Sa thải do thay đổi cơ cấu?
Theo nội dung khởi kiện, năm 2008, bà Hà và Công ty Thiên Đỉnh ký hợp đồng lao động không thời hạn, đảm nhiệm vị trí giám đốc tài chính. Đến năm 2009, bà Hà được bổ nhiệm thêm một vị trí kế toán trưởng.
Đến 2020, Công ty Thiên Đỉnh kiểm tra, rà soát và yêu cầu bà Hà bàn giao máy tính, điện thoại không báo trước, không cho phép bà lưu dữ liệu cá nhân trên các thiết bị này. Sau đó, phía công ty cung cấp máy tính mới nhưng vô hiệu hóa quyền đăng nhập, khiến bà Hà không thể làm việc được.
Chưa đầy một tháng sau, Công ty Thiên Đỉnh bổ nhiệm người khác làm kế toán trưởng.
Phía Thiên Đỉnh sau đó yêu cầu bà Hà không được có mặt tại văn phòng trụ sở, không được tiếp cận tài liệu, tài sản hoặc liên hệ với người lao động, quản lý, khách hàng của công ty.
Tháng 7-2020, Công ty Thiên Đỉnh ban hành phương án sử dụng lao động làm cơ sở sa thải bà Hà với lý do thay đổi cơ cấu. Đến 9-2020, công ty này ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bà Hà.
Bà Hà đã có đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân quận 10 yêu cầu thanh toán các khoản tiền lương, thưởng và bồi thường. Song, kết quả án sơ thẩm tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện, cho nên bà Hà đã có đơn kháng cáo.
Tòa tuyên bồi thường hơn 9,2 tỉ đồng
Qua xem xét hồ sơ, tài liệu và chứng cứ liên quan, hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty Thiên Đỉnh là trái với quy định. Thực tế, công ty không cơ cấu lại bộ phận tài chính, chỉ cắt giảm vị trí giám đốc tài chính đối với bà Hà.
"Theo quy định, người sử dụng lao động có nghĩa vụ trong khi thay đổi cơ cấu, bao gồm cả trường hợp có chỗ làm việc mới, phải ưu tiên sử dụng người lao động trước đó. Trong trường hợp không thể giải quyết chỗ làm việc mới, phương án sử dụng lao động phải tạo điều kiện cho số lượng người lao động được tiếp tục làm việc", hội đồng xét xử nói.
Hội đồng xét xử cho hay phương án sử dụng lao động của Công ty Thiên Đỉnh chỉ thể hiện bà Hà ở vị trí cao, công ty không có vị trí trống với mức lương tương đương. Nội dung này mang tính chủ quan, không phù hợp, không có tài liệu chứng minh việc công ty tạo điều kiện để sắp xếp lại vị trí làm việc cho bà Hà.
"Giữa bà Hà và Công ty Thiên Đỉnh có mâu thuẫn. Công ty cho bà Hà nghỉ vẫn hưởng lương, nhưng đồng thời bổ nhiệm kế toán mới, thay thế bà Hà và buộc thôi việc. Công ty Thiên Đỉnh xóa bỏ vị trí giám đốc tài chính, trong khi đó, các vị trí khác của bộ phận tài chính vẫn giữ nguyên. Điều này không thỏa đáng, không đúng quy định pháp luật", hội đồng xét xử phân tích.
Theo đó, hội đồng xét xử cho rằng kháng cáo của nguyên đơn là có cơ sở chấp nhận. Tòa buộc Công ty Thiên Đỉnh phải nhận bà Hà vào làm lại ngay sau khi bản án có hiệu lực.
Tuy nhiên, phía công ty xác nhận không đồng ý nhận bà Hà vào làm việc, không còn bộ phận tài chính. Vì vậy, hội đồng xét xử quyết định tuyên bố chấm dứt hợp đồng lao động giữa công ty và bà Hà.
Đối với các khoản tiền đòi bồi thường với lý do lương 7 ngày nghỉ phép, tiền thưởng nóng, hội đồng xét xử nhận thấy không có cơ sở nên không chấp nhận yêu cầu kháng cáo về nội dung này.
Tòa buộc phía công ty phải trả tiền lương cho bà Hà trong giai đoạn chấm dứt hợp đồng lao động từ 9-9-2020 đến 29-5-2024 với mức lương hơn 196 triệu đồng mỗi tháng. Tổng tiền phải trả là hơn 8,6 tỉ đồng.
Đồng thời, hội đồng xét xử buộc công ty bồi thường hai tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật cộng với hai tháng tiền lương do công ty không đồng ý nhận bà Hà vào làm việc. Tổng cộng bốn tháng với số tiền hơn 780 triệu đồng.
Tổng số tiền tòa buộc Công ty Thiên Đỉnh bồi thường cho nguyên đơn là hơn 9,4 tỉ đồng, trừ đi một tháng lương tiền nhận trợ cấp trước đó. Như vậy, số tiền buộc bồi thường cho bà Hà là hơn 9,2 tỉ đồng.
Sau khi nhận khoản tiền bồi thường, nguyên đơn phải có nghĩa vụ đóng thuế, bảo hiểm xã hội theo quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận