Trường ĐH Bách khoa Hà Nội gồm hai hệ đào tạo là đào tạo cử nhân 4 năm và đào tạo kỹ sư với thời gian 5 năm. Trong ảnh: giờ học của một lớp kỹ sư công nghệ thông tin Việt - Nhật, ĐH Bách khoa Hà Nội Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Thực tế đã có những sinh viên tốt nghiệp ĐH trong ba năm theo quy chế 43 về đào tạo học chế tín chỉ của Bộ GD-ĐT. Dưới đây là ý kiến của các bạn này về việc rút ngắn chương trình đào tạo ĐH:
Cử nhân NGUYỄN THỊ BÍCH HUỆ (tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh thương mại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM trong 3 năm):
Nguyễn Thị Bích Huệ - Ảnh: N.T. |
Nên giảm lý thuyết đại cương, tăng thực hành
Chương trình ĐH 3 năm giúp sinh viên tiết kiệm được chi phí học tập và sinh hoạt, đặc biệt giảm bớt gánh nặng với những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, việc học ĐH 3 năm giúp sinh viên có khả năng tiếp cận môi trường làm việc sớm, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.
Riêng bản thân, tôi đã dành thời gian cho phần kiến thức chuyên ngành nhiều hơn, đặc biệt chú trọng vào phần thực tập bảo vệ khóa luận. Tôi vừa được tiếp cận môi trường làm việc vừa ứng dụng các kiến thức học tập vào thực tế.
Chương trình học 4 năm có nhiều phần kiến thức đại cương, chủ yếu ôn lại và nâng cao kiến thức đã học ở THPT khiến sinh viên nhàm chán. Đó là chưa kể nhiều phần còn mang tính lý thuyết và ít ứng dụng. Nếu có thể giảm tải phần lý thuyết đại cương đó, đồng thời tăng thời gian thực hành cho các môn chuyên ngành sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, theo tôi, thành công và năng lực làm việc của mỗi cá nhân không phụ thuộc vào việc học 3 hay 4 năm vì kiến thức ĐH chỉ là nền tảng. Ngoài kiến thức ở trường, sinh viên cũng nên tự trau dồi thêm ngoại ngữ và các kỹ năng mềm, tham gia hoạt động đội nhóm.
Cử nhân PHAN KHÁNH HOÀNG (tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM trong 2 năm rưỡi):
Phan Khánh Hoàng - Ảnh: N.T. |
Có thể rút ngắn một số môn trong quá trình học
Việc tích lũy đủ tín chỉ, tốt nghiệp sớm hơn các bạn cùng khóa một năm rưỡi mang lại cho tôi hai lợi ích.
Thứ nhất, tiết kiệm được một năm chi phí ăn học cho gia đình.
Thứ hai, thời điểm tôi ra trường đúng lúc các ngân hàng tuyển dụng nhiều, nên tôi được tuyển vào Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM làm việc.
Nếu tôi tốt nghiệp trễ hơn, chắc cơ hội này cũng qua mất. Tuy nhiên, học ép thời gian lại tôi cũng bị áp lực. Đó là phải sắp xếp thời gian học cho hiệu quả và cường độ học tập cao hơn bình thường rất nhiều.
Ngoài ra, tôi thấy một số môn cần xem xét có thể rút ngắn trong quá trình học. Chẳng hạn, tôi học ngân hàng có những môn học nặng như toán cao cấp, nguyên lý thống kê, kinh tế lượng... ngốn rất nhiều thời gian của sinh viên nhưng không ứng dụng nhiều lắm.
Tôi thấy nên dạy cho sinh viên chuyên môn nghiệp vụ, bám sát thực tế nhiều hơn để ra đi làm. Mặt khác, chương trình đào tạo cũng nên giám sát chặt chẽ việc đi thực tập của sinh viên. Nhiều bạn lơ là, chưa chú trọng thực tập dẫn đến chất lượng học không cao.
Cử nhân HUỲNH NGUYỄN MAI CHI (tốt nghiệp cùng lúc hai ngành thương mại điện tử loại khá, ngành tài chính ngân hàng loại giỏi Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM trong 3 năm):
Huỳnh Nguyễn Mai Chi - Ảnh: M.G. |
Nên rút ngắn thời gian năm cuối
Tôi thấy trong chương trình ĐH 4 năm, năm cuối là năm cần phải rút ngắn để tiết kiệm thời gian cho người học. Bởi lẽ vào năm cuối sinh viên thường dành nhiều thời gian cho thực tập, làm khóa luận tốt nghiệp. Trong khi đó, thời gian thực tập và làm khóa luận có thể sắp xếp luôn trong hè.
Chẳng hạn như tôi, để tốt nghiệp ĐH trong 3 năm với lượng kiến thức cho chương trình 4 năm, tôi tận dụng các mùa hè của mình. Chỉ có hè của năm đầu tiên tôi nghỉ, còn hè của năm thứ hai, thứ ba tôi dành thời gian đi thực tập, làm khóa luận tốt nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận