15/01/2018 15:02 GMT+7

Rụng tóc do viêm chân tóc

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)

Khi đã xác định bị rụng tóc do viêm chân tóc, người bệnh không nên sốt ruột mà cần kiên trì điều trị tình trạng viêm chân tóc trước đã.

Rụng tóc do viêm chân tóc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: thehairclinic.co.in

Một trong những nguyên nhân dẫn đến rụng tóc là do viêm chân tóc. Để cải thiện tình trạng rụng tóc cần điều trị dứt điểm bệnh viêm chân tóc và việc điều trị viêm chân tóc rụng tóc nên kết hợp dùng thuốc, chế phẩm thuốc và chăm sóc da đầu.

Nguyên nhân viêm chân tóc

Viêm chân tóc là tình trạng viêm phần nang tóc. Bệnh khá phổ biến ở cả nam và nữ, hay gặp ở người da đầu nhiều dầu. 

Nguyên nhân chủ yếu do tụ cầu vàng có tên khoa học Staphylococcus aureus gây nên, ngoài ra còn một số tác nhân khác như vi khuẩn gram âm, nấm Trichophyton spp. 

Các yếu tố thuận lợi gây viêm chân tóc gồm có khí hậu nóng, độ ẩm cao, môi trường bị ô nhiễm, bụi bẩn, bịt kín da đầu, da đầu luôn đẫm mồ hôi.

Những người có nguy cơ cao bị bệnh này là những người dùng thuốc ức chế miễn dịch (như chế phẩm corticoides), kháng sinh trong thời gian dài hoặc mắc các bệnh như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch. Trường hợp gội đầu quá nhiều (một lần/ ngày hoặc vài lần/ ngày), dùng nhiều dầu gội có độ tẩy gàu cao làm mất hết lớp ceramide bảo vệ da đầu. 

Khi gội đầu bệnh nhân lại gãi mạnh tạo nên các vết trầy xước trên da, tạo điều kiện cho vi khuẩn và vi nấm xâm nhập gây bệnh. Khi đó, bệnh nhân rất ngứa đầu và khi gội đầu lại muốn gãi mạnh cho đỡ ngứa thì tổn thương da sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Biểu hiện viêm chân tóc là các sẩn nhỏ như hạt kê ở chân tóc, có vẩy, rất ngứa, mọc nhiều nhất ở vùng gáy, hai bên tóc mai. Nếu bệnh nặng, sẩn có thể lan cả đến vùng râu, lông nách, lông mi, tiến triển dai dẳng nhiều tháng, nhiều năm. 

Nếu gãi nhiều có thể bị nhiễm khuẩn thứ phát gây chốc lở, nổi hạch đau hai bên cổ. Viêm chân tóc mạn tính có thể dẫn tới suy nhược thần kinh, ngủ kém, hay cáu kỉnh, giảm sút trí nhớ.

Điều trị viêm chân tóc

Điều trị viêm chân tóc là sự kết hợp giữa dùng thuốc và chăm sóc da đầu đúng cách. Về dùng thuốc phải kết hợp dùng thuốc kháng sinh, thuốc kháng khuẩn tại chỗ, thuốc an thần chống ngứa và thuốc chống dị ứng. 

Tùy từng trường hợp, thầy thuốc sẽ có chỉ định thích hợp. Nếu tổn thương da tiết dịch nhiều thì bôi các dung dịch sát khuẩn như castelani, BIS.

Nếu tổn thương khô hơn thì bôi hàng ngày trong 2-3 tuần, một trong các thuốc có chứa corticoid có hoạt phổ mạnh như: temproson, gentrison, caditrigel. 

Để giảm ngứa thì phải uống một trong các thuốc kháng histamin như loratadin, fexofenadin, chlopheniramin một đợt từ 5-10 ngày. Để diệt khuẩn thì phải uống một trong các kháng sinh sau: cefixim, roxithromycin. Sử dụng kháng sinh một đợt trong 7-10 ngày.

Để thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất, bệnh nhân phải biết căn nguyên của bệnh và tự giác thực hiện một chế độ gội đầu, chăm sóc da đầu hợp lý: Không sử dụng các dầu gội thông thường, phải dùng dầu gội đầu (loại trị gàu), chỉ nên gội đầu 2-3 lần/tuần, không nên gội nhiều lần trong một ngày.

Khi gội chỉ gãi nhẹ nhàng tránh làm xây xước da đầu, không làm tróc vẩy các mụn. Không gãi, không cạo trước khi bôi thuốc. Không xát chanh, xát muối, xà phòng vào chỗ da đầu bị viêm. Không bôi các loại thuốc không rõ nguồn gốc hoặc dùng thuốc theo sự mách bảo khiến tình trạng viêm chân tóc ngày càng nặng hơn và khó chữa hơn.

Cải thiện tình trạng rụng tóc do viêm chân tóc

Lựa chọn thuốc hay các chế phẩm bổ sung để chữa rụng tóc là vấn đề nan giải do việc chữa trị cần nhiều thời gian và hiệu quả điều trị không cao, khó có thể điều trị dứt điểm. Nguyên nhân rụng tóc còn do nhiều yếu tố và tính đáp ứng với thuốc tùy thuộc vào mỗi cá thể và cả tính kiên trì khi dùng thuốc.

Khi đã xác định bị rụng tóc do viêm chân tóc, người bệnh không nên sốt ruột mà cần kiên trì điều trị tình trạng viêm chân tóc trước đã. Khi tình trạng viêm được cải thiện hay chữa trị dứt điểm, da đầu sẽ bớt dầu, bớt ngứa, tình trạng rụng tóc sẽ giảm rõ rệt. 

Số chân tóc bị rụng sẽ mọc trở lại. Bệnh nhân càng trẻ, do chưa bị rụng tóc do ảnh hưởng của giảm nội tiết tố, tóc càng mọc nhiều và nhanh hơn. Các loại thuốc hạn chế rụng tóc gồm có: vitamin B5, B6, các axit amin như cystine, méthionine, biotine, sắt và kẽm...

Ngoài ra, có thể dùng các chất cortisone tại chỗ, điều trị chống dị ứng tại da đầu (nhằm giảm hiện tượng rụng tóc do bệnh tự miễn), kích thích da đầu bằng nhiệt độ lạnh.

Trường hợp tóc rụng quá nhiều, nguyên nhân rụng tóc do viêm chân tóc và cả các yếu tố nội tiết thì có thể dùng tại chỗ loại thuốc chữa rụng tóc tương đối có hiệu quả là minoxidil. Tuy nhiên, thuốc cũng có tác dụng phụ như ảnh hưởng đến huyết áp, làm tim đập nhanh, giữ nước. 

Dùng từ 4-6 tháng mới có kết quả. Ngoài ra, với phụ nữ có thể dùng kèm thuốc kháng kích thích tố nam (kháng androgen), thuốc kích thích miễn dịch tại chỗ (isoprinosine), dùng trong trường hợp rụng tóc nhiều thành từng mảng, da đầu rất nhờn. 

Tuy nhiên, tất cả trường hợp dùng thuốc phải theo đúng chỉ định của thầy thuốc.

Gần đây, nhiều người bệnh đã áp dụng một phương pháp mới điều trị rụng tóc rất có kết quả, đó là chích thuốc trị bệnh vào da đầu giúp làm tăng tuần hoàn máu tại chỗ và nuôi dưỡng chân tóc bằng các vitamin quan trọng, làm chậm quá trình thoái hóa của chân tóc. 

Tuy nhiên, phương pháp này tốn kém và chỉ áp dụng khi các biện pháp uống thuốc không hiệu quả.

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên