Đó là tâm sự của một cô gái vừa mới kết hôn về câu chuyện gây tranh cãi muôn thuở: có bắt buộc nhà trai phải đưa tiền thách cưới (còn gọi là lễ đen, nạp tài), và đưa bao nhiêu để "đẹp mặt" hai bên?
Sát giờ đón dâu, mẹ chồng... rút bớt tiền lễ để tiết kiệm
Trên một diễn đàn Facebook, cô gái cho biết mình suy sụp dù mới làm đám cưới, và cảm giác cứ như trò đùa. Cô nói ở quê mình hầu như khi rước dâu, nhà trai sẽ đi 7 hoặc 9 tráp cùng với 20 - 30 triệu đồng tiền thách cưới, tệ lắm thì cũng 5 tráp với 10 triệu, vì đó là thể diện của cô dâu khi về nhà chồng.
"Nhưng đám của mình, cô dâu được nhà chồng xin về với vỏn vẹn 3 tráp cùng 3 triệu tiền lễ đen, phải nói là cực phẩm. Cả nhà mình ngỡ ngàng, ngơ ngác, bật ngửa. Dượng mình giận tím người, suýt hủy đám, khỏi đưa dâu. Mẹ mình khóc ngất ngay sau khi mình đi", cô gái kể.
Cô cho biết đêm tân hôn thay vì vui vẻ, hạnh phúc thì cô phải "cân" mẹ chồng, bị mẹ chồng coi không ra cái gì vì bà cho rằng cưới con dâu này về mà nhà cửa lục đục.
Sau đó cô mới biết chồng đã đưa mẹ anh 400 triệu để lo đám cưới, bao gồm tiền sính lễ. Theo như bàn bạc ban đầu với đàn gái, nhà trai sẽ qua xin dâu với 9 tráp, 50 triệu đồng tiền đen và tặng cô dâu 2 cây vàng. Nhưng đến ngay ngày cưới, phần sính lễ bỗng "có biến".
Mẹ chồng thấy tốn tiền nhiều nên tự rút xuống còn 3 tráp, cũng không thuê đội bê mà nhờ mấy người hàng xóm. Tiền lễ đen chỉ còn 3 triệu, vàng bớt còn một cây. Mẹ chồng cho rằng đấy chỉ là thủ tục rước dâu, tiết kiệm được tí nào hay tí đấy. Phần sính lễ còn lại, bà sẽ giữ giùm con trai.
Theo cô dâu, vợ chồng cô đã nhượng bộ mẹ chồng từ chuyện chọn ngày cưới, cả hai cũng chọn thả dính bầu mới xin cưới để ông bà an tâm là sẽ có cháu.
Nhưng khi định cưới thì mẹ chồng cô lần lữa, dây dưa mãi tới lúc cô sinh xong mới làm đám cưới, trước đó chỉ đăng ký kết hôn. Cộng thêm chuyện lễ vật cưới bất ngờ bị cắt bớt nên cô và gia đình mới bức xúc, suýt hủy đám cưới.
Nhưng sau đó, cô cũng cho hay vợ chồng đã về nhà riêng ở. "Chồng mình cũng đã chuyển hoàn lại tất cả những gì vốn dành cho mình trong đám cưới. Nhưng vẫn thấy mệt mỏi quá.
Có những cái không sửa được. Ví như chuyện mình "ăn ở thế nào mà nhà trai đi có ba tráp xin dâu" đang lan ra như cỏ cháy ở quê mình. Rồi mẹ và dượng mình sẽ sống sao với hàng xóm làng giềng đây. Mặt mũi của cả nhà mình coi như bỏ hết rồi còn đâu", cô than thở.
Tuy nhiên, cô tự an ủi rằng mình sống cùng chồng, chồng tốt với mình là được. Cô cũng thấy mình may mắn vì chồng không phải là mama boy (ý chỉ những người đàn ông chuyện gì cũng nghe lời mẹ - PV), "chứ cái gì cũng nghe mẹ thì quả thật mình mất hết mọi thứ".
Nhà trai "lật kèo" hay cô dâu ham vật chất?
Bài đăng của cô gái lập tức thu hút nhiều ý kiến với hơn 1.200 bình luận và chia thành hai luồng ý kiến.
Nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần xem chồng đối xử với mình thế nào, yêu thương và tử tế với vợ hay không. Còn chuyện sính lễ bao nhiêu không nên quá để tâm rồi buồn bực, ảnh hưởng hạnh phúc vợ chồng.
"Mấy cái mặt mũi bỏ qua đi bạn. Quan trọng chồng ok là được rồi. Hàng xóm nói một thời gian cũng quên hết thôi", ý kiến của bạn Sơn Nguyễn được nhiều người đồng tình. Chị Hoàng Hà cũng cùng quan điểm: "Sợ gì người ta nói 3 tráp hay 7 tráp. Chồng bạn đối xử thế nào với bạn mới là quan trọng".
"Có anh chồng thương vợ hiểu chuyện thì nên vun đắp và bỏ qua những chuyện chưa trọn vẹn", chị Trang Nguyễn nói.
Tâm sự chuyện cưới xin của mình, chị Thùy An kể khi đám cưới, chị 29 tuổi, chồng 34 tuổi. Các chi phí cưới xin đãi tiệc đều là hai người tự bỏ ra, chẳng cha mẹ bên nào cho gì. Chị cũng chẳng lăn tăn gì vì nghĩ cả hai đều trưởng thành, có thể tự lo cho mình đám cưới. Kết hôn là tự nguyện cùng nhau, chẳng ai chịu thiệt vì ai.
"Có người nhà phàn nàn nữ trang cho cô dâu không có đôi bông tai. Mình cười bảo con có xỏ lỗ tai đâu. Không có xe hoa rước dâu vì tổ chức nhà gái thôi (nhà chồng tận ngoài Bắc). Lễ cưới xong, chở nhau về nhà đã thuê sẵn trước đó. Đến giờ đã cưới được 15 năm, nhưng trong đó hết 9 năm hiếm muộn. Đã có hai con gái, nhà cửa xe cộ cũng có. Quan trọng là gia đình vui vẻ, hòa thuận, yêu thương nhau", chị An chia sẻ.
Tuy nhiên, có người nói trong chuyện này nhà trai hoàn toàn sai, không tôn trọng nhà gái khi tự ý "lật kèo" phút chót so với thống nhất ban đầu của hai gia đình.
Chị Dương Hương Thảo nhận định vấn đề không phải ở cái tráp mà là sự phá vỡ thỏa thuận, khiến cho cả họ nhà gái bất ngờ và xấu hổ vì không có sự chuẩn bị trước về mặt tinh thần.
Đồng quan điểm, chị Bảo Trân cho rằng chú rể này rõ ràng có tiền sắm lễ, đã thỏa thuận từ đầu nhưng nhà trai bất ngờ "quay xe", cắt xén nên mới đáng trách, chứ không phải cô dâu đòi hỏi tiền bạc khi chú rể không có điều kiện.
"Quan trọng là sự tôn trọng dành cho cô dâu và gia đình cô dâu. Thời này nhà nghèo lắm người ta vẫn cố gắng đi 5 tráp đàng hoàng. Nghĩ sao xin dâu được 3 tráp? Chứng tỏ mẹ chồng không những tính toán, keo kiệt, mà còn thể hiện không có sự tinh tế, tử tế, biết đối nhân xử thế nữa. Trong khi chồng người ta đã đưa hẳn 400 triệu cho mẹ chuẩn bị", chị Nguyễn Ngọc Nga bày tỏ ý kiến.
Anh Quang Thái Bùi đồng thuận rằng đây không phải cô dâu ham vật chất. Việc nhà trai xin dâu mấy tráp không phải nhà gái bán con hay ham vật chất. Lễ vật ở đây là bày tỏ tôn trọng cũng như mức độ quan trọng của việc cưới xin hay làm lễ ra mắt gia tiên, họ hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận