Một khoảnh rừng tự nhiên ở rừng Suối Quanh (thôn Tân Hội, xã Sơn Hội) bị tàn phá để trồng keo
Ngày 4-9, chúng tôi vào khu rừng Suối Quanh ở thôn Tân Hội (xã Sơn Hội). Đứng từ xa có thể thấy giữa những mảng xanh của sườn núi là những khoảng lớn màu nâu sậm nham nhở. Từ trên núi xa vang vọng tiếng máy cưa xăng kéo từng hồi dài.
"Tiếng máy cưa của tụi phá rừng đang 'bạch' (cưa xẻ) gỗ đấy. 'Bạch' gỗ máy cưa mới 'rịn, rịn, rịn' từng hồi dài như vậy, chứ cắt cây keo máy chỉ 'rịn' một lần, nhanh chóng thôi", người dẫn đường cho chúng tôi giải thích.
Từ suối Quanh, leo qua một đoạn rừng ngắn chừng 100m là "thảm cảnh" của rừng hiện ra. Cả một khu đất rộng hàng hecta trơ ra những gốc cây bằng lăng, muồng, da, cốc… cỡ 1-3 người ôm. Có gốc đã bị đốt cháy đen, có gốc còn hằn vết dấu cưa máy mới.
Đây đó có những tấm ván gỗ còn bỏ lại hiện trường sau khi phần gỗ hộp được xẻ đưa ra khỏi rừng. Có những thân cây dài cả chục mét nhưng không phải loại gỗ tốt hoặc thân cây hỏng lớp bị đốt cháy đen, lớp bỏ ngổn ngang khô khốc.
Dưới chân những cây rừng lớn bị đốn hạ ấy mọc lên những cây keo xanh, theo người dẫn đường thì được trồng trong khoảng 7-10 ngày.
Cây rừng bị chặt, đốt ngổn ngang
Chúng tôi tiếp tục leo núi khoảng trăm mét vào sâu trong rừng. Vẫn còn nhiều loại cây lớn mà 1-2 người ôm không xuể. Nhưng thật xót xa khi qua khỏi chút rừng xanh thì lại "vấp" ngay một khoảnh rừng khác, mật độ cây lớn dày hơn, đã bị triệt hạ không thương tiếc.
"Họ 'ăn' rừng tự nhiên từng khoảnh vậy. Cứ phát dọn chỗ này một khoảnh, rồi chỗ kia một khoảnh. Keo trồng lên xanh thì họ tiếp tục phá rừng tự nhiên ở khoảnh tiếp giáp. Cứ như vậy sau một thời gian, rừng tự nhiên hoàn toàn biến mất" - người dẫn đường giải thích.
Ngày 5-9, ông Trần Ngọc Tây - chủ tịch UBND xã Sơn Hội - cho biết các cánh rừng tự nhiên bị tàn phá ở khu vực Suối Quanh quy hoạch là rừng sản xuất, được giao cho hộ dân quản lý theo nghị định 163 của Chính phủ.
"Việc phá rừng diễn ra từ tháng 7-2021 đến nay. Họ thường lợi dụng ban đêm lên núi phá rừng tự nhiên để lấy đất trồng keo. Anh em địa phương với kiểm lâm cũng phục liên tục, nhưng lâm tặc cử người cảnh giới, rất khó bắt quả tang" - ông Tây nói.
Những cây rừng lớn đã bị triệt hạ, chỉ còn trơ gốc. Cạnh đó, những cây keo non đã được trồng lên
Đến ngày 5-9, lực lượng chức năng ghi nhận tại rừng Suối Quanh có 6 khoảnh rừng tự nhiên bị tàn phá với tổng diện tích đo đạc ban đầu 3,1ha. Tuy nhiên đến nay mới chỉ xác định được chủ của 1 khoảnh.
Trước đó đã có 1 khoảnh được khám nghiệm hiện trường, đang xác định thiệt hại để khởi tố nhưng chưa rõ chủ rừng là hộ dân nào.
"Rừng giao theo nghị định 163 từ nhiều năm trước, hồi đó cứ nói khu rừng này của ông A, khu rừng kia của ông B, mỗi hộ quản lý bảo vệ khoảng 20 - 30ha, nhưng không có mốc tọa độ rõ ràng. Giờ thấy rừng bị phá đó nhưng không biết của ông nào, tìm chính xác chủ rừng là điều không đơn giản" - ông Tây nói.
Ông chủ tịch xã nói thêm do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong khi lực lượng của xã mỏng, tập trung lo chống dịch, người dân không có việc làm nên vào rừng phá.
Trưa 4-9, khi từ trong rừng trở ra, chúng tôi gặp ông Lê Văn Bé - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên - đang đến xã Sơn Hội kiểm tra các vụ phá rừng đang nổi lên ở đây.
Ông Lê Văn Bé - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên - nói về tình trạng rừng bị phá, bị lấn chiếm hiện nay
Ông Bé nói sau khi báo chí phát hiện, thông tin vụ phá rừng phòng hộ ở thôn Tân Thành ngày 31-8, lực lượng kiểm lâm đã lập nhiều tổ công tác kiểm tra, rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị dân phá, lấn chiếm ở các xã Sơn Hội, Sơn Phước, Sơn Xuân và Sơn Định (huyện Sơn Hòa).
"Thời gian qua tình hình phá rừng, mở rộng diện tích lấn rừng có tăng lên. Chúng tôi đang tập trung kiểm tra, lập biên bản báo cáo cấp trên xem xét xử lý nghiêm theo quy định pháp luật" - ông Bé nói.
Khẩn trương xây dựng cơ chế bảo vệ rừng
Trước khi các vụ phá rừng phòng hộ ở xã Sơn Hội được Tuổi Trẻ Online và báo chí phanh phui, tại huyện Sơn Hòa có khoảng 29ha rừng tự nhiên bị tàn phá. Còn vụ phá rừng đầu nguồn sông Trà Bương ở thôn Tân Thành ban đầu xác định có 2,7ha.
Riêng các cánh rừng tự nhiên ở rừng Suối Quanh lực lượng kiểm lâm đã lập hồ sơ, đang trong quá trình xử lý.
"Tôi giao giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh khẩn trương đưa ra cơ chế bảo vệ rừng cho các địa phương có rừng của tỉnh. Không thể cứ để dân phá, lấn rừng, chủ rừng thiếu trách nhiệm, chính quyền địa phương không xử lý, vậy rừng tự nhiên còn đâu nữa" - ông Trần Hữu Thế, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho hay.
Một số hình ảnh rừng tự nhiên Suối Quanh phóng viên vừa ghi lại từ hiện trường:
Một khoảnh rừng Suối Quanh bị phát dọn, đốt phá
Cây rừng bị hạ la liệt
Rừng tự nhiên bị tàn phá nằm tiếp giáp với những đồi rừng keo lai
Một cây rừng dài hàng chục mét, nhưng không phải gỗ tốt nên bị lâm tặc bỏ lại rừng mà không cưa xẻ
Tương lai của những cây gỗ lớn cả người ôm không hết này trong rừng Suối Quanh chưa biết sẽ thế nào trước sự tàn phá không thương tiếc của lâm tặc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận