21/04/2019 09:49 GMT+7

Sách cũ bán online cũng 'hủy gạch', 'bùm hàng', chặn Facebook...

RA NY
RA NY

TTO - Nhân Ngày sách Việt Nam (21-4), tôi - một cuốn sách cũ giá 40.000 đồng (giá bìa 100.000 đồng) - xin nói đôi lời tâm sự của mình và cũng là của nhiều người bán sách qua mạng.

Sách cũ bán online cũng hủy gạch, bùm hàng, chặn Facebook... - Ảnh 1.

Giá bán sách cũ online thường rẻ hơn so với sách mới xuất bản, đôi khi cao hơn vì thuộc loại sách khó tìm hoặc căn cứ năm xuất bản... - Ảnh: RA NY

Mục đích chỉ để các mọt sách hiểu công việc này hơn, để chúng tôi đến tay chủ nhân mới mà không quá nhọc nhằn.

Cô chủ đón tôi về cách đây ba tháng. Ban đầu cô đăng bán tôi trên fanpage với giá 50.000 đồng. Một người ở Hà Nội đặt "gạch" mua cùng 3, 4 cuốn sách nữa.

Huỷ "gạch", "bùm" hàng

Ai dè một tuần sau người đó hủy "gạch". Trước đó cũng có người đặt nhưng cô ưu tiên bán cho người đặt trước. Nay thì không ai mua cả.

Chuyện đó cũng thường thôi.

Hôm trước, một khách yêu cầu cô chủ chụp tôi trang bìa, trang 5, 15, 20, 35, 75 để kiểm tra chất lượng các trang. Chụp xong, người này nói cô làm tương tự với 5, 6 quyển khác. Cô loay hoay chụp gửi một hồi, cuối cùng mấy ngày sau người này cũng không trả lời mua hay không.

Một số người ở xa thường chọn cách đặt một quyển rồi đợi chọn thêm vì sách online đăng bán nhiều đợt. Thế nhưng có khi cả năm, người mua cũng chưa ưng thêm quyển nào. Mỗi lần cô chủ nhắc theo quy định fanpage "đã hết một tuần đặt gạch, bạn không lấy thì mình hủy nhé", khách vẫn "lấy mà, để cho mình đi" và hẹn tiếp.

Theo lời khuyên của bạn bè bán online, cô chủ chọn cách yên cầu khách mua chuyển khoản trước tiền sách và phí bưu điện nếu ở xa. Nhưng nhiều khi vì tin tưởng, có cả số điện thoại và địa chỉ nên cô chuyển sách trước, rồi đợi mãi không thấy chuyển tiền. Đến lúc gọi điện, nhắn tin Facebook thì bị chặn.

Cô chủ cũng từng ship COD, nghĩa là chuyển hàng trước cho người mua, bưu điện sẽ thu hộ tiền hàng. Một số trường hợp người mua không lấy hoặc hẹn tới hẹn lui với nhân viên bưu điện rồi "xù". Cô chủ chịu thêm một lần phí chuyển hoàn, có khi còn cao hơn tiền cuốn sách. Trên các hội nhóm, thi thoảng lại có "bóc phốt" người mua vì gặp tình trạng này.

Hiện nay, nhiều cách vận chuyển ra đời như dịch vụ chuyển phát tận nhà hoặc thông qua một trang bán hàng trung gian để được giảm phí. Thế nhưng giá trị của đơn hàng sách đôi khi không cao, người mua khi nghe phí vận chuyển thường e ngại nên thường chọn cách gửi qua bưu điện. Gửi bưu điện thì lại xảy ra tình trạng trên.

Free ship - câu cửa miệng

Free ship cũng là câu chuyện hơi buồn. 10 người hỏi mua thì 4, 5 người đề nghị miễn phí hoặc giảm phí vận chuyển. Các mọt sách nếu thật sự yêu quý sách và muốn có sách đọc, khi chọn được cuốn sách yêu thích - giá thấp hơn sách mới, thậm chí tìm được nhiều cuốn hiếm - thì tại sao lại kỳ kèo một ít tiền, lại "ngâm" sách vì nghĩ có một cuốn chuyển bưu điện tốn tiền.

Không kể những fanpage bán sách lớn, nhiều người bán sách online như cô chủ tôi chỉ có số vốn nhỏ, mua sách một phần để đọc và sưu tầm, phần bán cho người cần. Tại sao khi bỏ tiền mua ly trà sữa, bộ quần áo, tiền ship bao nhiêu bạn cũng chịu trong khi lại kỳ kèo khi mua vài quyển sách. Hay sách là món không có giá trị?

Như tôi đây, trầy trật nhiều lần vẫn chưa bán được dù cô chủ đã giảm giá. Tủi thân.

Cách đây chừng 5 năm, việc mua bán sách trực tuyến chưa rầm rộ như bây giờ. Người muốn tìm sách mình cần cũng khó vì sách xuất bản đã lâu hoặc hết hàng tại các nhà sách.

Nay thì mọi thứ tiện lợi hơn. Không chỉ các tiệm sách cũ, các fanpage, hội nhóm mua bán sách trên mạng cũng được lập ra khá nhiều.

Ngoài những người mua sách chưa "đẹp", vẫn có nhiều khách mua nhanh gọn và lịch sự, tạo động lực cho người bán. Chợ sách online đôi khi cũng có người bán sách không đàng hoàng, nhận tiền nhưng không chuyển sách hoặc sách kém chất lượng khiến người mua thiếu tin tưởng.

Hi vọng sau khi đọc tâm sự của một cuốn sách cũ như tôi, môi trường bán sách trực tuyến sẽ văn minh nhẹ nhàng như khi bạn giở một trang sách.

Lễ hội sách cũ Thăng Long gợi nhiều ký ức xưa cũ

TTO - Với ý nghĩa gìn giữ và phát huy văn hóa đọc sách của người dân thủ đô, Lễ hội sách cũ Thăng Long đã khai mạc sáng 22-2 tại sân Hồ Văn (thuộc di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám).

RA NY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên