõ ràng đã bị chậm về tiến độ vì đến lúc này bộ còn chưa thông qua được chương trình tổng thể. Song có chuyên gia giáo dục hóm hỉnh cho rằng Bộ GD-ĐT đang sở hữu may mắn một cách rất tự nhiên khi sau nhiều lần đổi mới, người dân hoàn toàn không mảy may trách cứ gì nếu việc đổi mới giáo dục chậm trễ.

Lý do đơn giản vì phụ huynh đã thường trực nỗi lo con em mình rơi vào cảnh làm “chuột bạch”, thấp thỏm “cải tiến thành cải lùi” nên không còn mặn mà với cải cách.

Với lịch sử đổi mới chương trình, sách giáo khoa khiến cho chính cơ quan giám sát về giáo dục của Quốc hội phải băn khoăn, thì không thể ngăn người dân đặt dấu hỏi về tuổi thọ của chương trình, sách giáo khoa mới mà bộ đang dốc sức triển khai.

Đành rằng chương trình giáo dục cần có sự cập nhật phù hợp với vận động của cuộc sống, nhưng dù đổi mới theo cách nào thì lộ trình canh tân phải hiện ra được một chiến lược phát triển dài hạn, chứ không thể tái diễn cảnh “chưa mới đã… cũ”, nhất là khi đề án ấy tiêu tốn cả ngàn tỉ đồng.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên