06/08/2012 07:56 GMT+7

Rừng nguyên sinh sát phố

Ông Y WIH - trưởng buôn Kmrơng Kprông A
Ông Y WIH - trưởng buôn Kmrơng Kprông A

TT - Những khu rừng cây cổ thụ cao hàng chục mét, đường kính ba bốn người ôm, nằm cạnh các buôn của người Ê Đê chỉ cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột chưa đầy chục km.

c8fHMQIo.jpgPhóng to

Ông Y Wíh - trưởng buôn Kmrơng Kprông A - bên một cây gỗ cổ thụ trong rừng Kmrơng Kprông A - Ảnh: B.D.

Ông Ama Ók - trưởng buôn Kmrơng Kprông B (xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột) - dẫn chúng tôi ra thăm khu rừng rộng hơn 1ha ở đầu buôn Kmrơng Kprông B. Ông cho biết: “Kmrơng Kprông theo tiếng người Ê Đê nghĩa là “rừng lớn”, ngày xưa ở Kmrơng Kprông rừng che kín. Giờ đô thị phát triển, nhà cửa mọc nhiều lên nên rừng ít nhiều bị thu hẹp, nhưng bà con vẫn giữ lại những diện tích còn sót lại để giữ lấy bến nước”.

Mảng xanh quý giá

"Sống cùng buôn nên ai chặt cây, phá rừng bà con đều biết. Mỗi lần như thế buôn lại tổ chức họp dân và đưa các hộ này ra kiểm điểm. Ai bị kiểm điểm thì sẽ rất xấu hổ và lần sau không dám phá rừng nữa"

Từ trung tâm thành phố ngược theo quốc lộ 14 rẽ vào trung tâm xã Ea Tu sẽ dễ dàng bắt gặp các khu rừng cây cổ thụ cao hàng chục mét, đường kính ba bốn người ôm nằm cạnh các buôn của người Ê Đê. Tại khu rừng cổ thụ của buôn Kmrơng Kprông B, giữa mùa hè nhưng đứng dưới tán rừng vẫn có cảm giác mát rượi, nước từ các khe núi chảy ra được người dân dùng đá hộc chặn lại và dùng cây tre đục rỗng dẫn nước xuống bến cách đó không xa. Buôn trưởng Ama Ók nói mặc dù hệ thống nước sạch đã về tại buôn nhưng bà con vẫn thích ra bến nước tắm giặt và sinh hoạt.

Già làngY Ky Niê KĐăm năm nay 73 tuổi cho biết khu rừng của buôn đã có từ rất xa xưa, lúc đó buôn chỉ mấy chục căn nhà, còn lại đều là rừng cây cổ thụ. Ngày xưa bà con không đào giếng hay có nước máy như bây giờ mà sống dựa vào nước lấy được từ rừng trong buôn.

Cạnh khu rừng của buôn Kmrơng Kprông B là khu rừng của buôn Kmrơng Kprông A. Ông Y Wíh - buôn trưởng buôn Kmrơng Kprông A - cho biết khu rừng này nằm giữa trung tâm buôn với diện tích khoảng 1,1ha, mặc dù đất đai hiếm hoi nhưng bà con vẫn chung tay giữ cho đến hôm nay với mục đích có nguồn nước sạch chảy xuống bến nước để dùng.

Dù chỉ cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 9km nhưng đến nay rừng ở buôn Kmrơng Kprông A vẫn còn khá nguyên vẹn với nhiều tầng cây cối, có hàng chục thân cây gỗ lớn đến hai ba người ôm. Y Wíh nói buôn Kmrơng Kprông A có 392 hộ dân với tổng cộng gần 2.000 nhân khẩu, nhưng lượng nước chảy ra từ rừng mà buôn giữ được vẫn luôn đủ để bà con sử dụng quanh năm.

Tương tự tại buôn Ju, hàng trăm hộ dân ở đây từ xưa cũng đang chung tay bảo vệ khu rừng cổ thụ rộng hơn 3,8ha nằm cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột khoảng 11km. Ông Y Mui - trưởng buôn Ju - nói từ thuở nhỏ ông đã thấy khu rừng nằm sát làng với những cây sung, cây sao cao lớn và những cây cau mới chỉ cao ngang nóc nhà, nhưng đến nay gần 50 tuổi rồi mà rừng vẫn sum sê như thế.

Giữ rừng để giữ nguồn nước

Nguy cơ biến mất

Ông Y Khuôl Êban - phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Đắk Lắk - cho biết việc giữ lại được các khu rừng nguyên sinh trong phạm vi TP Buôn Ma Thuột như một số buôn ở xã Ea Tu là việc làm rất có ý nghĩa trong bối cảnh thành phố đang ngày càng được mở rộng, đất đai bị thu hẹp dần. Vừa qua, hội đã về xã Ea Tu để đặt biển bảo tồn khu rừng cây - mạch nước tại buôn Kmrơng Kprông B như một sự ghi nhận và nhắc nhở người dân trong việc chung tay giữ rừng. Hiện những khu rừng nguyên sinh như thế tại TP Buôn Ma Thuột chỉ còn lại ở một vài buôn làng nhưng đang có nguy cơ biến mất.

Già làng Y Yóh Kbuôr (buôn Kmrơng Kprông A) cho hay rừng có vai trò rất quan trọng trong đời sống của người Ê Đê. Bà con thường có thói quen ra suối đầu làng lấy nước, mà muốn có nước thì phải giữ được rừng. Dù thế nhưng theo Y Yóh, một số người không hiểu hết ý nghĩa của việc giữ rừng nên tìm cách lấn chiếm, liên tục từ nhiều năm nay việc xâm lấn rừng trong buôn vẫn diễn ra khiến rừng cứ bị teo tóp dần. Mỗi khoảng đất bị phát dọn đi để thay thế bằng nương rẫy, nhà cửa hay một cây gỗ lớn trong rừng bị chặt đi là bớt đi một mạch nước, dòng nước chảy về bến cũng vơi dần.

Ông Trần Kế Toán - phó chủ tịch xã Ea Tu - cho biết toàn bộ diện tích rừng nằm ở ba buôn Kmrơng Kprông A, Kmrơng Kprông B và buôn Ju với tổng diện tích trên 5ha đều thuộc sở hữu của cộng đồng nhưng nhiều năm nay bị xâm lấn. Cách hiệu quả nhất được đưa ra là sử dụng hương ước, luật tục trong cộng đồng để bảo vệ rừng.

Theo ông Y Mui - trưởng buôn Ju, chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây rừng ở buôn Ju bị xâm lấn đến 1,7ha. Trước thực trạng này, hội đồng các già làng, buôn trưởng và bà con đứng ra tổ chức họp dân và quán triệt: bà con ai cũng phải có trách nhiệm giữ rừng, nếu phát hiện ai chặt cây, lấn đất thì phạt nặng bằng luật tục và phải tổ chức cúng heo, cúng trâu bò ngay tại bến nước.

Không chỉ giữ những khoảng rừng còn sót lại để tránh bị xâm lấn, các già làng, buôn trưởng còn cho biết hằng tháng người dân sống xung quanh các khu rừng này lại tổ chức dọn dẹp vệ sinh quanh bến nước, mỗi khi rừng có cây lớn khô và ngã đổ thì cả làng cũng phải họp dân lại để bàn bạc việc lấy cây về sử dụng vào mục đích chung.

Theo ông Toán, để hỗ trợ người dân giữ rừng tốt hơn, xã đã tổ chức cho các đoàn xuống thống kê và cắm mốc diện tích đất rừng để khoanh vùng bảo vệ, đồng thời kiên quyết không cấp sổ đỏ trên diện tích đất mà các hộ lấn chiếm. Về phía các buôn cũng đứng ra tổ chức họp và vận động các hộ này giải tỏa vườn tược, trả lại đất cho buôn để xã cấp giống cây về trồng và gây rừng. Hằng năm xã và các tổ chức môi trường đều cấp một lượng lớn các giống cây gỗ lớn như sao, xà cừ... xuống buôn để bà con cùng nhau trồng cây, làm cho rừng ngày càng giàu thêm.

Ông Y WIH - trưởng buôn Kmrơng Kprông A
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên