15/05/2018 09:36 GMT+7

Rừng phòng hộ Sông Kôn bị cưa đổ ngay sát nách kiểm lâm

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Ngày 14-5, PV Tuổi Trẻ Online đã có mặt tại tiểu khu 74, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam ghi nhận vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra như ở chốn không người.

Rừng phòng hộ Sông Kôn bị cưa đổ ngay sát nách kiểm lâm - Ảnh 1.

Một gốc cây đường kính khoảng 1 mét bị cưa xẻ để nằm bên lối đi, vết cưa còn mới, nhựa cây ứa ra - Ảnh: B.D

Theo ghi nhận có ít nhất đã có 4 điểm khai thác gỗ được ghi nhận. Tổng số gỗ bị chặt hạ được thống kê là gần 30m3, trong đó có gỗ nhóm 1.

Phá như chốn không người

Tại điểm khai thác gỗ đầu tiên, có 7 cây gỗ đường kính 30 - 40cm bị cưa hạ. Gỗ được cắt từng khúc, tập kết một chỗ chở để đưa ra ngoài. Đi bộ thêm khoảng 30 phút nữa là điểm thứ hai nằm khuất dưới vực núi.

Trên nhánh nhỏ xuống vực núi có hàng chục thanh gỗ, bề ngang khoảng 20cm, chiều dài 4 - 5m. Gỗ còn tươi và dậy mùi, được xẻ vuông vức và tập kết ngay trên lối đi.

Rừng phòng hộ Sông Kôn bị cưa đổ ngay sát nách kiểm lâm - Ảnh 2.

Khi kiểm tra hiện trường, đau xót trước việc rừng bị phá một cán bộ quản lý bảo vệ rừng tại TP Đà Nẵng đã viết dòng chữ này - Ảnh: B.D

Đi thêm vào đường nhánh này khoảng 100m nữa là hiện trường một cây gỗ lớn, đường kính khoảng 1 - 1,5m, dài hàng chục mét bị hạ. Lâm lặc đã cưa gọn hai đầu, xẻ một vài đường cưa rồi bỏ dở tới nay.

Một điểm khác nằm ở trên đỉnh núi. Có ít nhất 3 cây gỗ lớn, đường kính gốc mỗi cây rộng cả mét đã bị cưa hạ. Thân gỗ cũng được cắt thành từng đoạn, dùng cưa xẻ thành từng tấm bề ngang rộng 80cm - 1m, dài hơn 3 mét để làm phản.

Vụ phá rừng được xác định tại tiểu khu 74, xã Ba, huyện Đông Giang, Quảng Nam.

Rừng phòng hộ Sông Kôn bị cưa đổ ngay sát nách kiểm lâm - Ảnh 3.

Cây gỗ cổ thụ bị đốn hạ, được các lực lượng chức năng kiểm đếm để phục vụ điều tra - Ảnh: B.D

Một cán bộ tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng cho biết cuối tháng 4-2018, Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (Đà Nẵng) đã cử lực lượng lên tiếp cận hiện trường.

Người này khẳng định lúc kiểm tra, hầu hết gỗ còn nằm nguyên ở hiện trường. Tuy nhiên đến trưa 14-5 trở lại thì gỗ đã bị xẻ và đưa ra ngoài một phần.

Rừng phòng hộ Sông Kôn bị cưa đổ ngay sát nách kiểm lâm - Ảnh 4.

Những cây gỗ lớn được xẻ để làm phản, đang bị bỏ lại ở giữa rừng chờ đưa ra bên ngoài - Ảnh: B.D

Bất thường

Một điều rất bất thường, theo cán bộ này là muốn lấy được gỗ từ trên núi xuống thì chỉ có một con đường mòn duy nhất đưa xuống suối tại thôn Phú Son.

Gỗ nằm tập kết tại đây, trên một vùng bằng phẳng và chỉ cách nhà dân khoảng 500m, cách chốt kiểm lâm trên quốc lộ khoảng 1km.

Giám đốc Ban quản lý Hồ Văn Minh cũng nói gỗ đưa ra bên ngoài, qua quốc lộ thì phải qua trạm kiểm lâm.

Ngay trong thời điểm chúng tôi tiếp cận các bãi gỗ, những tiếng cưa máy vẫn vang lên giữa rừng và còn gặp một người dân mang cả cưa lốc vào giữa rừng.

Rừng phòng hộ Sông Kôn bị cưa đổ ngay sát nách kiểm lâm - Ảnh 5.

Chốt kiểm lâm trên quốc lộ dẫn từ Quảng Nam xuống TP Đà Nẵng, chỉ cách địa điểm phá rừng khoảng 1km - Ảnh: B.D

Rừng phòng hộ Sông Kôn bị cưa đổ ngay sát nách kiểm lâm - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Hiêng (thôn Dốc Kiềng, xã Ba, huyện Đông Giang) nói mình vào rừng cắt gỗ khô, mang theo cưa lốc và được sự đồng ý của kiểm lâm - Ảnh: B.D


Rừng phòng hộ Sông Kôn bị cưa đổ ngay sát nách kiểm lâm - Ảnh 7.

Một trong nhiều điểm tập kết gỗ đã khai thác tại tiểu khu 74, BQL rừng Sông Kôn - Ảnh: B.D

Nói về vụ phá rừng này, ông Hồ Văn Minh cho biết trách nhiệm quản lý thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn. Ngày 24-4 khi phát hiện có vụ vận chuyển gỗ từ rừng ra, kiểm lâm đã đi kiểm tra và phát hiện.

Theo ông Minh, diện tích rừng bị phá nói trên thuộc diện rừng đặc dụng và một ít rừng sản xuất. Về trách nhiệm, ông Minh nói rừng đã giao khoán cho các hộ dân, trách nhiệm của các hộ dân là phải theo dõi, khi có phá rừng thì báo cho kiểm lâm.

Theo ông Hồ Văn Minh vụ việc đã được báo cáo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, vụ án vẫn chưa được khởi tố.

Đã có 25,7m3 gỗ tại rừng đặc dụng đã bị cắt, trong đó còn 43 gỗ tấm và 22 lóng còn nằm lại ở hiện trường. Gỗ bị phá từ nhóm 1 đến nhóm 6.

Ngoài số này, có 18 gốc gỗ (chưa kiểm đếm khối lượng) trong diện tích rừng sản xuất đã bị cắt. Ông Minh nói khi vụ án được khởi tố sẽ làm rõ trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn, những người liên quan.

Những hình ảnh vụ phá rừng quy mô lớn tại Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn ghi nhận ngày 14-5:

Rừng phòng hộ Sông Kôn bị cưa đổ ngay sát nách kiểm lâm - Ảnh 8.

Những tấm bảng thông báo địa giới quản lý rừng treo sơ sài trên gốc cây - Ảnh: B.D

Rừng phòng hộ Sông Kôn bị cưa đổ ngay sát nách kiểm lâm - Ảnh 9.

Cây gỗ lớn, đường kính khoảng 1m được cắt thân làm gọn hai đầu để chuẩn bị xẻ làm phản - Ảnh: B.D

Rừng phòng hộ Sông Kôn bị cưa đổ ngay sát nách kiểm lâm - Ảnh 10.

Mất cả trăm năm để có một cây gỗ cổ thụ như thế này nhưng chỉ mất vài giờ để hạ xuống bởi lưỡi cưa lâm tặc - Ảnh: B.D

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên