Tham gia buổi trò chuyện có nhà thơ Lê Minh Quốc, tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, nhà thơ Phong Việt, cây viết trẻ Anh Khang và Ploy Ngọc Bích.
Các khách mời tham gia trong chương trình - Ảnh: T.Huệ |
Bestseller hay longseller?
Với tư cách là một cây viết trẻ có sách bán chạy nhất hội sách vừa qua, Anh Khang chia sẻ chân thành: Bestseller không quan trọng bằng longseller (cuốn sách có giá trị lâu dài). Anh cũng tự nhận mình không phải là một nhà văn mà chỉ đơn giản là một người viết muốn truyền cảm hứng cho người đọc cùng trang lứa với mình, lắng nghe cảm xúc của mình, kêu gọi mọi người ngồi xuống sống chậm lại… Và danh hiệu bestseller mà cuốn sách của anh nhận được không nói lên ý nghĩa gì cả ngoài việc thể hiện rằng Khang đang được nhiều người yêu mến. |
4 trong số tác giả có sách bán chạy trong Hội sách lần thứ 8 vừa qua là những cây viết trẻ với những tác phẩm như Buồn làm sao buông của Anh Khang, Người yêu cũ có người yêu mới (Iris Cao), Thương nhau để đó (Hamlet Trương), Nếu như không thể nói nếu như (Jun Phạm).
Trong đó Buồn làm sao buông gây ngạc nhiên cho nhiều người khi vượt lên đứng đầu bảng xếp hạng sách bán chạy nhất.
Hiện tượng đó gây hoang mang cho không ít người với câu hỏi hoài nghi “giới trẻ đang đọc những cuốn sách thuộc loại giải trí, ít tính nhân văn và thiếu tính nghệ thuật...", nhưng cũng có người thấy đó là một tín hiệu lạc quan về văn học trẻ và văn hóa đọc của người trẻ...
Vấn đề đầu tiên trong buổi giao lưu đặt ra là quan niệm về bestseller. Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu cho rằng nói đến bestseller thì phải quan tâm đến từ nguyên của nó là sách bán chạy nhất và sách bestseller phải đảm bảo tiêu chí nào tùy thuộc vào nhu cầu xã hội.
Ở thời điểm khác nhau, xã hội khác nhau luôn có tiêu chí khác nhau.
Nhà thơ Lê Minh Quốc lý giải sách bán chạy đồng nghĩa với chuyện cuốn sách đó có một giá trị nhất định nào đó, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người đọc nhưng câu chuyện liệu công chúng có nhớ đến tác phẩm đó hay không đòi hỏi sự thử thách khắc nghiệt của thời gian.
Một tác phẩm không bị lãng quên, có giá trị văn học mới là một tác phẩm bestseller.
Nhà thơ Phong Việt cho rằng ở bất cứ thời điểm nào một cuốn sách bestseller đều là một cuốn sách tốt, tuy nhiên chất lượng cuốn sách sẽ được thời gian trả lời. Một cuốn sách có thể bestseller trong 1 tháng, 1 năm, thậm chí 10 năm…
Trong khi đó cây viết trẻ Ploy Ngọc Bích thẳng thắn nhìn nhận: hãy nhìn một cuốn sách như một sản phẩm. Sản phẩm bán chạy nhất là sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người mua, phù hợp với mục đích sử dụng của từng người. Còn giá trị của sản phẩm cũng như giá trị văn học của một tác phẩm thì thời gian mới trả lời được.
Ngay khi chương trình chưa bắt đầu và sau khi chương trình giao lưu kết thúc, nhiều bạn đọc vây quanh tác giả trẻ Anh Khang để xin chữ ký - Ảnh: T.Huệ |
Tác giả trẻ đang lên ngôi?
Trong buổi giao lưu, bạn đọc cũng đặt ra vấn đề: con số sách bán chạy thuộc về những gương mặt trẻ, những tác phẩm của người trẻ ồ ạt xuất hiện và đông đảo bạn đọc trẻ tham gia trong hội sách vừa qua, điều này có chứng tỏ tác giả trẻ đang lên ngôi và văn hóa đọc trong giới trẻ không hề xuống cấp?
Tác giả Nguyễn Thị Hậu, dưới góc độ của một người đọc, nhận xét: văn học trẻ được chú ý, được quan tâm không thể không nhắc tới và không thể tách rời với mạng xã hội.
Văn học trẻ giống như status (dòng trạng thái) trên Facebook. Mỗi ngày status liên tục được đăng tải, có những status vui vẻ, hài hước, suy ngẫm… Có những status có giá trị ngang với một note, một entry (bài viết). Mạng xã hội còn phát triển thì văn học trẻ - đặc trưng của một xã hội đô thị - còn phát triển…
Anh Khang với suy nghĩ của một người trẻ nên nắm bắt rất nhanh thị hiếu của độc giả. Anh cho rằng người viết trẻ như anh hiểu rõ mình viết cho ai, viết để làm gì và đối tượng hướng đến của anh là những độc giả trẻ và đã rà đúng tần số cảm xúc của độc giả thì sẽ nhận được hưởng ứng của người đọc.
Phong Việt chừng mực nhận xét: những cây viết trẻ có thể chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của một số người nhưng cứ mạnh dạn viết, mạnh dạn xuất bản, tiếp tục theo đuổi con đường văn chương thì sẽ có một lúc nào đó trong tương lai người đọc sẽ có cơ hội được thấy những tác phẩm có giá trị nhất định.
Cũng trong buổi giao lưu, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu thẳng thắn phát biểu rằng “hơi thất vọng” với các cây viết trẻ quá rụt rè, chưa mạnh dạn khi tự nhận chỉ viết trong giới hạn những cảm xúc, những suy nghĩ, những câu chuyện của chính mình mà không tự thôi thúc mình, vượt lên chính mình để chạm đến những vấn đề của xã hội đương đại…
Nhà thơ Phong Việt ký tặng bạn đọc trong buổi giao lưu - Ảnh: T.Huệ |
Văn hóa đọc có xuống cấp?
Ploy Ngọc Bích đặt vấn đề có người nói văn hóa đọc đang xuống cấp mà không có con số nào chứng thực điều này cả.
Trong khi đó nhà thơ Lê Minh Quốc thừa nhận đúng là phải có một cuộc điều tra xã hội học về vấn đề này nhưng theo chủ quan anh đánh giá văn hóa đọc phụ thuộc vào 2 yếu tố: số lượng sách bán ra và yếu tố thứ 2 là tầng ngầm quan trọng: đọc gì, đọc như thế nào. Nếu người đọc không tự nâng tầm mình lên để tiếp cận những cuốn sách có giá trị thì đúng là văn hóa đọc có vấn đề.
Chia sẻ quan điểm với nhà thơ Lê Minh Quốc, TS Nguyễn Thị Hậu kể câu chuyện về việc đọc của sinh viên trong một số trường đại học mà bà có cơ hội được giảng dạy: "Đôi khi trong tiết dạy của mình, một số sinh viên ở dưới giấu sách vào gầm bàn và lén đọc. Vì có chút tò mò với câu hỏi không biết sinh viên của mình đang đọc sách gì thì phát hiện 90% các em sinh viên bị bắt gặp đang đọc truyện… tranh. Đặt câu hỏi tại sao lại chọn truyện tranh, các bạn sinh viên nói rằng đọc truyện tranh không phải nghĩ gì cả, đọc rất khỏe. Còn những sách chuyên ngành hay sách có giá trị khác thì kêu trời với nhiều lý do "đắt lắm, tìm khó, đọc chán lắm…”.
Bà kết luận nếu không đọc sách bạn chỉ sống một cuộc đời của bạn, nhưng nếu đọc sách thì bạn có thể được sống nhiều cuộc đời rất hay ho và thú vị…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận