Từ chuyện nhà hàng xóm
Khi chúng tôi chuẩn bị tắt đèn đi ngủ thì bỗng từ nhà hàng xóm phía đầu hẻm vang ra những tiếng loảng xoảng cùng tiếng chửi bới mỗi lúc một to của người chồng.
Tôi cùng mấy người hàng xóm chạy qua xem tình hình thế nào thì thấy cảnh đứa con đầu lòng chừng 6 tuổi của nhà hàng xóm đang lăn xả vào can ngăn ba. “Con xin ba, ba đừng có vậy nữa mà” - tiếng của đứa trẻ xen lẫn với những lời giải thích của người vợ rằng “em đang cho con ngủ rồi mới dọn dẹp được”.
Người chồng không những bỏ ngoài tai lời kêu gào của con, lời phân bua của vợ mà còn đóng cổng không cho hàng xóm vào với lý do “đây là chuyện của gia đình tôi”.
Mọi người chỉ biết đứng ngoài khuyên bảo “với” qua cổng hi vọng người chồng bớt nóng, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Không nghe thấy người chồng đánh vợ nhưng đồ đạc trong nhà bị người chồng đập vỡ, ném tung tóe khắp nơi.
Mỗi lần như vậy đứa bé lại thét lên, còn người vợ chỉ biết kêu gào trong vô vọng.
Sau khi “quậy” đã thấm mệt, người chồng lăn ra ngủ, còn người vợ chỉ biết ngồi ôm con khóc. Biết ý, đứa lớn (dù mới bước sang tuổi thứ 6) vội lấy chìa khóa mở cổng để mọi người vào giúp mẹ dọn dẹp bớt đống đổ nát mà chính cha bé vừa gây ra.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết nguyên nhân chính dẫn đến sự việc đáng tiếc của gia đình hàng xóm cũng bắt nguồn từ rượu, bia. Sự việc bắt nguồn từ chiều ngày nghỉ tết cuối cùng, người chồng kêu thêm mấy chiến hữu nữa về “tổng kết” tết.
Cuộc nhậu kéo dài hơn ba giờ thì đứa con thứ hai mới hơn 1 tuổi buồn ngủ nên chị vợ đưa cháu đi ngủ.
Con ngủ, mẹ cũng mệt mỏi nên thiếp đi lúc nào không hay. Khi chén chú chén anh tàn canh, các chiến hữu về hết, cho rằng vợ không tôn trọng mình và mọi người, không dọn dẹp nên người chồng lôi vợ dậy mắng chửi thậm tệ.
Vốn có rượu trong người nên người chồng vừa chửi vừa vung tay vung chân đập phá đồ đạc trong nhà.
Tội nghiệp hai đứa con của họ, đứa bé còn quá nhỏ nhưng cũng chợt tỉnh giấc để rồi nép mình vào mẹ nấc lên trong sợ hãi, đứa lớn hè này mới vào lớp 1 (dù bé đã biết ngăn cản ba hành động nhưng không thành) cũng phải chứng kiến cảnh tượng hãi hùng.
Rồi đây hình ảnh gia đình sẽ đọng lại trong tâm hồn non nớt của các bé là gì và quá trình phát triển nhân cách của các bé có gặp khiếm khuyết gì không, chưa ai biết được câu trả lời...
Đến chuyện của đứa cháu ở quê
Người cháu họ của tôi mới lấy chồng hơn hai năm và đã có một con trai gần 1 tuổi. Cháu gọi điện cho tôi xin ý kiến về chuyện gia đình bởi cháu đang nản, buông xuôi và sẵn sàng ly dị chồng để nuôi con một mình cho “rảnh nợ” (theo lời của cháu).
Nói chuyện thì nhiều nhưng có thể kết luận ngọn nguồn của sự việc cũng từ nhậu nhẹt mà ra. Dù còn trẻ, trong khi nghề nghiệp không ổn định, nhưng người chồng của cháu tôi lại đam mê tụ tập bạn bè, nhậu nhẹt.
“Có hôm anh ấy theo bạn theo bè đi nhậu nhẹt ở đâu đó từ sáng đến chiều, thậm chí có bữa ngủ qua đêm tại nhà bạn, bỏ mặc mẹ con cháu ở nhà” - cháu tôi buồn rầu tâm sự.
Cha mẹ hai bên khuyên ngăn thì “anh hứa sẽ bỏ nhưng chứng nào tật ấy và nhiều lần anh ấy phải lấy tiền ăn trong nhà để trả nợ do nhậu nhẹt” - cô cháu tôi tiếp lời.
Theo mô tả của cháu tôi, chồng cháu uống rượu say nằm ngủ, không đánh đập vợ con nhưng những biểu hiện thiếu kiềm chế, sa sút nhân cách không phải là không có.
Ước mong “chồng kiếm một việc làm ổn định, biết thương vợ con để cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống” của đứa cháu họ tôi tưởng chừng đơn giản nhưng có vẻ cũng xa vời.
Hai câu chuyện trên dù chưa đến mức “sứt đầu mẻ trán” nhưng ẩn chứa nhiều nguy cơ cho gia đình và đều có chung một nguyên nhân chính là rượu.
Thật không khó đưa ra các dẫn chứng về các vụ án đau lòng có liên quan đến rượu, trong đó cả người bị hại và bị cáo đều là người trong một nhà.
Chẳng hạn như vụ con giết cha vì say rượu ở Quảng Nam vừa qua là một vụ án mạng hết sức đau lòng; hay vụ con giết cha ở Vĩnh Long cũng xuất phát từ việc người cha thường xuyên nhậu nhẹt mà mỗi lần nhậu nhẹt là ông lại lôi vợ ra đánh đập, hành hạ.
Những nghiên cứu của Trung tâm Ứng dụng và nghiên cứu khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) gần đây cho thấy gần 60% vụ bạo lực gia đình có liên quan đến rượu bia.
Con số này có lẽ cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” khi một nghiên cứu khác xác định có 87% nạn nhân bạo lực gia đình không nhờ chính quyền giúp đỡ, can thiệp vì người Việt chúng ta, đặc biệt là phụ nữ, thường quan niệm “chín bỏ làm mười”, “đóng cửa bảo nhau”, “xấu chàng hổ ai”...
Và nếu không cải thiện được tình hình thì rượu bia chính là yếu tố đang tàn phá các gia đình trong xã hội chúng ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận