Phát biểu tại hội thảo diễn ra ở TP Đà Lạt, Lâm Đồng, ông Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, cho hay dự kiến có hai quy chế liên quan tới kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 bao gồm quy chế thi THPT quốc gia quy định việc tổ chức kỳ thi và quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ chính quy với đối tượng áp dụng là 428 trường ĐH-CĐ trên cả nước, bao gồm cả các trường tổ chức kỳ thi riêng, xét tuyển riêng.
Đã khảo sát 30 địa điểm tổ chức cụm thi
Theo ông Trần Văn Nghĩa, Bộ GD-ĐT đã có nhiều đợt khảo sát với khoảng 30 địa điểm dự kiến tổ chức cụm thi. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc thêm về số lượng cụm thi trên cơ sở thực tế khảo sát, đảm bảo nguyên tắc thuận tiện cho thí sinh.
Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, mỗi cụm thi sẽ có ít nhất thí sinh của hai tỉnh, thành. Nơi đặt cụm thi là các trường ĐH từng có kinh nghiệm tổ chức kỳ thi tuyển sinh với số lượng lớn, được đánh giá nghiêm túc trong việc giữ gìn kỷ cương kỳ thi.
Riêng các tỉnh vùng sâu, vùng xa thuộc Tây nguyên, Tây Bắc, Tây Nam bộ - những nơi điều kiện đi lại khó khăn, nhiều thí sinh chỉ có nguyện vọng xét công nhận tốt nghiệp để đi làm ngay hoặc để xét tuyển vào các trường chấp nhận kết quả thi do địa phương chủ trì - nếu có đề xuất thì bộ sẽ chấp thuận việc tổ chức các cụm thi do địa phương chủ trì để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh.
Những cụm thi ở vùng đặc thù, Bộ GD-ĐT sẽ điều động người của các trường ĐH có uy tín đến tham gia hỗ trợ tổ chức kỳ thi.
“Các cụm thi do trường ĐH chủ trì và cụm thi do địa phương chủ trì chỉ nhằm tạo điều kiện cho thí sinh ở vùng khó khăn, nhưng về công nghệ tổ chức mô hình cụm thi vẫn phải thống nhất trên toàn quốc”- ông Nghĩa nhấn mạnh.
Nhiều điểm mới ở hồ sơ đăng ký dự thi
Ông Trần Văn Nghĩa cho biết có một số điểm mới có thể thông tin trước xung quanh việc thí sinh đăng ký dự thi. Theo đó, khoảng tháng 3-2015 thí sinh bao gồm học sinh lớp 12 và thí sinh tự do sẽ làm hồ sơ đăng ký dự thi.
Thí sinh sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự thi theo đơn vị trường THPT ( đối với học sinh lớp 12) và theo các điểm thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi do các sở GD-ĐT quy định.
Có một số điểm mới thí sinh cần lưu ý. Do Bộ GD-ĐT điều chỉnh quy định cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, trường sau khi có kết quả thi nên trên phiếu dự thi sẽ không có mục đăng ký xét tuyển vào các ngành, trường.
Thí sinh sẽ phải đăng ký môn thi, bao gồm các môn thi để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ. Thí sinh cũng phải đăng ký cụm thi và xác nhận mục đích tham dự kỳ thi quốc gia ( chỉ xét tốt nghiệp THPT, chỉ lấy kết quả tuyển sinh ĐH-CĐ hay vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh ĐH-CĐ).
Liên quan tới đăng ký môn thi, ông Trần Văn Nghĩa cho biết hiện nay vẫn có nhiều thí sinh, phụ huynh chưa hiểu rõ về kỳ thi quốc gia nên lo sợ thí sinh bị quá tải khi phải dự thi quá nhiều môn.
Ông Nghĩa cho biết kỳ thi THPT quốc gia sẽ có ba nhóm đối tượng thí sinh. Với nhóm 1, chỉ dự thi để xét tốt nghiệp THPT, thí sinh chỉ cần đăng ký bốn môn thi, bao gồm ba môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn thi bắt buộc trong số các môn thi còn lại.
Trường hợp thí sinh không đủ điều kiện dự thi môn ngoại ngữ (do sở GD-ĐT các tỉnh, thành quyết định) có thể lựa chọn một môn khác thay thế trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý.
Nhóm 2 gồm những thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT năm trước, chỉ tham dự kỳ thi quốc gia để lấy kết quả xét tuyển ĐH-CĐ thì thí sinh không phải thi các môn bắt buộc mà tùy chọn những môn thi phù hợp với khối thi, tổ hợp môn thi do các trường quy định.
Nhóm 3, thí sinh dự thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH-CĐ phải đăng ký tối thiểu bốn môn thi để xét tốt nghiệp THPT và đăng ký thêm các môn thi cần thiết để xét tuyển ĐH-CĐ.
Ông Trần Văn Nghĩa lưu ý do các bài thi sẽ thiết kế để đảm bảo cả hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ nên nếu thí sinh chỉ sử dụng kết quả môn thi cho mục đích xét tốt nghiệp sẽ chỉ cần hoàn thành các câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản, nếu sử dụng cho cả hai mục đích trên thì phải hoàn thành cả phần yêu cầu cơ bản và nâng cao. Việc cân nhắc để đăng ký môn thi hợp lý sẽ giúp thí sinh giảm bớt căng thẳng và tăng cơ hội xét tuyển.
Ra mắt Trung tâm Truyền thông giáo dục Ngày 10-12, tại Đà Lạt, Lâm Đồng, Bộ GD-ĐT tổ chức lễ ra mắt chính thức Trung tâm Truyền thông giáo dục. Theo ông Nguyễn Đình Mạnh - phó chánh văn phòng Bộ GD-ĐT, Trung tâm Truyền thông giáo dục là đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT. Kinh phí hoạt động thường xuyên của trung tâm do ngân sách nhà nước bảo đảm. Theo đó, trung tâm có chức năng theo dõi hoạt động báo chí của ngành, cập nhật thông tin báo chí phản ánh về ngành để thông tin kịp thời về lãnh đạo bộ và các tổ chức của bộ. Trung tâm cũng sẽ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí và các cơ sở giáo dục, các sở GD-ĐT tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của bộ trưởng và hoạt động của ngành, đồng thời có quyền tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục theo quy định. |
Sẽ công bố dự thảo quy chế vào tuần tới Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD-ĐT sẽ đưa dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy cùng với quy chế kỳ thi THPT quốc gia lên mạng để xin ý kiến góp ý rộng rãi toàn xã hội vào tuần tới. “Dự kiến đầu tháng 3 thí sinh sẽ đăng ký môn dự thi. Trong khi đó theo quy định, sau 30 ngày đưa dự thảo văn bản quy phạm pháp luật lên mạng thì cơ quan chủ trì mới tổng hợp ý kiến để ban hành và sau 45 ngày ban hành, các quy chế mới chính thức có hiệu lực. Như vậy chậm nhất vào tuần sau, dự thảo các quy chế sẽ được công bố”- ông Ga nói. Theo đó, Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy sẽ quy định chi tiết quy định xét tuyển sau khi thí sinh có kết quả thi và quy chế kỳ thi THPT quốc gia sẽ quy định về thủ tục đăng ký dự thi và việc phân bố các cụm thi do ĐH chủ trì để thí sinh biết, thuận tiện cho việc đăng ký dự thi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận