TTCT - Tôi sang Nga ba lần. Lần đầu ngay sau ngày giải phóng, năm 1976, khách mời đoàn nhà văn nước Việt Nam thống nhứt vừa mới chiến thắng, thật oai, đi xe Volga đen, ăn cơm nhà hàng, dự lễ Cách mạng Tháng Mười với nguyên thủ quốc gia. Lần hai sau 11 năm, năm 1987, đi học, làm anh học trò, ăn cơm ký túc xá, ngày hai buổi đi metro, xe buýt điện đến trường. Đó là thời kỳ “đêm trước” của Liên Xô sụp đổ, cũng là thời “giá lương tiền” khốn khó của ta, cùng kiểu bao cấp máy móc, cửa hàng trống rỗng, dân “Cộng” chúng tôi giờ nghỉ lê la các cửa hàng mua bàn ủi, quạt điện. Hôm sang Nga tôi đi chung đoàn với cánh hợp tác lao động, mấy trăm thanh niên trai gái mười tám đôi mươi ngồi quá nửa chuyến bay, cười nói huyên thuyên vô tư lự, không biết gì chờ đón mình phía trước. Ngồi cạnh tôi là cô gái đồng hương Đồng Tháp Mười, tôi làm quen ngay, ghi tên họ địa chỉ, giữ mối quan hệ từ đó tới giờ đã mấy mươi năm. Minh họa: Hoàng Tường Hai lần sang trước, ngoài chuyện mua bán nhếch nhác không ra hình người, tôi cũng có được những giờ phút thảnh thơi đi dạo ra ngoại thành, các tỉnh thành lân cận nhìn ngắm những cánh rừng bạch dương, hồ nước, chiêm ngưỡng thiên nhiên Nga thấm đẫm trong từng trang tiểu thuyết tôi đọc mê mẩn từ tuổi ấu thơ. Rút kinh nghiệm hai lần trước, lần này tôi quyết “chuyên sâu hơn” cho việc du ngoạn. Vậy là đã 24 năm! Thằng con tôi sinh hồi sang lần hai giờ cũng đã đi lao động nước ngoài rồi. Trước khi đi tôi điện báo cho Kim, cô bạn đồng hương năm xưa, nói thêm chuyến đi của tôi không có việc gì nhiều, ký kết vài văn bản bắt tay chào mừng, còn lại tôi muốn dạo chơi, càng đi sâu vào rừng nông thôn hoang dã càng tốt. Cô bạn đáp đang rảnh đi đâu cũng được, cô quen một khu rừng quốc gia, tôi thích rừng muốn vô đó thì đi. Vậy thì không còn gì bằng. Rừng là một phần đời tôi. Tôi mê rừng từ nhỏ, bảy tám tuổi sống ở Đồng Tháp Mười thời còn hoang sơ nê địa, những cánh rừng tràm bạt ngàn, những đầm nước kênh rạch, những cánh đồng lúa ma thẳng cánh cò bay. Rừng U Minh tôi cũng có ở một thời gian, ăn đọt choại uống nước “khơ-mâu”(*). Sau này lớn lên, những năm 1960 trong chiến tranh tôi ở rừng miền Đông, chiến khu Đ khu Sáu, rừng Trường Sơn tôi cũng đi qua. Hai lần sang Nga, rừng Nga đã thu hút tôi, mùa thu lá vàng, mùa đông tuyết phủ, những cánh rừng bạch dương ngập trong tuyết, dòng suối nhỏ nước trong vắt chảy quanh co uốn lượn. Kim đón tôi ở sân bay, dẫn tôi về giới thiệu căn hộ mới tinh gần khu Trường đại học Lomonosov. Tôi biết cô có con gái hơn hai mươi tuổi không thấy ở chung, có vẻ Kim đang sống một mình. Tôi hỏi con gái đâu. Kim đáp con gái học xong rồi đi làm xa, cô nói với tôi rồi. Cô chưa nói gì với tôi cả, chuyện con cái làm ăn sinh sống cũng như nhiều chuyện khác. Cô vốn kín tiếng. Tôi chỉ biết loáng thoáng, hình như cô chưa từng lấy chồng, ăn ở với vài ba người đàn ông nhưng không cưới hỏi. Việc làm cũng nhiêu khê lắm. Đầu tiên làm nhà máy, như nhiều thanh niên hợp tác lao động hồi mới sang. Rồi bỏ đi buôn chuyến, đủ thứ hàng họ khắp các nước cộng hòa. Rồi mở xưởng dệt may, nhà hàng ăn uống, kinh doanh cả phòng trọ, môi giới bất động sản. Cách nay độ mười năm, Kim viết thư báo tin thôi không buôn bán gì nữa, tiền bạc có đủ rồi, giờ phải chăm lo đời sống độc thân của mình và con gái. Kim đã làm đúng như thế, qua vài người quen tôi biết Kim vào làm biên tập cho một đài truyền hình nào đó, công việc ổn định có đồng lương, một thời gian dài không quan hệ với người đàn ông nào. Vậy sao giờ nhà cửa khang trang con gái không ở chung, đi đâu giữa nước Nga mênh mông này? Tôi mất hai ngày gặp cơ quan liên quan, ký các giấy tờ giao lưu, gặp vài người quen cũ. Ai nấy đều già sọm đi, biết mình cũng già. Ngay các bạn Kim tôi quen thuở đi học, ai nấy tóc cũng đã hoa râm. Cũng trên dưới năm mươi hết rồi. Phần đông làm nghề may, nghề quy định bất thành văn cho cộng đồng người Việt, có xưởng riêng vài mươi công nhân, có người mua được cả tòa nhà chung cư cho thuê mướn. Nhưng ai nấy đều mặt mày chao chát, gánh nặng mấy mươi năm cơ cực, bám trụ được sau năm 1989 cũng đủ bạc tóc rồi. Ngày thứ tư chúng tôi lên xe lửa đi về phương bắc, theo tuyến Moskva - Petersburg. Đã sáu giờ chiều trời vẫn còn nắng chang chang. Ngồi yên trong cabin, Kim hé mở đôi chút chuyện đời tư: “Em sang đây đã 24 năm, con Nga hăm mốt tuổi, anh tính đi. Có ba thằng chồng không cưới. Làm đủ nghề: thợ vặn ốc vít, buôn chuyến, nhổ cỏ, hái trái cây. Có lần giả đàn ông đi vác hàng. Ít nhứt tám lần về Việt Nam “cõng” hàng sang. Nói chung cứ lao vô kiếm tiền như điên, có khi được cục tiền lớn, có lúc “sụp hố” trắng tay. Lần thua đậm nhứt là “dính trạm” phải bỏ của chạy lấy người, một côpêch cũng không còn, muối mặt kêu con Nga điện xin tiền ba nó. Khổ nhứt là chuyện ở. Sau vụ năm 1989 có giấy tờ gì đâu, toàn trốn chui trốn nhủi, mấy chục mạng ở căn hộ vài chục thước, nằm dưới sàn cũng không đủ chỗ, phải thay nhau nửa ngủ nhà nửa ra ngoài đường, đi đâu thì đi”. Tôi nói tôi có biết chuyện đó, những năm đó tôi cũng ở Nga. “Nhưng anh có biết không, sau hơn hai mươi năm, giờ vẫn còn cảnh đó”. Tôi đáp tôi cũng thấy rồi, mấy hôm rày đi loanh quanh mấy khu người Việt, làm ăn xứ người cũng cay đắng trăm bề. Kim ngủ, tôi ngó ra cửa sổ ngắm cảnh hai bên đường. Đã hơn sáu giờ chiều trời vẫn còn nắng, những cánh rừng bạch dương chạy dài, những hồ nước nối tiếp nhau, mặt nước tĩnh lặng sáng lấp lánh. Rừng Nga có nhiều hồ nước, đi đâu cũng gặp hồ nước, khiến tôi nghĩ không có hồ nước có còn là rừng Nga không? Kim thức dậy, tiếp tục tỉ tê trò chuyện: “Cả đời em cơ cực, giờ cũng tạm ổn, có nhà cửa việc làm đồng lương, so với dân “Cộng” ở đây em thuộc loại khá. Nghỉ được rồi, chỉ còn lo cho con nữa thôi”. “Con nhỏ đâu?”. “Ở đây thôi”. “Nó làm gì?”. “Làm rừng”. “Rừng Nga à?”. “Chớ rừng nào? Anh đang ở đâu vậy?”. Tôi thấy vẫn chưa yên. Trời sụp tối, vậy là đã gần sáng rồi. Tôi ngủ chập chờn trong nhịp lắc lư của toa tàu, đầu óc lơ mơ hình ảnh những vạt rừng chạy dài. Kim đánh thức tôi dậy, bên ngoài vẫn còn tối đen. Tàu dừng ở ga Tver hẻo lánh, nhà cửa lèo tèo lặng câm. Kim hối tôi lấy đồ đạc xuống mau, tàu không dừng lâu. Trời lạnh như cắt da. Đang là mùa xuân nhưng chúng tôi đang đi về hướng bắc, xứ sở của băng tuyết. Kim có vẻ đã quá quen thuộc, nhanh chóng tìm bãi đậu taxi, chúng tôi lên xe đi ngay khi trời vẫn còn trong đêm. Phút chốc không còn nhà cửa đèn điện, xe chạy âm thầm trên con đường nhỏ rợp bóng cây, có thể cảm thấy hơi lạnh phả ra từng thân cây bụi cỏ. Rừng Nga mênh mông bao bọc chung quanh. Bỗng nhiên phía trước bừng sáng lên, xe ra khỏi rừng đi ven theo một hồ nước sáng lấp lánh. Trời sáng dần. Con đường lượn qua một hồ nước kế tiếp, mặt hồ xanh trong tĩnh lặng. Kim giới thiệu đây là vùng rừng có tên Valdai, có nghĩa là nước sạch, nổi tiếng có nhiều hồ nước, nhiều khu nghỉ mát, có nhà nghỉ tổng thống Putin, nay là thủ tướng. Kim kể có sự tích như thế này. Thế kỷ thứ 11, quân Mông Cổ tàn phá châu Âu, đến đây thì dừng quân. Và sau đó rút lui. Có ba nguyên nhân: 1/ Cháu gái Thành Cát Tư Hãn bị té chết dưới hồ. 2/ Có bạo loạn ở nhà. 3/ Một cây thánh giá đột nhiên bị ngã đổ trước đoàn quân. Có lẽ nguyên nhân thứ ba là chính: Chúa trời đã không muốn cho quân Mông Cổ tiến lên. Tôi hỏi có phải năm mươi năm sau đội quân đó bị ta đánh bại ở Bạch Đằng không. Kim đáp đúng như vậy, cô đã có nghiên cứu sách vở. Nắng lên, ánh nắng xiên, thời khắc của ánh sáng đẹp nhứt. Tôi cố mở to mắt nhìn ngắm. Thành phố Valdai nhỏ gọn mấy trăm ngàn dân. Kim cho xe dừng lại một cửa hàng mua bánh vòng, đặc sản địa phương nổi tiếng. Lại kể chuyện về chiếc bánh vòng. Ngày xưa ở Valdai, thuở khách đi đường còn dùng ngựa trạm, các cô gái quê đứng bán những xâu bánh vòng hai bên đường, khách mua bánh được hôn môi các cô gái qua lỗ tròn chiếc bánh. Đại thi hào Puskin thuở còn trẻ cũng từng đi qua đây, viết thư về cho mẹ: “Con đến Valdai được ăn bánh vòng, hôn các cô gái Valdai thỏa thích”. Chúng tôi bắt đầu đi vào rừng quốc gia, chỗ Kim quen biết. Kim điện thoại cho người giám đốc xin bữa ăn trưa, cho chiếc xe buổi chiều đi dạo rừng. Đang nói chuyện vui vẻ bỗng Kim sa sầm buông điện thoại, nói: “Mình ghé khu bảo tồn mượn xe đi liền thôi”. “Đi đâu? - tôi đùa - Quân Mông Cổ đang đuổi theo phía sau hả?”. Thật sự tôi cũng đang mệt. Đi mười tiếng xe lửa, bốn tiếng xe hơi từ ga vô đây, chỉ ăn mấy cái bánh vòng uống nước lạnh. Nhưng Kim có vẻ nôn nóng: “Đi vô rừng. Anh muốn biết rừng Nga mà!”. Thì đi. Người giám đốc chờ sẵn, trạc tuổi Kim, nồng hậu vui vẻ, Kim nói gì ông ta cũng “đa, đa” (**). Đích thân ông giám đốc lái xe đưa chúng tôi đi, đem theo đủ đồ ăn thức uống, chiếc xe đặc dụng cao rộng, hai người Việt Nam ngồi lọt thỏm phía sau. Xe đi gần như băng rừng, không có xe cộ người đi lại nào khác. Càng đi sâu rừng càng rậm rạp hoang vu, những thân cây xù xì rêu mốc, cành lá xanh mượt mà. Đang là mùa xuân, cây hoang cỏ dại đều ra bông. Xe rời đường nhựa đi vào đường đất, nhảy chồm chồm qua những mô đất, không thấy có đường sá gì cả. Người giám đốc vẫn lái một cách điềm tĩnh, thuộc lòng từng thước đất trong khu bảo tồn của mình, ngoặt qua tránh lại những mô đất, những rãnh nước. Tôi không hỏi Kim đi đâu, cô đang đăm chiêu căng thẳng. Nhưng ghé vào một trạm không thấy có người, Kim thất vọng ra mặt, tôi không dừng được: “Có chuyện gì vậy?”. “Con gái em đi đâu mất rồi”. “Con nhỏ ở đâu?”. “Ở đây! Nó làm trong khu bảo tồn này!”. Hóa ra là như vậy. Kim không báo trước, muốn dành bất ngờ cho tôi và cả cho con gái. Chắc cô con gái có chuyến đi rừng bình thường nào đó thôi. Nhưng trông Kim dáo dác thật tội nghiệp. Đất người xa lạ, vậy mà hai mẹ con ở hai phương trời! Làm công chuyện gì? “Giờ biết tìm nó ở đâu, lang thang trong cánh rừng nào?”, Kim nói như đang trong cơn tuyệt vọng. Tôi cũng thấy nao nao. Trời đã tối, khu rừng hoang sơ không có sóng điện thoại, cô gái say mê rừng chắc cũng tắt máy không muốn người khác quấy rầy. Cô gái nhỏ đang làm gì giữa rừng Nga mênh mông này? Chúng tôi bày đồ ra ăn. Kim gần như không ăn gì trong ngày, giờ cũng chỉ nhấm nháp chút ít. Người bạn Nga ăn nhiều, luôn mời mọc, mong Kim nhờ vả gì đó để được “đa, đa”. Hai người nói chuyện với nhau, chắc bàn chuyện đi tiếp hay ở lại. Tôi ra ngồi bên ngoài, lát sau Kim đi ra: “Ngủ lại đây thôi - cô nói, như để an ủi mình - Con nhỏ trở về chỉ có qua đường này”. Rồi lại nói, không biết chê trách hay tự hào: “Con nhỏ làm gì không ai ngăn được. Nhiều lần nó lang thang một mình trong rừng, không biết tìm cây thiêng cỏ quý, cây ra trái vàng trái bạc gì”. Cô con gái tự đến đây xin việc làm, Kim quen người giám đốc sau này. Chuyện học hành trước đó của cô bé cũng vậy. Kim không tham gia quyết định chuyện gì của con. “Hồi bằng tuổi nó em cũng vậy thôi - Kim nói - Tự tìm đường đi làm ăn, tha hương tận xứ sở lạnh ngắt này”. “Gặp nó anh đừng thất vọng - Kim nói tiếp - Nó nói tiếng Việt ngọng nghịu, sanh ra bên này, lớn lên ở nhà trẻ trường học Nga, đã về Việt Nam lần nào đâu. Cũng do em bận làm ăn kiếm tiền”. Kim có kiểu nói giễu nhại, không cần tôi có nghe hay không. “Nhưng nó học hành chăm chỉ lắm, học rừng Nga để về làm việc ở rừng Việt Nam”. “Rừng nào cũng là rừng - tôi nói - Lá phổi chung cho Trái đất, làm rừng hay lắm”. “Anh nói như sách - Kim nói - Em không thiết rừng. Con gái em không biết giống ai mê rừng. Nó nghiên cứu rừng ở đây, còn xui người khu bảo tồn sang nghiên cứu rừng Nam Cát Tiên ở Việt Nam, dự định làm tập sách chung về hai vùng rừng bên này bên kia Trái đất. Nó thường hỏi em rừng Việt Nam thế nào, Đồng Tháp Mười có cây cối gì không. Em không biết nói thế nào, lớn lên thấy Đồng Tháp Mười trơ trọi, còn vạt rừng tràm nào đâu. Nó nói má cứ kiếm tiền, con sẽ trồng rừng, con học rừng ở đây về trồng rừng ở Việt Nam... Thôi anh ngủ đi, mai nói chuyện rừng với nó. Em cũng ngủ đây!”. Nhưng tôi biết Kim không thể ngủ. Tôi vừa chun vô chăn đã nghe tiếng Kim sát bên: “Anh không hỏi gì nữa hả?”. “Hỏi gì?” - tôi khoác chăn ngồi dậy. “Chuyện mẹ con em...”. “Kim nói hết rồi còn đâu”. “Chưa hết - Kim thở dài, ngập ngừng một lúc rồi nói tiếp - Bao nhiêu năm cơ cực, nói sao cho hết... Em có ba thằng chồng không cưới, thôi nhau rồi không một lần gặp lại. Nhưng em không ngăn cấm con Nga gặp cha nó, em không cần chồng nhưng nó cần cha. Nó tự đi tìm cha nó thế nào em không biết, cha nó vợ con đề huề rồi nó vẫn gặp, trong nhiều năm vẫn liên hệ với cha. Đó là một thằng cha không ra gì, làm ăn lươn lẹo giàu có, không hiểu sao một hôm bỗng tuyên bố bỏ tất cả về Việt Nam trồng rừng. Con Nga theo cha nó mê rừng từ đó, lá rụng về cội em mặc kệ. Ở Đồng Tháp Mười từ lâu có cơ sở nấu tinh dầu tràm, đối tác chính là Liên Xô, sau năm 1989 bị đình trệ. Cha nó móc ráp nối lại mối làm ăn đó, nghe đâu cũng gần xong, rủ con gái cùng đi...”. “Tốt thôi - tôi nói - Cha con làm với nhau...”. “Anh nói gì vậy? Tốt cái gì? Nó đi rồi em sống với ai?”. Tôi không biết. Tôi làm thinh, cố dỗ giấc ngủ. Nhưng tôi biết không thể ngủ. Tôi hình dung giờ này cô gái nhỏ đang một mình trong rừng, nằm ngủ trong một trạm cheo leo ở một góc rừng nào đó. Ngày mai cô sẽ tiếp tục dấn sâu vào trong rừng, đi tìm cây thiêng cỏ quý trái vàng trái bạc... Cô làm việc với rừng Nga, để nay mai về làm cho rừng Việt... __________ (*) Khơ-mâu: đen, tiếng Khmer. Địa danh Cà Mau từ đó mà ra.(**) Đa: ừ, được, tiếng Nga. Tags: Rừng Nga
Báo Mỹ: Ông Trump vươn lên 198 phiếu đại cử tri, bà Harris 99 phiếu, đang so kè phiếu phổ thông TRẦN PHƯƠNG 06/11/2024 Theo cập nhật mới của New York Times, số phiếu đại cử tri của ông Trump là 198, trong khi số phiếu của bà Harris vẫn giữ nguyên 99.
Trực tiếp: Số liệu 'đếm phiếu' bầu cử Tổng thống Mỹ 06/11/2024 Câu hỏi ông Donald Trump hay bà Kamala Harris đang thường trực trong đầu không chỉ những người ở Mỹ mà còn nhiều nơi khác. Ai sẽ chiến thắng? Cùng Tuổi Trẻ Online xem trực tiếp: Số liệu 'đếm phiếu' bầu cử Tổng thống Mỹ.
Kiểm phiếu 7 bang chiến trường: Trump - Harris đang ngang nhau ở Pennsylvania THANH HIỀN 06/11/2024 Cập nhật đến 9h30 sáng 6-11 (giờ Việt Nam) của tờ New York Times, bang chiến trường Georgia hiện đang nghiêng về phía ông Trump, cả hai ngang nhau ở Pennsylvania.
Thiếu tình thương cha mẹ, làm mẫu trang điểm kiếm sống, là HS giỏi tỉnh, tân SV ĐH Bách khoa TP.HCM YẾN TRINH 06/11/2024 Trong khuôn viên Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM, tân sinh viên Lê Kiều Hân (19 tuổi) ngồi lần giở những trang sách. Cô mở điện thoại, vào nhóm làm thêm xem có lịch mới hay không.