Di sản Hán Nôm bị hủy hoại
Công việc này bắt đầu từ nhiều năm trước đây, khi nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc - chủ tịch Quỹ Thuỵ Điển - Việt Nam phát triển văn hoá để tâm tìm hiểu các giá trị của sắc phong Việt Nam và tình hình bảo tồn hiện tại.
Theo đó, sắc phong Việt Nam bao gồm hai loại: các sắc thần, tức là sắc phong của vua cho các vị thần linh đang được dân gian thờ phụng tại làng xã trong các đình, miếu, từ đường… và các sắc phong chức tước, là loại sắc phong của vua dành cho quý tộc, những quan chức có công trạng với vương triều. Cả hai loại sắc phong có các giá trị nhất định về lịch sử - văn hoá.
Phóng to |
Tấm sắc phong tại nhà Lưu niệm Trương Vĩnh Ký đã bị tróc giấy từng mảng, chưa phục chế được - Ảnh: L.Điền |
Các ông Hữu Ngọc, Phan Huy Lê - giáo sư sử học, Nguyễn Văn Huy - giám đốc bảo tàng Dân Tộc học và ông Phạm Thế Khang - giám đốc thư viện Quốc gia tạm thời ghi nhận giá trị của sắc phong ở những điểm: Sắc phong là văn bản ghi tên tuổi của các nhân vật lịch sử gắn với quê hương, bản quán; Là tư liệu để nghiên cứu tín ngưỡng dân gian (qua các loại sắc thần); Sắc phong phản ánh hệ thống hành chính với những địa danh và đơn vị hành chính có niên đại cụ thể - một cứ liệu quan trọng cho ngành văn bản học trong việc xác định niên đại. Ngoài ra, cách viết sắc thể hiện nghệ thuật thư pháp Hán Nôm qua các thời kỳ, việc sản xuất giấy sắc và cách trang trí hoa văn họa tiết cũng phản ánh những đặc trưng văn hoá dân tộc và quan trọng hơn cả là nét chữ cùng với hoa văn của sắc là những tiêu chí để nghiên cứu các tư liệu về Hán Nôm.
Tuy nhiên, sau khi trực tiếp khảo sát tại một số địa phương vùng chiêm trũng của đồng bằng bắc bộ, nhóm các nhà nghiên cứu trên đưa ra lời kêu cứu khẩn thiết cho sắc phong VN. Bởi sắc phong đang bị hủy hoại, chủ yếu do hai nguyên nhân: Một là, lâu nay ta chưa có phương tiện hiệu quả để bảo quản sắc phong; và hai là, thực tế cho thấy nhiều nơi chưa có ý thức bảo quản sắc phong.
Phương tiện để bảo quản sắc phong vốn là điều ít ai nghĩ tới. Đối với các sắc phong tước của tiền nhân trong các dòng họ, con cháu đời sau thường để trong tủ, cất trong rương, đối với các sắc thần, thường người giữ sắc cất trong ống tre, hoặc quấn trong tấm vải điều…
Tất cả đều không phải là cách tốt nhất để bảo quản sắc phong. Khí hậu nóng ẩm của VN khiến cho các tờ sắc dù làm bằng loại giấy có chất lượng cao đến đâu, cũng đều bị hư mòn qua thời gian. Nhưng ý thức bảo quản sắc mới là yếu tố làm nên thực trạng đáng báo động cho kho tàng sắc phong VN.
Theo các nhà nghiên cứu, hiện VN chưa có cuộc thống kế chính thức nào nói lên đầy đủ con số các bản sắc phong còn tồn tại. Nhưng qua thực tế điền dã, giới sử học ước lượng có hàng vạn đơn vị sắc phong trong dân gian đang cần được bảo quản.
Những nguyên nhân từ ý thức bảo quản sắc như tùy tiện để cho nhiều người mở xem sắc, cho mượn sắc dẫn đến tình trạng bị mất, phiên dịch sắc nhưng không giữ bản gốc mà chỉ giữ bản dịch, tình trạng trộm sắc phong bán cho những người sưu tập… khiến cho sắc phong VN ngày một hủy hoại dần.
Chưa có lối ra
Thời Pháp thuộc, thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội đã kịp thời hình thành một kho tư liệu Hán Nôm rất phong phú. Nhưng lúc ấy, toàn bộ hệ thống sắc phong cùng các giá trị của nó chưa được quan tâm nghiên cứu. Do vậy, dự án bảo tồn sắc phong được sự tài trợ của Quỹ Thuỵ Điển - Việt Nam phát triển văn hoá, tập trung vào mục tiêu bảo quản, lưu giữ các sắc phong tại VN, nhằm phục vụ công tác nghiên cứu Hán Nôm cũng như gìn giữ kho di sản văn hóa quan trọng này.
Phóng to |
Tấm sắc quý có hoa văn rồng may mắn còn nguyên nhưng giấy đã rất giòn - Ảnh: L.Điền |
Giai đoạn đầu của dự án, các nhà nghiên cứu bắt đầu thí điểm tại một số địa phương, chụp ảnh kỹ thuật số các tấm sắc phong. Việc này chỉ có tác dụng số hóa hình ảnh sắc phong hiện còn, đưa vào bảo quản bằng các CD-Rom tư liệu, lưu trữ tại thư viện Quốc Gia. Tuy nhiên, cách chuyển dạng tài liệu như vậy chỉ là khai thác và duy trì giá trị sử dụng tư liệu, hiện vật gốc cần phải được tính toán các biện pháp bảo quản khác.
Hiện nay, những người đi tiên phong trong dự án bảo tồn sắc phong đang tính toán cách bồi giấy đề gìn giữ các tờ sắc cổ. Cách này đòi hỏi kỹ thuật bồi giấy rất chuyên nghiệp trong điều kiện hầu hết các loại sắc đã rất mỏng và dễ rách, thậm chí rất dễ vỡ vụn.
Về điểm này, giới chuyên môn cho biết ở Hà Nội còn có người bồi được. Nhưng chi phí cho mỗi tờ sắc bồi xong, phải tốn đến 100 ngàn đồng trong thời gian 10 ngày. Như vậy, với con số hàng vạn tấm sắc đang cần bảo quản, phương pháp này tốn kém đáng kể về thời gian và tiền bạc; đó là chưa kể, một số địa phương không cho mang sắc thần ra khỏi làng.
Do vậy, cách khả thi nhất hiện nay vẫn là chuyển dạng tài liệu, lưu giữ theo từng đơn vị hành chính để tiện tra cứu.
Trong bức thư mới nhất do những người thực hiện dự án bảo tồn sắc phong gửi tới các cơ quan báo chí và chính quyền các địa phương, có lời kêu gọi chính quyền các địa phương nên có chỉ thị cho ngành văn hoá (sở VHTT các tỉnh, thành) lưu ý việc bảo tồn sắc phong. Đây cũng là một cách chung để mọi người đồng tâm hiệp lực bảo tồn vốn văn hoá của dân tộc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận