8-9 triệu người già không có lương hưu
Cùng với con số rút bảo hiểm xã hội một lần là một thống kê khác: Gần 3,3 triệu trong số 14,4 triệu người đang ở tuổi nghỉ hưu có lương hưu, gần 2,1 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp hằng tháng. Còn lại 8-9 triệu người già đang không có lương hưu và không trợ cấp hằng tháng.
Tỉ lệ rút bảo hiểm xã hội một lần tăng trung bình 12,3% mỗi năm, trong khi tỉ lệ người tham gia mới chỉ tăng 5-6%.
Những con số trên được các bộ, ngành đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ngày 11-8 tại TP.HCM.
Nói về bất lợi khi rút bảo hiểm xã hội một lần, ông Đỗ Ngọc Thọ - trưởng Ban thực hiện chính sách pháp luật (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) - tâm tư: "Nhìn vào số liệu này, với góc độ cơ quan thực hiện rất đau lòng, cho thấy nhiều người lao động đang độ tuổi sung sức, còn trẻ lại tiêu vào của tích lũy, để dành và cơ hội để đảm bảo cuộc sống về già còn rất thấp".
Nhiều nguyên nhân được đưa ra: thu nhập thấp và không ổn định, trông chờ vào việc lấy tiền bảo hiểm xã hội một lần làm vốn về quê làm ăn, hoặc vì khó khăn nên họ cần tiền trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên, theo ông Thọ, nói rút bảo hiểm xã hội một lần vì khó khăn quá chưa phản ánh đúng bản chất của tình trạng này. Lý do, hầu hết lao động trẻ quan tâm nhu cầu trước mắt hơn lương hưu khi về già.
Một phần vì chính sách thay đổi thường xuyên dẫn đến tâm lý bất an, e ngại chính sách thay đổi bất lợi. Chưa kể vẫn chưa hình thành ý thức, thói quen "đóng bảo hiểm xã hội lúc trẻ để về già có lương hưu", duy trì cuộc sống tự chủ lúc già mà vẫn còn suy nghĩ "trẻ cậy cha, già cậy con"…
Lương hưu thấp, không đủ sống
Tại hội thảo, ông Trần Thanh Sơn - chủ tịch công đoàn một công ty may tại quận 12 (TP.HCM) - đồng tình rằng việc vận động để người dân tham gia bảo hiểm xã hội, đảm bảo đời sống khi về già là rất quan trọng.
Ông cũng nhìn nhận thực tế "90% người nhận bảo hiểm xã hội một lần không phải do cấp bách mà đôi khi chỉ để mua điện thoại, mua xe trong khi số rút để sửa nhà, lo cho gia đình chỉ 10-15%".
Tuy nhiên, ông Sơn và nhiều đại biểu đặt ra nhiều bài toán mà bảo hiểm xã hội cần giải quyết. Trong đó có lương hưu thấp không đủ trang trải, cách tính đóng hưởng còn thiệt thòi cho người có thời gian tham gia dài.
"Hằng năm, bảo hiểm xã hội có điều chỉnh lương hưu, bù trượt giá cho người hưởng lương hưu nhưng lại bỏ quên điều chỉnh trượt giá cho những phần đã đóng bảo hiểm xã hội", ông Sơn nêu.
Với 30 năm công tác, ông Sơn tính toán và nhận xét: "Đóng càng nhiều, ở càng lâu, tiền lương hưu càng thấp với cách tính hưởng lương hưu bằng bình quân toàn bộ thời gian đóng như hiện nay".
"Nhiều lao động về hưu có mức lương hưu chỉ 2-3 triệu thì làm sao trang trải cuộc sống, nên người sau nói với người trước ồ ạt rút bảo hiểm" - bà Ngô Thị Mỹ Kha, phó chủ tịch công đoàn một công ty may mặc khác, cho biết.
"Với 20 năm làm việc, lương hưu cho mình cũng chỉ ở mức 2,7 triệu/tháng, trong khi lương tối thiểu vùng đã là 4,6 triệu đồng, làm sao sống nổi!", bà Kha thừa nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận