Một cây ớt trĩu quả chín đỏ rực nhưng vẫn bị người dân phá bỏ, đem chôn - Ảnh: Doãn Hòa |
Sáng 7-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Lập, phó giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An, phụ trách mảng nông nghiệp, cho biết thông tin trên.
Theo ông Lập, sau khi nhận thông tin Tuổi Trẻ Online phản ánh tình trạng thương lái bỏ chạy, dân đắng cay đào hố , phía sở đã yêu cầu Phòng NN&PTNT huyện Anh Sơn báo cáo vụ việc.
Chỉ mua lứa đầu tiên
Mùa vụ 2015-2016, toàn huyện Anh Sơn có 30ha ớt được trồng ở sáu xã. Trước khi gieo trồng ớt thì các xã đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản ở Thanh Hóa.
Phía doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật… cho bà con trồng, đồng thời sẽ nhận bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân.
"Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ mua của bà con được một lứa đầu tiên, sau đó mấy đợt sau không thu mua nữa nên có thực trạng ớt ứ đọng, không bán được”, ông Lập nói.
Ông Lập cho hay trước khi làm vụ ớt thì phía sở đã có cảnh báo cho địa phương vì trước đây ở một số huyện như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc cũng có tình trạng người dân trồng ớt được mùa nhưng doanh nghiệp, thương lái tháo chạy, không tìm được đầu ra.
“Việc địa phương liên kết với các doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân, nhưng trong khi làm hợp đồng với doanh nghiệp thì chính quyền địa phương còn lỏng lẻo, lựa chọn doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính, đảm bảo đầu ra cho nông dân” - ông Lập nhấn mạnh và cho hay các xã đã nhận trách nhiệm, rút kinh nghiệm về vụ việc.
Do đợt rét đậm, rét hại
Ông Hoàng Xuân Cường, phó chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, cho biết sáng 7-3 phía huyện đã đi kiểm tra thực tế ở các địa phương trồng ớt.
Nguyên nhân để xảy ra việc thương lái bỏ chạy dân đắng cay trồng ớt là phía doanh nghiệp gặp khó khăn về đầu ra, đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến chất lượng cây ớt. Hiện nay lượng ớt ứ đọng tại các xã không còn nhiều vì người dân đã phá bỏ để chuyển sang trồng ngô, mía…
“Cây ớt có hiệu quả gấp 3-4 lần so với cây trồng khác trên cùng một diện tích. Trước thực trạng đầu ra khó khăn, phía huyện đã chỉ đạo các địa phương không khuyến cáo trồng ớt mà chuyển sang trồng các cây trồng truyền thống, bền vững hơn.
Chúng tôi đang tiếp tục làm việc với doanh nghiệp đề nghị thanh toán hết số nợ gần 300 triệu đồng cho người dân”, ông Trường cho biết thêm.
Người dân Anh Sơn, Nghệ An đắng cay mùa ớt chín - Ảnh: Doãn Hòa |
Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, hàng trăm hộ dân trồng vụ ớt 2015-2016 của sáu xã ở huyện Anh Sơn, Nghệ An gặp cảnh điêu đứng vì hàng chục hecta ớt cao sản xuất khẩu đến kỳ thu hoạch nhưng doanh nghiệp đã “cao chạy xa bay”, không đến thu mua như hợp đồng đã ký kết.
Nhiều hộ dân ngậm ngùi nhổ bỏ cây ớt, thậm chí đào hố… chôn ớt để chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.
Lý giải việc không thu hoạch ớt chín để làm ớt bột, ớt khô, nhiều hộ nông dân ở xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn cho rằng cây ớt ra quả liên tục, hái không xuể.
Khi doanh nghiệp từ chối thu mua thì họ không thiết tha thu hoạch vừa mất công sức, tiền thuê nhân công, hơn nữa đây là loại ớt cao sản dùng để xuất khẩu không làm được ớt bột, ớt khô như các loại ớt khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận