16/12/2011 06:03 GMT+7

Rượu dỏm giết 143 người ở Ấn Độ

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Ít nhất 143 người tại bang Tây Bengal của Ấn Độ thiệt mạng do uống rượu dỏm có độc tính. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa đằng sau đó là nạn tham nhũng của cảnh sát.

S13fojqH.jpgPhóng to
Người thân các nạn nhân trong vụ ngộ độc rượu ở bang Tây Bengal ngày 15-12 - Ảnh: AFP

Theo AP, ngày 15-12 có thêm 86 người chết, nâng số nạn nhân trong thảm kịch rượu dỏm ở quận 24-Parganas, cách thủ phủ Kolkata của bang Tây Bengal 50km, lên 143 người. Nguồn tin từ nhiều bệnh viện cho biết vẫn còn rất nhiều người đang được điều trị và một số đang trong tình trạng nguy kịch khiến số người thiệt mạng có thể tiếp tục gia tăng.

Các nạn nhân uống rượu từ tối 14-12 tại một số quán rượu tạm bợ ở địa phương và sáng sớm 15-12 xe cứu thương hoạt động liên tục để đưa họ đến bệnh viện. “Ông ấy uống rượu vào chiều hôm trước..., chúng tôi không phát hiện sức khỏe ông ấy xấu đi cho đến khi ông ấy kêu rên đau đớn vào sáng hôm sau. Chúng tôi đưa đến bệnh viện nhưng ông ấy mất vài giờ sau đó” - người nhà một nạn nhân 32 tuổi kể lại.

Lấy cồn công nghiệp pha rượu

Theo báo India Times, hầu hết nạn nhân thuộc thành phần lao động nghèo như phu kéo xe, bán hàng rong. Bệnh viện Diamond Harbour cho biết thêm nhiều nạn nhân là thiếu niên nam tuổi từ 10-15, được đưa vào bệnh viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, nôn mửa và tiêu chảy. Chính phủ tuyên bố sẽ hỗ trợ mỗi gia đình có người thiệt mạng khoảng 3.700 USD.

Lãnh đạo quận, ông Narayan Swarup Nigam, xác nhận methanol - một loại cồn công nghiệp dùng để chống đông hoặc làm nhiên liệu - được tìm thấy trong thi thể của ít nhất 10 nạn nhân. “Đây có thể không phải là nguyên nhân duy nhất gây tử vong. Chúng tôi đang điều tra”. Methanol, chất có thể gây mù, tổn thương gan hoặc nặng hơn là tử vong, thường được thêm vào rượu để tăng nồng độ cồn.

Cảnh sát bắt giữ bảy người tình nghi bán rượu dỏm và 10 cửa hàng bán rượu đã bị dẹp. Thủ hiến bang Tây Bengal Mamata Banerjee cũng kêu gọi trừng trị mạnh tay những kẻ buôn bán rượu trái phép. Những kẻ bán hám lợi có thể hô biến 1 lít rượu thật thành 1.000 lít rượu dỏm nhờ các hóa chất và phụ gia mà không phải tốn tiền đầu tư cơ sở.

Người dân đã đập phá một cơ sở nấu rượu ở Mograhat bị tình nghi là nguồn cung cấp rượu cho hàng chục quán trong khu vực lân cận. Họ chỉ trích cơ sở này ngang nhiên mở cửa bán rượu dỏm dù nằm đối diện một sở cảnh sát.

Có bàn tay tham nhũng?

“Cảnh sát nhận hối lộ, cơ quan thuế nhận hối lộ, còn mọi người nhắm mắt làm ngơ” - AFP dẫn lời giám đốc điều hành Johnson Edayaranmulah của Liên minh chính sách về rượu, cồn Ấn Độ nhận định. Việc kiểm soát rất hời hợt bởi có sự thông đồng giữa chính quyền, cảnh sát và các chính trị gia với những kẻ buôn rượu lậu. Tây Bengal là một trong những bang nghèo nhất Ấn Độ song lại có nạn tham nhũng nặng nề nhất.

Ở Ấn Độ, ma men đang trở thành vấn nạn ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn. Hơn 60 triệu dân nghiện rượu. Mà rượu dỏm thường có giá rất rẻ, khoảng 10 rupee/lít, phù hợp túi tiền của những người thu nhập thấp. Rượu dỏm được phân phối rộng bằng xe buýt, tàu lửa hay xe đạp trong khi các quán rượu cũng không thể bị nhổ tận gốc, bị đóng cửa ban ngày thì mọc lại vào buổi tối.

Các trường hợp tử vong do rượu dỏm rất thường xảy ra ở Ấn Độ song hầu hết đều không được báo cáo với chính quyền. Một số vụ ngộ độc tập thể nghiêm trọng được ghi nhận trong vài năm qua gồm hơn 130 người chết trong các vụ ngộ độc ở Uttar Pradesh, Gujarat năm 2009. Trước đó, khoảng 170 người thiệt mạng do ngộ độc rượu ở Andhra Pradesh và Tamil Nadu.

Chính quyền bang Gujarat mới đây đã ra lệnh cấm hoàn toàn rượu và đưa ra hình phạt cao nhất là tử hình cho những ai vi phạm.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên